Cá nhân, hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp còn bỡ ngỡ với hóa đơn điện tử
Theo luật quản lý thuế 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2022 tất cả các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, song qua quá trình thí điểm (từ 31/12/2021) đến nay doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc cần được xử lý…
Ngày 27/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng công ty viễn thông Mobiphone tổ chức hội thảo “Hoá đơn điện tử theo Nghị định 123/2020 và Thông tư số 78/2021 – Những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi áp dụng”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế nhất là việc triển khai hệ thống hoá đơn điện tử vào ngành thuế đã tạo bước đột phá mới trong chuyển đổi số.
Để áp dụng hoá đơn điện tử theo quy định mới, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật quản lý thuế số 38 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Theo ông Phòng, việc ngành thuế triển khai sử dụng hoá đơn điện tử thay cho hoá đơn giấy là việc làm vô cùng hữu ích cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm triển khai hoá đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC với nhiều nội dung mới, mang đến những vướng mắc phát sinh cần giải đáp, xử lý kịp thời cho người nộp thuế. Đặc biệt đối với các hộ, cá nhân kinh doanh (đáp ứng điều kiện Thông tư 78/2021/TT-BTC) là những đối tượng lần đầu sử dụng hoá đơn điện tử.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính), nhận định, qua thời gian thử nghiệm cho thấy, hoá đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua cũng như cơ quan quản lý thuế.
Với người bán, hoá đơn điện tử tiết kiệm được lượng giấy tờ lớn. Việc lưu trữ cũng đơn giản hơn nhiều. Mặt khác, giao dịch được thực hiện ngay. Tương tự người mua cũng có những lợi ích như vậy.
Đặc biệt, qua giao dịch điện tử, người bán, người mua và cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, nắm được các giao dịch, có thể kiểm tra chéo lẫn nhau, không lo lắng hoá đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, không lo bị loại trừ chi phí…. khi kết nối dữ liệu về cơ quan thuế, bảo đảm cho một thị trường kinh doanh trung thực, lành mạnh.
Có điều, theo ông Phụng, với các hộ kinh doanh di chuyển lên doanh nghiệp có nhiều thứ thay đổi, như: cách làm khác, quản trị khác, tư duy cũng khác… nên họ sẽ gặp khó hơn khi thực hiện. Lâu nay là hộ kinh doanh, với tư duy “tiền trao, tráo múc”, bán đứt là xong nhưng khi lên thành doanh nghiệp thì cần giữ chứng từ, hoá đơn, đầu ra – đầu vào… thậm chí, chỉ riêng việc viết hoá đơn cũng là mới đối với họ cho nên thực hiện hoá đơn điện tử còn bỡ ngỡ.
Một số ý kiến cũng e ngại, ở một số tỉnh thành, để 100% doanh nghiệp áp dụng hoá đơn điện tử là thách thức không nhỏ vì có tới 90% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nên điều kiện về đầu tư hạ tầng và trình độ nhân lực bộ máy chưa tương xứng. Đó là chưa nói đến nhiều doanh nghiệp tại các địa phương miền núi, việc cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử còn một số hạn chế, bất cập...
Để đạt mục tiêu đến 1/7/2022 áp dụng bắt buộc hoá đơn điện tử trên toàn quốc, chấm dứt hoá đơn giấy, hợp đồng điện tử cũ (theo Thông tư 32/2011) ông Phụng cho biết, ngành thuế đã đi rất nhiều bước thận trọng, chắc chắn, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Ban đầu là thí điểm triển khai giai đoạn 1 tại 6 tỉnh (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định). 6 tỉnh này chiếm trên 70% lượng hoá đơn và lượng doanh nghiệp. 57 tỉnh còn lại triển khai từ 21/4/2022.
Ngành thuế đã từng bước yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp và hoá đơn phải tăng cường nhân lực, giải pháp để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tỉ mỉ, cẩn thận tại các chi cục thuế, cục thuế. Điển hình có 479 điểm trong toàn quốc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
“Với cách làm như vậy chúng tôi tin ngày 1/7/2022 chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra”, ông Phụng tự tin.
Tuy nhiên ông Phụng cho rằng, để thành công, ngành thuế vẫn rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp hạ tầng mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử.
Đặc biệt cần sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến tới người dân, doanh nghiệp và vận động cũng như bắt buộc (khi đến hạn) doanh nghiệp triển khai thực hiện hoá đơn điện tử.