Blog chứng khoán: Không nên hi vọng
Điều tàn phá tài khoản nhiều nhất chính là hi vọng. Khi thị trường giảm thì hi vọng nó sẽ tăng trong phiên kế tiếp
Điều tàn phá tài khoản nhiều nhất chính là hi vọng. Khi thị trường giảm thì hi vọng nó sẽ tăng trong phiên kế tiếp, nhưng rất hiếm khi hi vọng được như ý. Hi vọng là cảm tính, bảng điện mới là thực tế.
Thị trường ngày 11/11/2015:
Giao dịch kiểu nhồi lên dập xuống như hôm nay chắc chắn là do hành động chốt lời diễn ra, với mức độ quyết liệt cao hơn. Chấp nhận thoát hàng lúc giá tăng không bao giờ là dễ dàng cả.
Biến động intraday trên cổ phiếu cũng như Index, cơ bản là giống nhau hôm nay: Điều chỉnh đầu phiên, hồi lên khá tốt sau đó lại rơi trở lại, thậm chí còn thấp hơn cả đáy buổi sáng. HSX30+ trung bình có giá Close < High ~ 1,29%, mức độ rơi khá cao, dù chưa phải là hoảng loạn. Nếu tính xác suất toàn thị trường theo cổ phiếu, trên 60% có mức biến động trong ngày từ -2% trở lên. Hôm nay là một bull-trap ở rất nhiều cổ phiếu.
Có nhiều điểm rất dễ thấy về mức độ rủi ro cao trong đợt nhồi giá lên hôm nay. Đầu tiên là các blue-chips, nhất là VNM, GAS, VCB khởi động đợt hồi, nhưng sau đó chỉ có VNM trụ được tốt, còn lại yếu đi rất nhanh. Tiếp đến là giá tăng không lôi được tiền vào, thanh khoản theo chiều đẩy giá rất kém.
Thứ ba là giá tăng lập tức gặp lực bán chặn rất bền. Từ lúc VNI tạo đỉnh lúc 10h50 đến 11h10, tức là trong hơn 20 phút này, hàng bán ra rất khéo, không khiến giá biến động quá nhiều nhưng đủ để bão hòa sức mua. Khoảng 5 phút đầu giờ chiều giá không nhồi lên được nữa thì cầm chắc đợt hồi thất bại.
Thị trường hoàn toàn có thể gây bất ngờ bằng một đợt hồi mạnh hơn nữa sau đó. Mọi thứ luôn có thể xảy ra, nhưng vấn đề là xác suất. Liệu có bao nhiêu khả năng thị trường gây đột biến với một lượng tiền ít ỏi như vậy? Một đợt nhồi giá tăng vài giờ trước đó đã thất bại, liệu người chưa bán được giá tốt nhất khi đó có từ chối một cơ hội thứ hai?
Những gì thể hiện sau đó của thị trường chỉ hiệu ứng của lối suy nghĩ đồng nhất: Cắt giảm danh mục. Khối lượng khớp giá đỏ tiếp tục tăng, lượng khớp bán thẳng vào dư mua cũng đang tăng nhanh. Điều này nghĩa là ngày càng có nhiều người chủ động cắt giảm cổ phiếu hơn nữa, chấp nhận một sự thật rằng cơ hội giá đi cao hơn lúc này là thấp.
Lúc này vẫn còn rất nhiều người đặt cửa cho khả năng thị trường vượt lên 620 điểm, nhưng chấp nhận rằng phải có một sự điều chỉnh nào đó, chẳng hạn về 600 điểm. Ngay việc đó đã thể hiện sự thay đổi trong suy nghĩ, một điều mà vài ngày trước mới chiếm thiểu số.
VNI giảm thêm ngày mai là chạm MA20, ngưỡng hỗ trợ và có khả năng hồi. Đó có thể là một căn cứ, dù trên lý thuyết. Tuy nhiên bảng điện sẽ quyết định đâu là ngưỡng hỗ trợ, chứ không phải là các nét vẽ hay các công cụ kỹ thuật. Đó chỉ là các công cụ bổ trợ, làm tăng xác suất đúng, nhưng không quyết định đúng hay không.
Điều quan trọng là chấp nhận sự thật và căn cứ vào bảng điện để hành động theo các kế hoạch được vạch sẵn cho mọi tình huống khả dĩ, chứ không phải ngồi đó mà hi vọng. Nếu thị trường tăng thì quá tốt, nhưng hành động là gì? Nếu thị trường không tăng được như dự kiến, chả lẽ lại chuyển hi vọng sang phiên kế tiếp?
Sức mua là yếu tố căn bản trong những biến động như vậy. Đà điều chỉnh chững lại trên cơ sở giảm bán rất khác với trên cơ sở tăng cầu. Giá hồi mà không có tiền đu theo thì sớm muộn cũng chỉ là một bull-trap.
Giao dịch:
Quan sát.
* “Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.