16:16 25/02/2015

Cải cách thể chế: Không còn lấy mình làm thước đo

Đoàn Trần

TS. Lê Đăng Doanh “chấm điểm” cải cách thể chế đã làm được trong năm 2014

Một phiên họp của Chính phủ trong năm 2014.<br>
Một phiên họp của Chính phủ trong năm 2014.<br>
Năm 2015 mở màn bởi dấu ấn về sự đồng thuận giữa các nhà quản lý và giới chuyên gia trong quan điểm “không còn đường lùi” cho cải cách thể chế, cuộc cải cách này cần được đẩy mạnh toàn diện để khẩn trương cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Trong giai đoạn 2015 - 2016, đây là các năm kết thúc nhiệm kỳ cũ, khởi đầu nhiệm kỳ mới, tôi nhìn thấy có nhiều cơ hội cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, tiến trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và chuẩn bị cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 diễn ra đầu năm 2016 sẽ là cơ hội tốt để lên kế hoạch cho một đợt cải cách thể chế mới.

Thay đổi tư duy


Dẫn ra những lý do khiến công cuộc cải cách thể chế không còn đường lùi, nguyên Viện trưởng CIEM, TS. Lê Đăng Doanh nhắc đến chuyển động nổi bật của năm 2015 sẽ là hội nhập quốc tế sâu rộng, với hàng loạt các FTA được ký kết.

Theo đó, dự kiến giữa năm nay, Việt Nam sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu gồm 28 nước thành viên. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc cũng đã kết thúc đàm phán, sẵn sàng được ký kết trong thời gian tới.

Các hiệp định thương mại tự do với liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan và hiệp định thương mại tự do với EFTA gồm 4 nước nhỏ nhưng giàu có là Na Uy, Thụy Sỹ, Lichtenstein và Iceland cũng sắp được hoàn tất và ký kết.

Đến cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) gồm 10 nước thành viên với 600 triệu dân và GDP lên đến gần 3.000 tỷ USD cũng sẽ có hiệu lực...

“Tất cả những cam kết đó đều đòi hỏi Việt Nam phải có bước phát triển vượt bậc về thể chế kinh tế thị trường”, TS. Doanh nhấn mạnh.

“Chấm điểm” về cải cách thể chế đã làm được trong năm 2014, vị chuyên gia này cho rằng đã đạt được những kết quả quan trọng.

Chẳng hạn, Chính phủ đã thể hiện sự thay đổi tư duy quan trọng, không còn lấy việc so sánh với chính mình trước đây là thước đo cho sự tiến bộ nữa, mà lấy việc đuổi kịp và vượt trình độ của 6 nước thành viên ASEAN hay các nước phát triển hơn làm mục tiêu phấn đấu.

Hay quá trình tinh giản các thủ tục hành chính trong thu thuế, cấp giấy phép xây dựng, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu... đã được thực hiện rất quyết liệt.

Số giờ nộp thuế giảm được 290 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm) và dự kiến từ 1/1/2015 sẽ giảm thêm 80 giờ nữa, còn 167 giờ/năm, thấp hơn mức trung bình của ASEAN-6 là 172 giờ/ năm...

Tuy nhiên, theo ông Doanh, “cuộc cải cách thể chế cần tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện trong năm 2015 để nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp”.

Trong năm 2015 - 2016, Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành sửa đổi nhiều luật và bộ luật quan trọng tạo ra khuôn khổ nền tảng thể chế kinh tế thị trường như Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Chớp cơ hội


Cũng với một quyết tâm cần có sự phát triển vượt bậc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói, “nếu chúng ta không dám đổi mới thì dễ đánh mất thời cơ”.

Cơ hội cần phải “chớp”, theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, chính là cần tiếp tục dòng chảy của 2014 là cải cách thể chế, trong đó, đặc biệt là thể chế kinh tế, một cách mạnh mẽ hơn.

“Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11 đã chỉ ra những rào cản của đất nước, trong đó, thể chế kinh tế là một rào cản, mặc dù đã được cải thiện khá nhiều và đây cũng là điểm sáng của 2014 với Việt Nam, nhưng nó vẫn là một thách thức với tăng trưởng”, ông Vinh nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong thể chế kinh tế.

Đó là, khi nhìn về quá khứ, thì quá trình đổi mới trong gần 3 thập kỷ qua đã tạo ra động lực tăng trưởng đưa nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung theo mô hình xã hội cũ sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đây là bước chuyển căn bản và đã gặt hái được nhiều thành tựu. Tuy nhiên đến nay, thị trường của Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ, còn nhiều yếu tố chưa thị trường, vẫn còn níu kéo bao cấp cũ, chưa tạo động lực mạnh mẽ.

Ông Vinh dẫn chứng, như về nguyên lý, trong cơ chế thị trường, ai sử dụng tài nguyên khoáng sản của đất nước tốt nhất thì người đó được tiếp cận nhiều nhất. Thế nhưng liệu những doanh nghiệp tư nhân, những doanh nghiệp làm ăn rất tốt đã được tiếp cận với các tài nguyên thiên nhiên chưa, từ than, dầu khí, sắt... hay doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý hết, không ai phản đối?

Doanh nghiệp Nhà nước cũng được tiếp cận vốn nhiều nhất. Như thế chưa thực sự sòng phẳng. Chúng ta chưa có đủ các giải pháp để thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường một cách đầy đủ hơn, tốt hơn. Đó là những vấn đề thể chế cần khẩn trương tháo gỡ, theo ông Vinh.

Bộ trưởng Vinh còn bày tỏ quan điểm, những việc cụ thể trong cải cách thể chế, dù đã làm nhưng chưa nhiều, chưa tạo được những động lực trong thực tiễn. Vì thế, nhiều việc chúng ta phải làm ngay trong năm 2015, chứ không phải đợi Đại hội Đảng đầu 2016 thông qua rồi mới bắt tay làm, như vậy sẽ chậm trễ.