15:01 15/09/2023

Ngành vật liệu xây dựng hiện đại hóa theo hướng phát triển “xanh”

Ban Mai

Một trong những mục tiêu chính của chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành xây dựng là làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp như không gian ngầm, công trình ngầm, nhà cao trên 150m...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030 được ban hành vào tháng 01/2023, đã xác định mục tiêu làm chủ công nghệ và phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện với môi trường.

HƯỚNG TỚI TIÊU CHUẨN CÔNG NGHIỆP  “XANH”

Ngày 11/01/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký Quyết định số 11/QĐ-BXD ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030.

Theo đó, chiến lược xác định mục tiêu phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, phấn đấu đến năm 2030 ngành vật liệu xây dựng đạt mức độ cao về công nghiệp hóa; đến năm 2050, đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh, sử dụng tối đa công nghệ số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.

Mặt khác, mục tiêu nữa là nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cả về khối lượng, chất lượng lẫn chủng loại cho tiêu dùng trong nước và tham gia một phần xuất khẩu. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa, cắt giảm khí nhà kính các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu.

Bộ Xây dựng đã xác định 9 mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030.

Một là, làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp (không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu lớn hơn 30m, nhà cao trên 150m...).

Hai là, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức phát thải ròng theo lộ trình của Chính phủ.

Ba là, nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng vật liệu tái chế trong công trình xây dựng.

Bốn là, đổi mới, hoàn thiện phương pháp luận công tác quy hoạch xây dựng; hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý đô thị, kiến trúc đô thị và nông thôn, theo hướng bền vững, hiện đại, có bản sắc và phù hợp với điều kiện phát triển từng địa phương.

Năm là, ứng dụng các công nghệ thông minh, tiên tiến hiện đại trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà.

Sáu là, nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng.

Bảy là, nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thành việc biên soạn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo lộ trình đã được phê duyệt.

Tám là, nghiên cứu cơ sở thực tiễn để hoàn thiện hệ thống quản lý, chứng nhận phòng thí nghiệm; đổi mới, tăng cường công tác quản lý đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành Xây dựng.

Chín là, đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng.

Tại lễ khánh thành dây chuyền sản xuất đá nung kết trên dây chuyền Continua+ của SACMI (Italia) và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam, đồng thời ra mắt tấm đá nung kết lớn nhất Việt Nam, diễn ra tại nhà máy Viglacera Eurotile (Bà Rịa – Vũng Tàu), do Tổng Công ty Viglacera - CTCP tổ chức ngày 11/9/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Việt Nam đã có những doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng đi đầu thực hiện đổi mới công nghệ, góp phần vào việc cụ thể hóa rõ nét Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030 và Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 9/2023).

Hiện sản phẩm tấm đá nung kết có kích thước lớn nhất trên thị trường của Tổng Công ty Viglacera – Công ty cổ phần (Viglacera), đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu ra quốc tế.

Với những nhà máy hiện đại, ngành xây dựng Việt Nam đã tiệm cận với những thị trường cao cấp trên thế giới, làm chủ công nghệ trong xây dựng nhiều công trình lớn - Ảnh: PA.
Với những nhà máy hiện đại, ngành xây dựng Việt Nam đã tiệm cận với những thị trường cao cấp trên thế giới, làm chủ công nghệ trong xây dựng nhiều công trình lớn - Ảnh: PA.

Theo ông Quách Hữu Thuận, Giám đốc Công ty Cổ phần Viglacera Tiên Sơn, các kiến trúc sư nhận định đá nung kết của Viglacera rất phù hợp với các công trình công lớn và cao cấp như sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, các Resort 5 sao và biệt thự cao cấp, với biên độ không giới hạn, tạo ra không gian rộng lớn và sang trọng trong kiến trúc.

“Đến nay, dây chuyền đã sản xuất thành công các chủng loại mẫu mã được hoạch định trong dự án, đưa các dòng sản phẩm đá nung kết khổ lớn cao cấp ra thị trường với kích thước lớn nhất hiện nay (1,62m x 3,31m) chiều dày từ 6mm đến 20mm”, ông Thuận nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thêm, sản phẩm đá nung kết khổ lớn là sự đột phá trong hệ sinh thái sản phẩm, vật liệu xanh thân thiện môi trường. Điều này đánh dấu một bước tiến mới trong việc làm chủ công nghệ hiện đại nhất thế giới của doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng của các sản phẩm thương hiệu Việt đã tiệm cận với những thị trường cao cấp trên thế giới.

BẤT ĐỘNG SẢN “ẤM” KÉO XÂY DỰNG TĂNG TRƯỞNG

Cũng tại sự kiện ra mắt tấm đá nung kết lớn nhất Việt Nam củaViglacera, nhận định về thị trường bất động sản và xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị cho rằng sự sụt giảm của bất động sản cũng kéo theo ngành xây dựng phải đối mặt với sự sụt giảm ở hầu hết các phân khúc thị trường xây dựng trong 6 tháng đầu năm nay.

Thị trường bất động sản đình đốn do nguồn cung hết sức hạn chế ở hầu hết các loại hình bất động sản. Số lượng các dự án mở bán rất ít, trong đó số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong 6 tháng đầu năm chỉ có 30 dự án với hơn 4.500 căn hộ, chỉ bằng khoảng 37,5% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Lượng bất động sản giao dịch cũng chỉ đạt khoảng 36-41% so với cuối năm 2022 ở tùy từng phân khúc, kéo theo đó là lượng sản xuất và tiêu thụ ở hầu hết các mặt hàng vật liệu xây dựng chủ yếu đều có mức tăng trưởng âm, có nhiều tháng âm lên đến hai con số.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và những nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tình hình kinh tế - xã hội cả nước và ngành Xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, việc tháo gỡ cho thị trường bất động sản cũng bắt đầu có những kết quả tích cực. Báo cáo của các địa phương cho biết, thành phố Hà Nội đã giải quyết tháo gỡ được 419 dự án tương đương 58,8% số lượng dự án có khó khăn, vướng mắc.

TP.HCM đã giải quyết tháo gỡ được 67 dự án tương đương 37,2% số lượng dự án có khó khăn, vướng mắc. Các địa phương còn lại hiện đang tiếp tục quyết giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của dự án. Các dự án đã và đang được tháo gỡ sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.

“Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024, đồng thời sẽ kéo theo nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động... tăng lên”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.