15:11 16/03/2024

Cải cách chính sách thuế để ngành rượu và bia phát triển bền vững

Hoàng Lan

Chia sẻ với khó khăn của ngành rượu, bia trong những năm qua song các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tích cực đưa ra những số liệu, bằng chứng khoa học khi phản biện chính sách; đặc biệt là Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được Quốc hội xem xét lần đầu tiên vào kỳ họp tháng 10/2024…

Ngành  bia, rượu  đang  trong  giai  đoạn  khó  khăn.
Ngành bia, rượu đang trong giai đoạn khó khăn.

Chiều 15/3, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp hội viên. Tại hội nghị, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế thảo luận về những khó khăn, thách thức và triển vọng kinh doanh của ngành trong năm 2024.

DOANH THU LỢI NHUẬN TOÀN NGÀNH GIẢM 15%-20%

Theo VBA, mỗi năm ngành đồ uống đóng góp khoảng 60 nghìn tỷ đồng vào ngân sách, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động trực tiếp, gián tiếp. Các sản phẩm chất lượng và đa dạng của ngành đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ngành cũng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các ngành hàng liên quan từ thương mại, vận tải, nhà hàng, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển.

Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới và tác động từ Nghị định 100 về xử phạt nồng độ cồn.

Theo ông Lâm Du An, Phó Tổng giám đốc Sabeco, dự kiến trong năm 2024, chi phí đầu vào và nguyên liệu thô cho ngành bia (ví dụ như: giá hoa huoblon, lon bia, nắp chai, các nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển...) sẽ tiếp tục tăng cao.

VBA cho biết đến nay, toàn ngành đã và đang ghi nhận sự giảm sụt mạnh từ doanh thu, lợi nhuận, kéo theo cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào, đều ghi nhận chịu tác động gián tiếp cũng giảm khá cao 15-20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30-40%.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất VBA kiến nghị tới Chính phủ lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.

“Ngành bia đã và đang có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, tạo việc làm và doanh thu cho quốc gia. Sau Covid-19, ngành bia vẫn đang ở giai đoạn phục hồi, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn và người dân cũng đang dần hạn chế tiêu dùng các mặt hàng đồ uống có cồn – một phần do kinh tế khó khăn, và một phần do các chính sách khác (Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông từ Nghị định 100). Tình hình kinh tế năm 2024 dự đoán sẽ còn tiếp tục khó khăn, do vậy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này theo chúng tôi là chưa phù hợp, dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề không chỉ với doanh nghiệp sản xuất mà còn với cả chuỗi cung ứng, và người tiêu dùng”, ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng phòng đối ngoại của Heniken Việt Nam, nói.

Đại diện Heniken Việt Nam cũng cho biết hiện nguyên liệu tăng giá thực tế đã vượt quá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp. Do đó, giá bán sẽ phải tăng lên và phần chi phí đội lên này sẽ áp lên người tiêu dùng. Giá bán bia hiện đã tăng trước và trên mức lạm phát do điều kiện thị trường. Điều này có nghĩa là, theo cách tính thuế hiện tại, thuế suất trên mỗi đơn vị bia đã tăng, chưa cần phải tác động tăng thuế.

Chuyên  gia  kinh  tế  trao  đổi  với  doanh  nghiệp.
Chuyên  gia  kinh  tế  trao  đổi  với  doanh  nghiệp.

PHẢI CÓ CĂN CỨ KHOA HỌC KHI PHẢN BIỆN CHÍNH SÁCH

Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế chia sẻ khó khăn của toàn ngành, đặc biệt là doanh nghiệp rượu, bia.

Tuy nhiên, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn Phân tích Chính sách tài chính, Học viện Tài chính, cho biết dự án sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã được đưa ra từ lâu nhưng dưới tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã lùi lại việc sửa đổi.

“Dự án luật về tiêu thụ đặc biệt đã đưa ra rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới đưa ra. Lẽ ra nó còn được làm sớm hơn nhưng vì Covid-19 thì cũng đã lùi lại đến tận bây giờ. Trên thực tế, để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu…do đó phải tính đến việc tăng thu các sắc thuế khác. Trong khi đó, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam hiện cũng thấp hơn các nước trong khu vực, do đó tăng là bình thường”, PGS.TS Cường nói.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, thông tin: "Đến tháng 5/2024, Chính phủ mới trình Quốc hội bổ sung thêm chương trình xây dựng thuế tiêu thụ đặc biệt vào kế hoạch; tháng 10/2024 thì Chính phủ mới trình Quốc hội dự thảo lần đầu. Tháng 5/2025 sẽ thông qua và theo lộ trình bình thường thì sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026".

Trong quá trình này, TS. Thảo khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động phản biện, góp ý chính sách bằng những lập luận thuyết phục, có căn cứ khoa học.

