15:29 08/05/2023

Bức tranh kinh tế sáng màu của Thanh Hóa

Song Khánh

4 tháng năm 2023 đi qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn song tình hình kinh tế - xã hội tại Thanh Hóa tiếp tục chuyển biến tích cực, tạo nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước...

Một góc thành phố Thanh Hóa
Một góc thành phố Thanh Hóa

Số liệu vừa công bố của Cục Thống kê Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội tháng tư và 4 tháng đầu năm 2023 tại địa phương này cho thấy nhiều gam màu sáng của bức tranh kinh tế. Trong đó, sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định và có bước phát triển.

SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CÓ BƯỚC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Tháng tư, một số ngành công nghiệp chủ lực (may mặc, da giày, sản xuất xi măng, gạch xây, gạch men, đá ốp lát) tại Thanh Hóa đã có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu thụ bắt đầu khởi sắc. Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động khoảng 400 triệu kwh. Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, các sản phẩm tăng khá so với tháng trước và tháng cùng kỳ.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp Thanh Hóa
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp Thanh Hóa

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 4/2023 tăng 2,87% so với tháng trước, tăng 5,34% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 6,22% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm tháng 4/2023 tăng so với tháng trước và tháng cùng kỳ như: Xăng các loại 295,1 nghìn tấn, tăng 43,5% so tháng trước, tăng 2,2% so tháng cùng kỳ; dầu diesel 408,4 nghìn tấn, tăng 6,8% so tháng trước, tăng 6,0% so tháng cùng kỳ; bia các loại 2,6 triệu lít, tăng 50,6% so tháng trước,…

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2023 dự kiến tăng 2,37% so với tháng trước, giảm 3,20% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2023 dự kiến tăng 3,14% so với tháng trước, tăng 28,43% so với tháng cùng kỳ.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 4/2023 dự kiến tăng 1,90% so với tháng trước, giảm 11,54% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 11,30% so với cùng kỳ.

BÁN LẺ HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 4/2023 toàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 10.368 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước, tăng 11,7% so với tháng cùng kỳ năm trước8 . Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 42.700 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 4/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 245,1 tỷ đồng, tăng 9,1% so tháng trước, tăng 4,7%so tháng cùng kỳ;doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.510,5 tỷ đồng, tăng 5,5% so tháng trước, tăng 30,7% so tháng cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 18,6 tỷ đồng, tăng 12,9% so tháng trước, tăng 36,4% so tháng cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.399,5 tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước, giảm 1,2% so tháng cùng kỳ.

Quảng trường biển Sầm Sơn, điểm hội tụ mới của ngành du lịch Thanh Hóa
Quảng trường biển Sầm Sơn, điểm hội tụ mới của ngành du lịch Thanh Hóa

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 904,3 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 5.630,1 tỷ đồng, tăng 94,5% so cùng kỳ;doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 67,6 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 5.539,3 tỷ đồng, tăng 1,7% so cùng kỳ.

Doanh thu vận tải hành khách tháng 4 ước đạt 470,8 tỷ đồng, tăng 11,7% so tháng trước, tăng 50,9% so tháng cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 953,9 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, tăng 25,6% so tháng cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 430,3 tỷ đồng, tăng 3,2% so tháng trước, tăng 71,8% so tháng cùng kỳ. Doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 3,0% so tháng trước, tăng 37,1% so tháng cùng kỳ.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hành khách tại Thanh Hóa ước đạt 1.762 tỷ đồng, tăng 64,7% so với cùng kỳ, tăng 64,0% về hành khách vận chuyển, tăng 65,6% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 3.699 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.447 tỷ đồng, tăng 49,4% so cùng kỳ; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 23,8 tỷ đồng, tăng 37,1% so cùng kỳ.

NGÀNH NÔNG NGHIỆP VỚI NHIỀU MẢNG SÁNG

Tháng 4/2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tại Thanh Hóa đạt 17.211 tấn, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 7,1% so với tháng cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 11.603 tấn, tăng 5,3% so tháng trước và tăng 7,4% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 5.608 tấn, giảm7,4% so với tháng trước và tăng 6,6% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 68.257 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 43.991 tấn, tăng 7,7%; sản lượng nuôi trồng 24.266 tấn, tăng 2,2%.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa

Sản xuất vụ chiêm xuân năm 2023 cơ bản đã hoàn thành kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân năm 2023 toàn tỉnh đạt 191 nghìn ha, giảm 1,0% (tương ứng với giảm 1.860 ha) so với vụ chiêm xuân năm ngoái. Diện tích một số cây trồng chính như sau: lúa 113.695 ha, giảm 0,5%; ngô 13.458 ha, giảm 1,0%; lạc 6.157 ha,giảm 6,1%; khoai lang 1.658 ha, giảm 3,5%; sắn 10.794 ha, giảm 12,8%; mía nguyên liệu 12.482 ha, tăng 0,8%; cây gai xanh 769 ha, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định, giá trị sản xuất đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng 4,65% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng, sữa, thịt hơi các loại đều tăng. Các dự án chăn nuôi trọng điểm, quy mô lớn đã đi vào sản xuất như: Dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ; Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện; Dự án Khu chăn nuôi DABACO...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 94 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó 40 cơ sở chăn nuôi lợn, 04 cơ sở chăn nuôi bò, 50 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.

Về lâm nghiệp, tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng được 3 nghìn ha rừng trồng tập trung; 3,7 triệu cây phân tán các loại. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường; không có cháy rừng xảy ra, an ninh rừng được giữ vững.