Cà phê cuối tuần: “Cần có đổi mới lần hai”
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị cần có các giải pháp mạnh mẽ để ổn định kinh tế vĩ mô
Hỏi ông có bi quan quá không khi khẳng định rằng, “không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”, ông liền hỏi lại, “thế bạn thấy có ai phản đối không?”.
Câu chuyện giữa VnEconomy với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, diễn ra khi không khí của cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM vẫn còn đang “nóng hổi”.
Là diễn giả đăng đàn thứ ba với chủ đề “Điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tái cơ cấu và cải cách kinh tế” tại hội thảo này, ông Doanh đã hơn một lần nhấn mạnh rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật và “cần có đổi mới lần hai” một cách sâu sắc, toàn diện.
Phải nói thẳng
Thưa ông, nhận định nền kinh tế đang ở tình trạng “xấu nhất từ năm 1991” đã được “kiểm nghiệm” ở diễn đàn nào chưa?
Chưa đâu, đây là lần đầu tiên tôi đưa ra nhận định này.
Các ý kiến tại hội thảo đều rất dễ dàng thống nhất là nền kinh tế đang rất khó khăn, song nếu khái quát như ông thì liệu có vội vàng quá không?
Thì bạn đã nghe cả tại hội thảo rồi đấy. Phải nói thẳng là tình hình đang rất xấu.
Xét về tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước… đều đang ở mức trầm trọng.
Đáng chú ý là sức khỏe của hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều vấn đề, tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Mức tín nhiệm của Việt Nam bị các công ty nước ngoài hạ thấp đến mức B-, tức là mức thấp nhất trước mức C.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm 6 bậc trong năm 2011, xuống vị trí 65 trên 142 nền kinh tế. Tích lũy từ nội bộ kinh tế liên tục giảm sút, để duy trì mức đầu tư cao, nước ta đã tăng vay mượn nước ngoài, không chỉ qua nguồn ODA mà còn cả qua các kênh bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế và bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay mượn thương mại với lãi suất cao. Số nợ của khu vực doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản cũng tăng cao rồi.
Nợ nước ngoài lên đến 42% GDP, cao nhất từ 1998 đến nay. Nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh và phải trả nợ thay khi doanh nghiệp chưa trả được, như trường hợp xi măng Đồng Bành vừa qua, thì tổng số nợ đã vượt quá 100% GDP.
Một vấn đề nữa rất đáng chú ý hiện nay là chênh lệch giàu-nghèo tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, bên cạnh những người nghèo gặp khó khăn rất lớn trong đời sống, chữa bệnh, cho con đi học..., đã xuất hiện những hiện tượng phô bày sự giàu có, xa hoa theo kiểu trọc phú, rất xa lạ với truyền thống dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Rồi, tội ác hình sự, các hành vi bạo lực và các tệ nạn xã hội tăng nhanh, tình hình trật tự xã hội có diễn biến phức tạp, người dân lương thiện cảm thấy kém an toàn khi đi ra đường hay đến nơi đông người.
Nhưng thưa ông, chúng ta vẫn thường nghe các đánh giá là kinh tế - xã hội đang có chuyển biến tích cực?
Tất nhiên hiện thực là bức tranh nhiều màu sắc. Bên cạnh những “khoảng tối” như tôi vừa nói thì cũng có điểm sáng, như sản xuất nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo… vẫn tăng.
Bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng sản xuất thì cũng có doanh nghiệp làm ăn được. Ví dụ doanh nghiệp Mỹ Lan ở Trà Vinh chế ra vật liệu nano xuất khẩu, hay gốm sứ Minh Long cũng có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có năng lực cạnh tranh…
Những điểm sáng như vậy có thể tìm thấy ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương, nhưng chính những doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn vì lãi suất cao, lạm phát làm chi phí đầu vào tăng nhanh.
Những điểm sáng đó mình phải thừa nhận, song một vài con én nhỏ không làm nên mùa xuân, không làm thay đổi được cục diện.
