Cần làm rõ mô hình tổ chức quỹ phát triển nhà ở quốc gia
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, ngày 25/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội...

Báo cáo về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trình bày cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cho thấy sự cần thiết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, nhấn mạnh đến việc xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”…
Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định, để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Thực tế, cả nước hiện có 42 quỹ hoạt động, gồm: 40 quỹ đầu tư phát triển, 1 công ty 100% nhà nước (HFIC), 1 quỹ phát triển đất nhận ủy thác quản lý Quỹ Đầu tư phát triển (Quảng Bình). Mô hình hoạt động theo hình thức độc lập gồm Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và bộ máy điều hành, đối với Công ty tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Ngoài ra, một số quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng đang triển khai đầu tư xây dựng, cho vay phát triển nhà ở xã hội như: Quỹ phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động từ năm 2005 đến nay đã giải ngân cho hơn 5.500 đối tượng có thu nhập thấp vay với số tiền khoảng 2.800 tỷ đồng; và có 4 quỹ có hoạt động đầu tư trực tiếp nhà ở xã hội: Lào Cai, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đăk Lăk với tổng mức đầu tư 743 tỷ đồng và cung cấp 1.345 căn hộ nhà ở xã hội...
Tuy nhiên, các quỹ này đều gặp khó khăn khi hoạt động do không được cấp bổ sung vốn, dẫn đến khó có thể cung cấp vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cho biết Ủy ban tán thành với việc thành lập Quỹ này. Tuy nhiên, cần làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với việc cắt giảm thủ tục đầu tư xây dựng; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ các giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết; Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đầy đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Đồng thời, đề nghị tiếp thu các ý kiến và khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.