06:00 27/12/2012

Cần sớm thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng

Ngô Trí Long

Hiện thị trường vàng vẫn đang bị nhìn nhận một cách tiêu cực, phiến diện luôn gây sự bất ổn cho kinh tế vĩ mô

Nghị định 24 có hiệu lực cho đến nay, sau gần nửa năm thực hiện, cơ chế quản lý thị vàng đã cho thấy nhiều điểm bất ổn.
Nghị định 24 có hiệu lực cho đến nay, sau gần nửa năm thực hiện, cơ chế quản lý thị vàng đã cho thấy nhiều điểm bất ổn.
Thị trường vàng là một bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính tiền tệ. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng cần có sự quản lý, giám sát của Nhà nước đối với thị trường vàng. Trong điều điện hội nhập kinh tế quốc tế, sự quản lý của mỗi quốc gia ngoài việc đòi hỏi phải xuất phát từ điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mục tiêu là phải đưa thị trường vàng phát triển lành mạnh và đúng hướng, gắn kết mật thiết, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện thị trường vàng vẫn đang bị nhìn nhận một cách tiêu cực, phiến diện luôn gây sự bất ổn cho kinh tế vĩ mô.

Ngày 3/4/2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012, thay thế Nghị định 64/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 174/1999/NĐ-CP.

Nghị định 24 ra đời nhằm chấn chỉnh lại thị trường vàng. Nhưng từ khi nghị định 24 có hiệu lực cho đến nay, sau gần nửa năm thực hiện, cơ chế quản lý thị vàng đã cho thấy nhiều điểm bất ổn. Hoạt động của thị trường vàng trong nước xem ra vẫn chưa được như kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, đúng như các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thống đốc tại kỳ họp Quốc hội ngày 13/11/2012.

Những bất cập trong quản lý hiện nay

Những bất cập trong quản lý thị trường vàng có thể được nhìn nhận từ các góc độ sau: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Từ góc độ Nhà nước, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa một ngân hàng trung ương nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Việc quản lý này đã lẫn lộn giữa chức năng quản lý Nhà nước và kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước điều tiết thị trường bằng biện pháp hành chính, mệnh lệnh (cấp giấy phép chuyển đổi, quản lý máy móc sản xuất của doanh nghiệp...), bỏ qua các yếu tố cung cầu của thị trường dẫn đến bế tắc trong sản xuất và lưu thông. Điều này đã tạo ra khan hiếm cung - cầu giả tạo.

Giá trong nước gần đây cao hơn 3-4 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế. Trong lịch sử thế giới cũng như Việt Nam chưa từng có sự chênh lệch vô lý như vậy.

Trước đây khi các ngân hàng thương mại chưa tham gia thị trường không hề có hiện tượng đầu cơ, sốt giá cao độ như trong thời gian qua. Ngay cả trong bối cảnh siêu lạm phát những năm 1980 cũng không có hiện tượng sốt giá vàng và Nhà nước còn nhập vàng để bình ổn (nhưng nay các nhà quản lý lại viện cớ, đổ lỗi cho mối quan hệ giữa giá vàng cao với lạm phát để bao biện cho sự bất lực trước cả hai vấn đề này).

Việc Nhà nước sử dụng doanh nghiệp (G5+1) để can thiệp thị trường, thể hiện qua việc cho phép họ bán vàng huy động của dân mà không được nhập khẩu để trả lại lượng vàng vật chất đã bán dẫn đến tình trạng khi đóng trạng thái giải quyết thanh khoản đẩy giá vàng trong nước liên tục lên cao và chênh lệch quá lớn so với giá thế giới mà không biết đến lúc nào mới bình ổn được.

Chức năng hoạt động cơ bản của doanh nghiệp là sản xuất, kinh doanh, tạo lợi nhuận và đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Việc các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá vàng khi không được chuyển đổi các trạng thái vàng mua ở tài khoản sang vàng vật chất để mang về bù đắp bắt buộc phải mua vàng trong nước, kết quả là không những bản thân các doanh nghiệp này bị thua lỗ mà còn không đóng góp được cho ngân sách Nhà nước (vì thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp).

Vì vậy, việc thông qua các doanh nghiệp để bình ổn giá vàng đã không đạt giải quyết được bế tắc của thị trường và vai trò bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước không có hiệu quả.

Những biện pháp hành chính đưa ra đều chỉ có tính tình thế, đối phó cục bộ mà không có một phương tiện về mặt nghiệp vụ để giải quyết những vấn đề bất cập của thị trường, làm thui chột những công cụ tài chính đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu.

Thế giới đang chuyển hướng từ thị trường vật chất (thị trường hàng hoá) sang thị trường tài chính với các sản phẩm đầu tư tiện ích hơn (sản phẩm phái sinh, chứng chỉ quỹ...). Trong khi đó Việt Nam vẫn chăm chăm quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Việc quản lý như vậy đã làm cho danh mục sản phẩm tài chính bị hạn chế.

Từ góc độ tổ chức, doanh nghiệp, các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng không căn cứ vào bất kỳ tiêu chí luật pháp nào mà đi ngược lại quy luật tự nhiên của thị trường. Điều này đã bóp nghẹt mạng lưới phân phối đã hình thành nhiều năm trên cơ sở nguyên lý cung - cầu.

