17:29 23/10/2023

Bộ Giao thông vận tải gấp rút thí điểm cát biển, tìm kiếm thêm vật liệu thay thế cát sông

Anh Tú

Trước lo ngại tiếp tục khai thác cát sông xây cao tốc sẽ làm trầm trọng sạt lở và sụt lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương thí điểm cát biển làm vật liệu xây dựng. Các vật liệu khác như tro, xỉ nhà máy nhiệt điện thay thế cát sông cũng đang được nghiên cứu...

Thí điểm sử dụng cát biển cho đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
Thí điểm sử dụng cát biển cho đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tìm các vật liệu thay thế cát sông để thi công các công trình giao thông, nhằm hạn chế việc khai thác cát, gây sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết việc nghiên cứu tìm vật liệu thay thế cát sông nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình giao thông, đồng thời hạn chế khai thác cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long triển khai các giải pháp về cơ chế chính sách khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát). Các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được giao các nhiệm vụ như: xây dựng các tiêu chuẩn về cát biển, nghiên cứu tác động môi trường, sạt lở bờ sông, bờ biển đối với các hoạt động khai thác cát sông, cát biển…

 

Cũng theo Bộ Xây dựng, ở Nhật Bản, tỷ lệ cát biển sử dụng làm cốt liệu bê tông chiếm 30% lượng cát xây dựng, vùng ven biển lượng cát chiếm tới 91,5%.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về vật liệu xây dựng cát biển, cát nghiền đã được sử dụng ở nhiều nước như Anh, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Với thông tin về tiềm năng sử dụng của cát biển như vậy, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có nghiên cứu về sử dụng cát biển nhằm mục đích thay thế cát sông trong xây dựng công trình. Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án thí điểm sử dụng cát biển để có thể sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Giao thông vận tải triển khai việc áp dụng thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thí điểm sử dụng cát biển cho đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, "các đoạn tuyến thí điểm đã hoàn thành công tác thi công hiện trường và cho các phương tiện lưu thông. Kết quả bước đầu cho thấy cát biển (lấy tại mỏ tỉnh Trà Vinh) có các chỉ tiêu vật liệu cơ học, vật lý đáp ứng yêu cầu đắp nền theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9436:2012 Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Mẫu cát biển cũng có các chỉ tiêu môi trường nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 43:2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích (trầm tích nước mặn, nước lợ).

Kết quả quan trắc môi trường tại các vị trí quan trắc cho thấy chưa có biểu hiện rõ ràng việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.

Để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức làm việc trực tiếp với Tập đoàn Geleximco, các chuyên gia tập đoàn Boskalis Hà Lan để cung cấp các thông tin và kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng cát biển tại các dự án xây dựng công trình giao thông tại Hà Lan và cung cấp các thông tin có liên quan về dự án, thiết kế, các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ thi công, công nghệ khai thác cát biển, các yêu cầu về môi trường, độ mặn cát biển... để tham khảo.

Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục quan trắc, đánh giá, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. "Nếu kết quả nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu cho các dự án trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", Bộ Giao thông vận tải nhận định.

Đặc biệt, bên cạnh cát biển, các vật liệu khác nhằm thay thế một phần cát sông trong xây dựng công trình giao thông cũng đang được Bộ Giao thông vận tải tích cực nghiên cứu và triển khai như: công nghệ cào bóc tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa tại chỗ, cào bóc tái chế nóng bê tông nhựa tại trạm trộn, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu và triển khai đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện… làm vật liệu xây dựng và san lấp.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nghiên cứu sử dụng cát biển đắp nền đường. Đồng thời, thúc đẩy việc nghiên cứu các vật liệu mới thân thiện với môi trường, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để đẩy nhanh việc áp dụng cho các công trình dự án tại khu vực này.