“Qua quá trình làm việc với Bộ Tài chính, chúng tôi nhận thấy họ cũng chưa đưa ra cơ sở khoa học về tác động của chính sách đến sự phát triển của ngành, người lao động, chuỗi cung ứng. Do đó, các doanh nghiệp khi phản biện cần đưa ra con số, mức thuế/phí này chúng ta cho là cao, là chưa hợp lý thì chúng ta phải chỉ ra được mức nào là phù hợp và tại sao...”, bà Thảo khuyến nghị.

Đồng quan điểm với TS. Thảo, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước rất cởi mở trong việc tiếp thu chính sách chứ không áp đặt. Vấn đề là các bên có lợi ích liên quan phải phân tích lợi ích cân bằng tổng thể thông qua số liệu xác thực để thuyết phục cơ quan soạn thảo và Quốc hội.

“Chúng tôi tìm số liệu ngành rượu, bia rất khó. Theo tôi, lẽ ra hàng năm các anh chị nên tổng hợp/công khai các số liệu về ngành, để xem sản lượng về ngành bao nhiêu? Doanh thu thế nào? Chuỗi cung ứng thế nào? Tác động lan toả đến nền kinh tế ra sao? Tạo ra bao nhiêu việc làm? Nộp ngân sách bao nhiêu?... Phải có đủ thông tin về lợi ích của các bên liên quan thì mới giải thích cho những cơ quan hoạch địch chính sách hiểu được”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nói.

 CHÍNH SÁCH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ông Cường thông tin thêm hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đóng góp khoảng 8% tổng thu ngân sách nhà nước mỗi năm nhưng ngành bia, rượu, nước giải khát không phải là đóng góp nhiều nhất.

“Chính phủ tạm thời chưa bàn thảo đến việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với rượu/bia nhưng trước hay sau cũng phải áp dụng phương pháp thuế này. Trong chiến lược phát triển, Bộ Tài chính cũng đã nhấn mạnh việc thay đổi phương pháp tính thuế cũ sang phương pháp hiện đại, tiệm cận với thông lệ quốc tế”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nói.

Theo các chuyên gia, khó khăn hiện tại của toàn ngành là một yếu tố nhưng cần nhìn nhận toàn diện hơn, sâu xa hơn đối với vấn đề đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi một sắc thuế, một đạo luật, vì sự phát triển của toàn ngành, của môi trường và xã hội, của sự thịnh vượng và bền vững trong dài hạn.

Là doanh nghiệp bia với hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, tạo ra hơn 200.000 việc làm, đóng góp khoảng 1% GDP cho Việt Nam, đại diện Heniken cho biết không có quan điểm ngắn hạn khi nói đến thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Chúng tôi xem xét thông lệ quốc tế tốt nhất và nhắm đến xây dựng những điều có ý nghĩa nhất trong nhiều thập kỷ tới. Chính sách thuế tương đối hiện tại chưa tạo động lực bứt phá cho các doanh nghiệp đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất để có thể đạt được những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao, đảm bảo sức khỏe người dùng. Trong khi, với xu thế nhanh và mạnh của quốc tế, các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, cuộc sống an toàn, môi trường xanh và bền vững.... đang được tất cả các quốc gia trên thế giới chú trọng, trong đó có Việt Nam”, đại diện Heniken Việt Nam cho biết.

TS  Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cũng cho rằng các doanh nghiệp rượu, bia cần đẩy mạnh yếu tố môi trường, xã hội và quản trị bền vững (ESG).

“Chúng ta cũng cần nâng tiêu chuẩn chất lượng lên. Rõ ràng các khách hàng Việt Nam cũng dần khó tính như khách nước ngoài. Do đó, cần nâng tiêu chuẩn để tiệm cận với thế giới, bảo vệ sức khoẻ của người dân Việt Nam.

VBA nên tiên phong đề xuất với Nhà nước xây dựng một bộ tiêu chí riêng đối với các dòng sản phẩm, từng bước đưa các doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất rượu thủ công vào chuỗi cung ứng..

Hộ sản xuất rượu thủ công được vào chuỗi, nhà nước vừa thu được thuế, doanh nghiệp vừa quản lý được chất lượng, hạn chế tác động của rượu lậu..”, TS. Việt khuyến nghị.

Ông Việt cho rằng nếu làm được như vậy, thị trường của các doanh nghiệp rượu, bia Việt Nam có thể mở rộng ra cả khu vực Asean và châu Á.

Về lâu dài, với sự phát triển và nâng cao nhận thức của cộng đồng, ngành bia,rượu cần được khuyến khích tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới, cải tiến chất lượng cao và lý tưởng nhất là có độ cồn thấp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Tổng thư ký VCCI, ở dự thảo gần nhất, Bộ Tài chính đã đưa bia có nồng độ cồn 0% ra khỏi diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan quản lý rất cởi mở tiếp thu ý kiến từ thị trường với mục tiêu cân bằng lợi ích tổng thể.