Doanh nghiệp, tổ chức bị tước đoạt những công cụ bảo hiểm rủi ro trong đầu tư và sản xuất - kinh doanh.

Từ góc độ dân cư. Việc độc quyền một thương hiệu khiến người dân nếu không muốn bị tước đoạt quyền sở hữu các thương hiệu vàng khác phải chấp nhận bán rẻ hơn SJC từ 2-3 triệu đồng/lượng (mặc dù chất lượng như nhau).

Người dân không có lựa chọn nào khác ngoài mua bán, đầu tư, tích luỹ bằng vàng miếng.

Từ sự quản lý như vậy là dẫn đến hệ quả chung: thị trường vàng Việt Nam đang đi thụt lùi lại với thế giới vì thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược.

Thay đổi tư duy quản lý như thế nào?


Các nguyên tắc quản lý thị trường vàng cần được quán triệt:

Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách: chỉ điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh thì phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường (Trách nhiệm của doanh nghiệp là hoạt động đúng luật, tuân thủ nghĩa vụ đóng thuế). Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền. Khi đã quy định điều kiện kinh doanh thì không được đẻ ra các thủ tục xin - cho, cấp giấy phép con.

Thị trường Việt Nam phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng các giải pháp thị trường. Cung phải gắn với cầu, tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách thuế như các nước khác trên thế giới.

Phải dần chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng có nhiều sản phẩm phái sinh, tạo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập, tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc tế.

Đảm bảo quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức và cá nhân như quyền nắm giữ, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố... theo quy định của Pháp luật đồng thời phải hạn chế việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Quản lý thị trường Vàng phải có những giải pháp thích hợp để huy động được nguồn vàng rất lớn trong dân cư (từ 400-500 tấn) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Những biện pháp quản lý thị trường vàng

Nghiên cứu đề ra chiến lược, kế hoạch phát triển gắn liền thị trường vàng với thị trường hàng hoá, thị trường tài chính phù hợp với định hướng thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Không thể tách rời mà phải làm sao biến thị trường vàng thành một cấu thành của thị trường tài chính, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tập hợp một nhóm các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế am hiểu thị trường và có kinh nghiệm triển khai sản phẩm phái sinh để tư vấn cho Ngân hàng Nhà nước.

Cần sửa đổi Nghị định 24 để loại bỏ những bất cập hiện nay. Nghị định sửa đổi này phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.

Trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. ngân hàng thương mại không nên đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với điều kiện đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn), còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập Công ty vàng độc lập, vì: Chức năng cơ bản của ngân hàng thương mại là cung cấp các dịch vụ tài chính và hoạt động tín dụng, nếu để các ngân hàng thương mại trực tiếp kinh doanh vàng sẽ dễ dẫn tới các hệ luỵ: dễ đầu cơ, làm giá do có lượng vốn lớn; đặc biệt nếu được phép huy động vàng và có các nghiệp vụ cho vay, cầm cố bằng vàng, có thể xảy ra nguy cơ mất thanh khoản vàng - tiền khi không được kiểm soát chặt chẽ (trong các trường hợp có sự cố như vừa qua).

Nhà nước quản lý đầu vào là vàng nhập khẩu, vàng nguyên liệu thu mua trôi nổi trên thị trường bằng số lượng vàng miếng sản xuất ra - Theo báo cáo định kỳ của doanh nghiệp cho Ngân hàng Nhà nước và báo cáo thuế theo quy định.

Tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi. Điều kiện kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp chỉ cần quy định vốn điều lệ 10 tỷ VND thay vì 100 tỷ; Giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp; có cửa hàng, mặt bằng và trang thiết bị đo lường, kiểm định vàng.

Thực hiện đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp, không cần phải có giấy phép con của Ngân hàng Nhà nước. Tạo ra sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ được đông đảo nhân dân từ thành phố đến nông thôn.

Chống vàng hoá không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.

Cần sớm nghiên cứu thành lập một sở giao dịch hàng hoá trong đó có vàng như nhiều nước đã làm. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập vàng... căn cứ quy định do sở ban hành.

Nhà đầu tư cá nhân, tổ chức không cần phải cầm vàng đến hoặc mang vàng về mỗi lần giao dịch mà có thể ký gửi tại các trung tâm lưu ký, sẽ tiện lợi, nhanh chóng, bớt rủi ro hơn so với phương thức mua bán vàng miếng truyền thống. Giá mua, bán được ghi số trên tài khoản vàng của khách hàng, họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.

Cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETF- Exchange Traded Fund) như một công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ cũng có thể được mua bán trên Sở giao dịch sẽ khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư thay vì nắm giữ vàng miếng.

ETF nếu được tham gia mua bán các sản phẩm forward, futures, options trên sàn thế giới, được xuất nhập khẩu vàng thì dự trữ vàng của ETF sẽ có vai trò như một quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực cho Ngân hàng Nhà nước khi xảy ra sốt giá sẽ giúp tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)