Cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang chịu "thiệt thòi" về giá bán
Chỉ trong vòng nửa năm nay, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London đã tăng tới 40%, hiện đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Thế nhưng, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên hiện ở mức 33.900 – 34.800 đồng/kg, chỉ tăng 6,5%. Giá cà phê xuất khẩu hiện tại cũng chỉ tăng 13,9% so với tháng 6/2020...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/7/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 900.235 tấn, với kim ngạch 1,65 tỉ USD. Con số này giảm 9% về khối lượng và giảm 1,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
GIÁ XUẤT KHẨU BÌNH QUÂN 6 THÁNG TĂNG 8,6%
Trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước xuất khẩu 843.319 tấn cà phê, thu về gần 1,55 tỷ USD, giá trung bình đạt 1.834,8 USD/tấn giảm 10,3% về khối lượng, giảm 2,6% về kim ngạch nhưng giá tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Đức, chiếm 14,3% trong tổng lượng và chiếm 13,5% trong tổng kim ngạch cà phê xuất khẩu của cả nước, giảm 8,3% về kim ngạch nhưng tăng 15,3% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp sau đó là thị trường Đông Nam Á giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 3,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 9,8% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch.
Thị trường Mỹ đứng thứ 3, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước; giảm 23% về lượng, giảm 16,8% kim ngạch nhưmg giá tăng 8% so với cùng kỳ,
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc lại tăng mạnh 59,6% về khối lượng và tăng 58%. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
GIÁ CÀ PHÊ TĂNG CAO TRÊN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tuần vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm. Theo đó, giá cà phê arabica giao sau, đã tăng vọt trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu tuần trước (23/7), tăng hơn 2 USD/pound, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Riêng tháng 6/2021, xuất khẩu cà phê đạt 128.036 tấn, tương đương 248,59 triệu USD. Với con số này, xuất khẩu giảm 1,7% về lượng nhưng tăng 2,1% về kim ngạch và tăng 3,9% về giá so với tháng 5/2021. So với tháng 6/2020, xuất khẩu cà phê tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng: 0,3%; 14,2% và 13,9%.
Điều này đồng nghĩa với việc giá cà phê arabica trên thị trường cà phê thế giới đã tăng vọt 60%, kể từ tháng 1/2021. Hiện nay giá Arabica đang ở mức cao nhất trong hơn 5 năm.
Trong khi đó, cà phê robusta chất lượng thấp hơn, chủ yếu được trồng ở các nước châu Á cũng đã nhảy vọt lên mức cao nhất, tính từ tháng 10/2017 và đạt mức 1.993 USD/tấn trên sàn London, tức tăng gần 40% trong năm nay.
Theo chuyên gia phân tích Carlos Mera của ngân hàng Rabobank, có một số lý do giải thích cho mức tăng đột biến đối với giá cà phê, nhưng chủ yếu là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Brazil (nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới). Brazil đã hứng chịu một đợt hạn hán lịch sử vào đầu năm nay.
Tiếp đến là các đợt sương giá, nhiệt độ xuống mức dưới 0 độ C trong tuần vừa qua đã khiến cây rụng hết lá tại các đồn điền sản xuất lớn ở Minas Gerais -nơi chiếm tới 70% sản lượng cà phê arabica của quốc gia Nam Mỹ.
Không giống cà phê arabica, giá cà phê robusta chịu nhiều ảnh hưởng bởi các thông tin đến từ Việt Nam, nước xuất khẩu robusta số 1 thế giới. Kể từ sau khi Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội khắp các tỉnh phía Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các thương nhân trong và ngoài nước đang hết sức lo lắng nguồn cung cà phê sẽ bị gián đoạn.
Việc vận tải khó khăn hơn, cộng thêm các thủ tục xét nghiệm tại cảng biển, sẽ khiến thời gian cung ứng sang các thị trường nhập khẩu lớn bị chậm trễ.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới đang có xu hướng tăng lên tại EU và Mỹ, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.
CÀ PHÊ VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG LỢI VỀ GIÁ BÁN
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cà phê vối (robusta) nhân xô các tỉnh Tây Nguyên từ giữa tháng 7/2021 đến nay ở mức 33.900 – 34.800 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với tháng 6/2021. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá cà phê trong nước biến động tăng với mức tăng từ 1.300 – 1.800 đồng/kg.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam thường ký hợp đồng theo một trong hai phương thức giao hàng: giá FOB là giá giao hàng tại cảng biển của Việt Nam; giá CIF là giá giao hàng tại bến cảnh của nước nhập khẩu (tức là đã bao gồm tiền hàng + bảo hiểm + cước phí tàu).
Với các loại nông sản có độ chế biến sâu, như thủy sản chẳng hạn, các doanh nghiệp nước ta thường đóng gói 1-2 kg và dán nhãn mác của doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy thường giao hàng theo giá CIF.
Tuy nhiên, với phần lớn các loại nông sản khác chủ yếu xuất khẩu thô đóng bao không nhãn mác, thì các doanh nghiệp nước ta thường chọn phương thức giao hàng giá FOB.
Trước đây, giao hàng FOB chiếm khoảng 90% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, giá cước vận chuyển các tuyến tàu biển từ Châu Á sang Châu Âu và Bắc Mỹ liên tục tăng cao, hiện đã tăng gấp 5 – 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB ( giao hàng tại boong tàu), mà yêu cầu bên bán của Việt Nam phải chuyển sang giao hàng theo phương thức CIF, tức là người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm…
Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù giá CIF hiện đạt bình quân 1.900 USD/tấn cà phê robusta, nhưng vì phải chịu thêm giá cước vận chuyển cao ngất ngưởng, nên lợi nhuận hầu như không tăng so với trước kia.
Trong nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 35% số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chấp nhận chuyển sang giao CIF.
Theo tính toán của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, với các doanh nghiệp không chịu thay đổi phương thức giao hàng, thì cà phê rubusta giá FOB giao tại cảng TP.HCM bình quân trong tháng 7/2021 vẫn chỉ ở mức 1.648 USD/tấn, tức là chỉ tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước, và thấp hơn 250 USD/tấn so với giá CIF.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết mặc dù giá cà phê thế giới tăng rất cao, nhưng cơ hội cho các doanh nghiệp nước ta không rõ ràng, khi rất nhiều nhà nhập khẩu và các công ty kinh doanh cà phê rang, xay đã có kinh nghiệm đẩy rủi ro về phía bên bán.
"Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không được hưởng lợi khi giá tăng, đó là lý do họ giảm thu mua và giảm khối lượng xuất khẩu, dẫn đến nông dân Tây Nguyên không thể bán được cà phê nhân xô với mức tăng tương ứng với thế giới", ông Toản nói.