Cả nước dự kiến còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã
Theo ước tính ban đầu của Bộ Nội vụ, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cả nước dự kiến sẽ giảm khoảng 67%, còn khoảng 3.300 xã, phường, đặc khu...

Ngày 28/4, tại họp báo của Bộ Nội vụ, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương đã thông tin về tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng như phương án bố trí nhân sự cấp xã sau sắp xếp.
LÀM XUYÊN DỊP NGHỈ LỄ ĐỂ ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ ĐỀ RA
Ông Phan Trung Tuấn cho biết đến nay, cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (52 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố phải sắp xếp). Các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từng địa phương cũng cơ bản đã hoàn thành.
Đến ngày 28/4, Bộ Nội vụ đã nhận được 20 hồ sơ Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của 20 địa phương gửi thẩm định. Bộ đang khẩn trương, tập trung tối đa, làm xuyên dịp lễ 30/4 - 1/5 để bảo đảm tiến độ đề ra.
“Chúng tôi cố gắng trước ngày 10/5 sẽ trình Chính phủ toàn bộ hồ sơ đề án cấp tỉnh và cấp xã của cả nước. Sau đó, lấy ý kiến thành viên Chính phủ và hoàn thiện đề án, phấn đấu đến ngày 15/5, toàn bộ hồ sơ đề án của Chính phủ sẽ được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Tuấn thông tin.
Theo chủ trương thống nhất của Trung ương về tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cả nước dự kiến sẽ giảm 60-70% số lượng xã, phường so với hiện nay. Tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư là cấp xã phải gần dân, sát dân. Do đó, quy mô sau sáp nhập không được quá lớn.
“Các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ giảm trên để tiến hành sắp xếp. Tùy tình hình thực tế, có địa phương giảm 60%, có địa phương giảm 70%, có địa phương có thể cao hơn một chút, nhưng toàn quốc phải bảo đảm mục tiêu giảm 60-70%. Bước đầu, chúng tôi ước tính sau khi sắp xếp, giảm khoảng 67%, toàn quốc sẽ còn khoảng 3.300 xã, phường, đặc khu (hiện cả nước có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã)”, ông Phan Trung Tuấn nói.
Thêm rằng, bước đầu là như vậy, còn số lượng đơn vị hành chính cấp xã cuối cùng sẽ có khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết.
Về việc đặt tên của đơn vị hành chính sau sắp xếp, ông Tuấn cho biết căn cứ quy định tại Nghị quyết số 76/2025, địa phương chủ động việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tên gọi mới đảm bảo dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
ĐỊA PHƯƠNG QUYẾT ĐỊNH VIỆC BỐ TRÍ NHÂN SỰ CẤP XÃ
Về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp đơn vị hành chính, ông Phan Trung Tuấn cho biết Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tại kỳ họp sắp tới đây. Trong đó, đề xuất hệ thống tiêu chuẩn chung về chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, bao gồm công chức cấp xã.

Sau khi Luật Cán bộ Công chức (sửa đổi) được thông qua, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một nghị định mới quy định cụ thể về nội dung này. Hiện nay, tiêu chuẩn về cán bộ, công chức cấp xã đang được thực hiện theo Nghị định 33 của Chính phủ.
Về phương án nhân sự cấp xã, ông Phan Trung Tuấn đánh giá, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy hiện nay.
Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, Trung ương thống nhất cơ bản trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay, và chuyển biên chế cấp huyện về cấp xã để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã hình thành mới sau sáp nhập.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cũng thông tin, ngày 14/4/2025, Bộ Chính trị đã có Kết luận 150-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Về tinh thần, đang thực hiện nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, nên Trung ương chỉ định hướng về nguyên tắc, chủ trương, còn lại địa phương sẽ toàn quyền quyết định trong việc bố trí nhân sự cấp xã.
Ông Tuấn cũng dẫn lại thông tin từ các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cho biết có thể bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy làm bí thư cấp xã, phường mới.
“Không chỉ Giám đốc Sở, Tỉnh ủy viên hay Thành ủy viên, mà thậm chí những địa bàn quan trọng có thể bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy để giữ chức danh người đứng đầu cấp ủy của xã, phường”, ông Tuấn cho hay.
Còn tất cả phương án nhân sự cụ thể, như ai làm bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn..., sẽ do cấp tỉnh quyết định, và chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành.
Trong thời hạn 5 năm, Bộ Nội vụ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn mới để định biên biên chế của từng cấp tỉnh và từng cấp xã tới đây. Trước khi có bộ tiêu chuẩn mới, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát lại tổng biên chế cả nước trong hệ thống chính trị để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.