Vậy nên đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật, phải có sự chuyển hướng chiến lược để khôi phục lại niềm tin của dân và các nhà đầu tư.
“Đổi mới lần hai”
Xin mạn phép hỏi ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, dù sao khi đã nghỉ hưu rồi thì cũng dễ “nói mạnh” hơn khi còn đương chức?
Với tôi thì không phải, tôi luôn luôn nói sự thật, vì thế nhiều phen sóng gió lắm rồi đấy, nhưng chắc bạn không biết rõ vì khi ấy bạn còn trẻ.
Còn ở tình thế hiện nay thì tôi thấy cả các anh đương chức cũng nói thẳng là chúng ta không nên ảo tưởng nữa, và nếu không điều chỉnh cho sát thực tế hơn thì kế hoạch 5 năm tới sẽ không thể thực hiện được.
Bởi thế nên ông mới kiến nghị “tình hình kinh tế-xã hội rất không bình thường này cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012”?
Theo tôi thì đã đến lúc Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất cần có quyết định cải cách mạnh mẽ, mà tôi tạm gọi là đổi mới lần thứ hai, để tránh khủng hoảng.
Như đã nói, cần điều chỉnh kế hoạch 5 năm tới. Trước mắt, cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cơ cấu và cải cách toàn diện trong ít nhất là hai năm 2012-2013, trước khi tiếp tục thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Mục tiêu của kế hoạch này là giảm lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu, cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu-chi ngân sách, cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, hoạt động đầu tư, thực hiện tinh giảm bộ máy nhà nước đã phình to lên nhanh chóng trong thời gian qua, cắt giảm biên chế hành chính.
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, giảm hẳn các khoản chi tiêu còn để ngoài ngân sách, thực hiện sự giám sát đầy đủ, chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử về chi tiêu ngân sách. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Mua sắm công, ban hành Luật Đầu tư công nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí, chia chác trong nhóm lợi ích.
Khâu trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện mô hình quản lý dựa trên kết quả, công khai minh bạch như những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khác với lần đổi mới thứ nhất - chủ yếu là cởi trói và giải phóng sức sản xuất, được sự ủng hộ của đông đảo nông dân và quảng đại quần chúng - đổi mới lần này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội.
Có thể, một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi lớn sẽ không ủng hộ một cuộc đổi mới như vậy. Đó là nhiệm vụ khó khăn cần phải vượt qua, và cũng là sứ mệnh vẻ vang của thế hệ lãnh đạo hiện nay.
Phản biện chính sách cần được làm chu đáo hơn
Trong số các giải pháp để “chữa bệnh” bất ổn, nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm thu, giảm chi và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông có chia sẻ?
Giảm thu, giảm chi thì rất đúng rồi. Tập trung ổn định vĩ mô và phải khoan sức dân, bớt thuế bớt chi tiêu đi.
Tôi cho rằng cần phải phát động phong trào toàn dân cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một vị giáo sư người Nhật nói với tôi trước đây ông ấy đến Việt Nam thì được mời rượu Johnnie Walker đỏ, còn bây giờ thì họ mời Chivas giá mười mấy triệu. Và ôtô người Việt đi cũng sang hơn trước đây nhiều. Ở Nhật, không bao giờ một quan chức nào có thể mời bạn uống rượu sang như vậy bằng tiền ngân sách.
Vì thế cần phải tiết kiệm, trong đó thì cơ quan nhà nước cần gương mẫu trước.
Còn về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thì tôi đã nói nhiều lần là cơ chế quản lý của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, nhưng không phải là không khắc phục được.
Đi Trung Quốc, tôi được Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp của Trung Quốc cho biết là đã áp dụng chế độ quản lý theo hiệu quả, nhưng doanh nghiệp nhà nước bên đó cũng còn rất nhiều vấn đề.
