08:38 20/04/2023

Cầu đầu tư yếu, giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm sẽ giảm

Anh Nhi

Trước sự sụt giảm mạnh mẽ của nhu cầu đầu tư trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành sẽ giảm xuống còn 11% GDP vào cuối năm 2023...

Trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có 18 trái phiếu trị giá 28,5 nghìn tỷ đồng được phát hành.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có 18 trái phiếu trị giá 28,5 nghìn tỷ đồng được phát hành.

Báo cáo “Góc nhìn thị trường trái phiếu doanh nghiệp” được Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) công bố mới đây cho biết tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán đã tăng lên 10% vào cuối tháng 3/2023.

Nguyên nhân là do các công ty bất động sản không niêm yết có tỷ lệ vay nợ cao, dòng tiền hạn chế và không đủ nguồn tiền mặt để thanh toán cho các nghĩa vụ.

“Nhiều tổ chức phát hành đã không đáp ứng được nghĩa vụ do sự không phù hợp về thời gian giữa dòng tiền và nghĩa vụ thanh toán của các trái phiếu , đồng thời gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn khi tâm lý trên thị trường trái phiếu xấu đi vào cuối năm 2022”, VIS Rating nhận định và cho rằng những thách thức về thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu phải đối mặt sẽ tiếp tục gia tăng khi trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong các tháng còn lại của năm 2023.

TỶ LỆ NỢ XẤU TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP TĂNG LÊN

Dựa trên thông tin công bố đại chúng, VIS Rating ước tính tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối tháng 3/2023 đã tăng lên gần 10%, cao hơn đáng kể so với mức 1,2% vào cuối tháng 9/2022. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản là 17% và của nhóm ngành tiện ích là 31%.

Đáng chú ý, gần 95% trường hợp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là do các tổ chức phát hành trái phiếu không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu khi tới hạn thanh toán. “Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang có dòng tiền mặt yếu, không cân đối được dòng tiền kinh doanh với các khoản trả nợ trái phiếu”, VIS Rating nhận định.

Đặc biệt, nhiều tổ chức phát hành không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu có khoản vay với các ngân hàng trong nước. VIS Rating ước tính tổng số nợ vay của các doanh nghiệp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán là 41 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1% tổng số nợ của hệ thống ngân hàng).

Trong số 252 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2023, có 113 nghìn tỷ đồng (tương đương 45% trái phiếu đáo hạn) có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán, chủ yếu tại các công ty chưa niêm yết liên quan đến lĩnh vực BĐS.

Cầu đầu tư yếu, giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm sẽ giảm - Ảnh 1

Theo ước tính của VIS Ratings, có 22 nhóm tập đoàn lớn có công ty liên quan có trái phiếu không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán như Vạn Thịnh Phát, Nova, Trung Nam, Hải Phát, Egroup và Đất Xanh…

58 công ty liên quan lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã có dư nợ trái phiếu rủi ro cao lên tới 93 nghìn tỷ đồng. Trong đó, một số nhà phát triển dự án đang gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh thủ tục phê duyệt đất đai, giải phóng mặt bằng và/hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu không có những phê duyệt này, các nhà phát triển dự án không thể tìm kiếm nguồn tài chính từ ngân hàng hoặc người mua nhà để tiến hành các dự án phát triển bất động sản cũng như có dòng tiền để trả nợ trái phiếu.

“Do đó, các tổ chức phát hành trái phiếu này sẽ cần sự hỗ trợ từ các công ty liên quan để trả nợ hoặc thỏa thuận với trái chủ về các phương thức trả nợ thay thế được cho phép theo Nghị định 08”, VIS nhấn mạnh.

RỦI RO CÓ THỂ ĐƯỢC KIỂM SOÁT

Trước tình trạng trên, VIS Rating cho rằng sẽ có ảnh hưởng tới các tổ chức tài chính, song rủi ro thanh khoản và tái cấp vốn có thể kiểm soát được vì trái phiếu đáo hạn trong 2 năm tới chỉ chiếm dưới 10% tổng tài sản đối với hầu hết các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2022, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là 81% (đối với ngân hàng quốc doanh) và 75% (đối với ngân hàng thương mại cổ phần); tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 26% (đối với ngân hàng quốc doanh) và 31% (đối với ngân hàng thương mại cổ phần), thấp hơn giới hạn quy định là 34%.