Hỏi thế làm thế nào để khắc phục thì ông ấy cho biết là yêu cầu một nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia khảo sát và đề ra một hệ tiêu chí, như phải tăng năng suất bao nhiêu, đổi mới công nghệ thế nào, lương thưởng bao nhiêu… sau đó công khai đăng lên. Ai có phương án thì gửi đến, rồi mời hội đồng nghe báo cáo, bỏ phiếu kín, người được phiếu cao nhất thì bổ nhiệm làm lãnh đạo 3 năm. Năm đầu làm không tốt thì không lên lương, năm thứ hai vẫn không làm được thì hủy hợp đồng không cho làm nữa và thay băng người khác.
Tại sao họ làm được mà Việt Nam mình chưa làm được?
Nhân nói đến vai trò của các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, có chuyên gia tự phê là ý kiến nào cũng nhấn mạnh phải tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng để góp ý cho Chính phủ tái cơ cấu bắt đầu từ đâu thì đội ngũ các nhà khoa học cũng chưa làm được nhiều. Ông có thấy “chạnh lòng” không ạ?
Lần gần đây nhất được mời đến hội nghị tham vấn cho Chính phủ thì tôi lại đang hội thảo ở nước ngoài nên không dự được, rất tiếc.
Đóng góp cá nhân thì có cũng có thể chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng tôi nghĩ chúng tôi luôn cố gắng đóng góp.
Chỉ có điều vai trò phản biện cũng chưa được coi trọng đúng mức, thể hiện ở cách làm vội vã. Thông báo trước hai ngày bảo mời anh đến thì làm sao mà chuẩn bị tốt được. Lẽ ra anh phải đặt hàng trước một số vấn đề để người tư vấn có thời gian chuẩn bị thật tốt. Sản phẩm 24 tiếng dĩ nhiên phải khác với sản phẩm được nghiên cứu nghiêm túc trong 2, 3 tháng chứ.
Cho dù như vậy thì có còn hơn không, thưa ông?
Rõ ràng chứ, chỉ có điều cần mở rộng hơn nữa. Tôi tin là nếu có quyết tâm cải cách, chúng ta sẽ làm được, làm tốt.
Câu chuyện giữa VnEconomy với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, diễn ra khi không khí của cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM vẫn còn đang “nóng hổi”.
Là diễn giả đăng đàn thứ ba với chủ đề “Điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tái cơ cấu và cải cách kinh tế” tại hội thảo này, ông Doanh đã hơn một lần nhấn mạnh rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật và “cần có đổi mới lần hai” một cách sâu sắc, toàn diện.
Phải nói thẳng
Thưa ông, nhận định nền kinh tế đang ở tình trạng “xấu nhất từ năm 1991” đã được “kiểm nghiệm” ở diễn đàn nào chưa?
Chưa đâu, đây là lần đầu tiên tôi đưa ra nhận định này.
Các ý kiến tại hội thảo đều rất dễ dàng thống nhất là nền kinh tế đang rất khó khăn, song nếu khái quát như ông thì liệu có vội vàng quá không?
Thì bạn đã nghe cả tại hội thảo rồi đấy. Phải nói thẳng là tình hình đang rất xấu.
Xét về tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước… đều đang ở mức trầm trọng.
Đáng chú ý là sức khỏe của hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều vấn đề, tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Mức tín nhiệm của Việt Nam bị các công ty nước ngoài hạ thấp đến mức B-, tức là mức thấp nhất trước mức C.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm 6 bậc trong năm 2011, xuống vị trí 65 trên 142 nền kinh tế. Tích lũy từ nội bộ kinh tế liên tục giảm sút, để duy trì mức đầu tư cao, nước ta đã tăng vay mượn nước ngoài, không chỉ qua nguồn ODA mà còn cả qua các kênh bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế và bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay mượn thương mại với lãi suất cao. Số nợ của khu vực doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản cũng tăng cao rồi.
Nợ nước ngoài lên đến 42% GDP, cao nhất từ 1998 đến nay. Nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh và phải trả nợ thay khi doanh nghiệp chưa trả được, như trường hợp xi măng Đồng Bành vừa qua, thì tổng số nợ đã vượt quá 100% GDP.
Một vấn đề nữa rất đáng chú ý hiện nay là chênh lệch giàu-nghèo tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, bên cạnh những người nghèo gặp khó khăn rất lớn trong đời sống, chữa bệnh, cho con đi học..., đã xuất hiện những hiện tượng phô bày sự giàu có, xa hoa theo kiểu trọc phú, rất xa lạ với truyền thống dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Rồi, tội ác hình sự, các hành vi bạo lực và các tệ nạn xã hội tăng nhanh, tình hình trật tự xã hội có diễn biến phức tạp, người dân lương thiện cảm thấy kém an toàn khi đi ra đường hay đến nơi đông người.
Nhưng thưa ông, chúng ta vẫn thường nghe các đánh giá là kinh tế - xã hội đang có chuyển biến tích cực?
Tất nhiên hiện thực là bức tranh nhiều màu sắc. Bên cạnh những “khoảng tối” như tôi vừa nói thì cũng có điểm sáng, như sản xuất nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo… vẫn tăng.
Bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng sản xuất thì cũng có doanh nghiệp làm ăn được. Ví dụ doanh nghiệp Mỹ Lan ở Trà Vinh chế ra vật liệu nano xuất khẩu, hay gốm sứ Minh Long cũng có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có năng lực cạnh tranh…
Những điểm sáng như vậy có thể tìm thấy ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương, nhưng chính những doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn vì lãi suất cao, lạm phát làm chi phí đầu vào tăng nhanh.
Những điểm sáng đó mình phải thừa nhận, song một vài con én nhỏ không làm nên mùa xuân, không làm thay đổi được cục diện.
Vậy nên đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật, phải có sự chuyển hướng chiến lược để khôi phục lại niềm tin của dân và các nhà đầu tư.
“Đổi mới lần hai”
Xin mạn phép hỏi ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, dù sao khi đã nghỉ hưu rồi thì cũng dễ “nói mạnh” hơn khi còn đương chức?
Với tôi thì không phải, tôi luôn luôn nói sự thật, vì thế nhiều phen sóng gió lắm rồi đấy, nhưng chắc bạn không biết rõ vì khi ấy bạn còn trẻ.
Còn ở tình thế hiện nay thì tôi thấy cả các anh đương chức cũng nói thẳng là chúng ta không nên ảo tưởng nữa, và nếu không điều chỉnh cho sát thực tế hơn thì kế hoạch 5 năm tới sẽ không thể thực hiện được.
Bởi thế nên ông mới kiến nghị “tình hình kinh tế-xã hội rất không bình thường này cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012”?
Theo tôi thì đã đến lúc Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất cần có quyết định cải cách mạnh mẽ, mà tôi tạm gọi là đổi mới lần thứ hai, để tránh khủng hoảng.
Như đã nói, cần điều chỉnh kế hoạch 5 năm tới. Trước mắt, cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cơ cấu và cải cách toàn diện trong ít nhất là hai năm 2012-2013, trước khi tiếp tục thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Mục tiêu của kế hoạch này là giảm lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu, cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu-chi ngân sách, cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, hoạt động đầu tư, thực hiện tinh giảm bộ máy nhà nước đã phình to lên nhanh chóng trong thời gian qua, cắt giảm biên chế hành chính.
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, giảm hẳn các khoản chi tiêu còn để ngoài ngân sách, thực hiện sự giám sát đầy đủ, chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử về chi tiêu ngân sách. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Mua sắm công, ban hành Luật Đầu tư công nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí, chia chác trong nhóm lợi ích.