Hiện, các ngân hàng hiện đang tìm cách tháo gỡ khó khăn để có được báo cáo kiểm toán mục đích sử dụng vốn thu được từ các trái phiếu đang lưu hành, dẫn đến việc phát hành trái phiếu mới bị chậm trễ. Theo VIS Rating, nếu quá trình kiểm toán mất nhiều thời gian hơn dự kiến thì có thể ảnh hưởng đến các tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng theo quy định (được điều chỉnh giảm về mức 30% từ tháng 10 năm 2023).

Cầu đầu tư yếu, giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm sẽ giảm - Ảnh 2

Tuy nhiên, rủi ro đối với chất lượng tài sản của các định chế tài chính có xu hướng tăng lên do trái phiếu và/hoặc tổ chức phát hành có nguy cơ không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán, ảnh hưởng đến các khoản cấp tín dụng trực tiếp và giá trị tài sản đảm bảo mà các định chế tài chính này đang nắm giữ.

Còn đối với hầu hết các công ty chứng khoán, trên 90% nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh là vốn chủ sở hữu và vốn vay ngắn hạn ngân hàng. Trong 2 năm qua, nhiều công ty đã huy động vốn cổ phần mới và các chương trình tối ưu hóa nguồn vốn của khách hàng mới để hỗ trợ cho mục tiêu phát triển kinh doanh. Điều này sẽ phần nào giúp các công ty xoay sở trong giai đoạn trước mắt.

NỚI THỜI GIAN GIẢI QUYẾT THANH TOÁN NỢ TRÁI PHIẾU

Để giải quyết vấn đề thanh toán nợ trái phiếu, thời gian qua, các trái chủ và tổ chức phát hành trái phiếu đã có các cuộc đàm phán các đề xuất trả nợ mới và thay đổi các điều khoản của trái phiếu, chẳng hạn như gia hạn ngày đáo hạn, hoàn trả bằng các tài sản khác… Các giải pháp này là thiết thực và phù hợp với các công ty có dòng tiền kinh doanh tốt, tài sản chất lượng hoặc sự hỗ trợ từ các đơn vị liên quan.

Kết quả của một số cuộc đàm phán cho thấy, trái chủ và tổ chức phát hành đã đồng ý gia hạn ngày đến hạn thanh toán hoặc hoàn trả dưới hình thức tài sản cố định (tức là hoán đổi tài sản).

Đối với việc hoàn trả dưới hình thức tài sản là bất động sản, nhà đầu tư trái phiếu không chỉ xem xét tiềm năng của thị trường bất động sản trong tương lai, mà còn cả giá trị tài sản và sự biến động giá của tài sản sẽ nhận hoán đổi, tình trạng pháp lý và tính thanh khoản của tài sản để bảo vệ quyền lợi của mình.

Cầu đầu tư yếu, giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm sẽ giảm - Ảnh 3

Theo VIS Rating, các cuộc đàm phán sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư trong việc đánh giá giá trị hợp lý của tài sản mà họ sẽ nhận được thay vì tiền mặt khi trái phiếu đáo hạn.

“Cho đến khi các điều kiện tái cấp vốn ổn định, VIS kỳ vọng các cuộc đàm phán chủ động và hiệu quả giữa tổ chức phát hành trái phiếu và nhà đầu tư trước ngày đáo hạn trái phiếu sẽ là chìa khóa để tránh rơi vào tình trạng không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán”, VIS Rating nhận định.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có 18 trái phiếu trị giá 28,5 nghìn tỷ đồng được phát hành chủ yếu bởi các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản để phát triển các dự án mới. Phần lớn trái phiếu phát hành là trái phiếu phát hành riêng lẻ, không có tài sản bảo đảm, lãi suất cố định với thời gian đáo hạn từ 5 năm trở lên.

Lãi suất của những trái phiếu này cao hơn đáng kể so với trái phiếu tương tự được phát hành trong những năm trước, đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư yêu cầu phần bù rủi ro cao hơn.

VIS Rating dự đoán tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành sẽ giảm xuống còn 11% GDP vào cuối năm 2023. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới sẽ tăng dần, nhưng tốc độ phát hành mới sẽ không phục hồi về mức trước năm 2022 và các doanh nghiệp sẽ ưu tiên điều chỉnh hoạt động kinh doanh và tích trữ nguồn tiền mặt để trả nợ trái phiếu đáo hạn hoặc gia hạn kỳ hạn trái phiếu.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cầu đầu tư yếu, giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm sẽ giảm - Ảnh 4