Khâu trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện mô hình quản lý dựa trên kết quả, công khai minh bạch như những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khác với lần đổi mới thứ nhất - chủ yếu là cởi trói và giải phóng sức sản xuất, được sự ủng hộ của đông đảo nông dân và quảng đại quần chúng - đổi mới lần này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội.
Có thể, một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi lớn sẽ không ủng hộ một cuộc đổi mới như vậy. Đó là nhiệm vụ khó khăn cần phải vượt qua, và cũng là sứ mệnh vẻ vang của thế hệ lãnh đạo hiện nay.
Phản biện chính sách cần được làm chu đáo hơn
Trong số các giải pháp để “chữa bệnh” bất ổn, nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm thu, giảm chi và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông có chia sẻ?
Giảm thu, giảm chi thì rất đúng rồi. Tập trung ổn định vĩ mô và phải khoan sức dân, bớt thuế bớt chi tiêu đi.
Tôi cho rằng cần phải phát động phong trào toàn dân cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một vị giáo sư người Nhật nói với tôi trước đây ông ấy đến Việt Nam thì được mời rượu Johnnie Walker đỏ, còn bây giờ thì họ mời Chivas giá mười mấy triệu. Và ôtô người Việt đi cũng sang hơn trước đây nhiều. Ở Nhật, không bao giờ một quan chức nào có thể mời bạn uống rượu sang như vậy bằng tiền ngân sách.
Vì thế cần phải tiết kiệm, trong đó thì cơ quan nhà nước cần gương mẫu trước.
Còn về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thì tôi đã nói nhiều lần là cơ chế quản lý của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, nhưng không phải là không khắc phục được.
Đi Trung Quốc, tôi được Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp của Trung Quốc cho biết là đã áp dụng chế độ quản lý theo hiệu quả, nhưng doanh nghiệp nhà nước bên đó cũng còn rất nhiều vấn đề.
Hỏi thế làm thế nào để khắc phục thì ông ấy cho biết là yêu cầu một nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia khảo sát và đề ra một hệ tiêu chí, như phải tăng năng suất bao nhiêu, đổi mới công nghệ thế nào, lương thưởng bao nhiêu… sau đó công khai đăng lên. Ai có phương án thì gửi đến, rồi mời hội đồng nghe báo cáo, bỏ phiếu kín, người được phiếu cao nhất thì bổ nhiệm làm lãnh đạo 3 năm. Năm đầu làm không tốt thì không lên lương, năm thứ hai vẫn không làm được thì hủy hợp đồng không cho làm nữa và thay băng người khác.
Tại sao họ làm được mà Việt Nam mình chưa làm được?
Nhân nói đến vai trò của các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, có chuyên gia tự phê là ý kiến nào cũng nhấn mạnh phải tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng để góp ý cho Chính phủ tái cơ cấu bắt đầu từ đâu thì đội ngũ các nhà khoa học cũng chưa làm được nhiều. Ông có thấy “chạnh lòng” không ạ?
Lần gần đây nhất được mời đến hội nghị tham vấn cho Chính phủ thì tôi lại đang hội thảo ở nước ngoài nên không dự được, rất tiếc.
Đóng góp cá nhân thì có cũng có thể chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng tôi nghĩ chúng tôi luôn cố gắng đóng góp.
Chỉ có điều vai trò phản biện cũng chưa được coi trọng đúng mức, thể hiện ở cách làm vội vã. Thông báo trước hai ngày bảo mời anh đến thì làm sao mà chuẩn bị tốt được. Lẽ ra anh phải đặt hàng trước một số vấn đề để người tư vấn có thời gian chuẩn bị thật tốt. Sản phẩm 24 tiếng dĩ nhiên phải khác với sản phẩm được nghiên cứu nghiêm túc trong 2, 3 tháng chứ.
Cho dù như vậy thì có còn hơn không, thưa ông?
Rõ ràng chứ, chỉ có điều cần mở rộng hơn nữa. Tôi tin là nếu có quyết tâm cải cách, chúng ta sẽ làm được, làm tốt.