11:31 09/05/2021

CEO Pfizer: "Các nước thu nhập thấp và trung bình không đặt mua vaccine của chúng tôi"

Trang Linh

Đây là thông tin được ông Albert Bourla, CEO hãng dược Pfizer, đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ đề xuất miễn bằng sáng chế với vaccine Covid-19 để tăng khả năng tiếp cận vaccine của các nước trên thế giới...

Ông Albert Bourla, CEO hãng dược Pfizer - Ảnh: Bloomberg
Ông Albert Bourla, CEO hãng dược Pfizer - Ảnh: Bloomberg

“Chúng tôi đã liên hệ với tất cả các quốc gia và mời họ đặt mua vaccine, để chúng tôi có thể phân bổ vaccine Covid-19 cho họ. Nhưng trên thực tế, đơn đặt hàng chủ yếu đến từ các nước thu nhập cao. Cá nhân tôi cũng quan ngại điều này và đã liên hệ lãnh đạo của các nước thu nhập thấp/trung bình qua thư, điện thoại và thậm chí nhắn tin để thúc giục họ đặt hàng do nguồn cung hạn chế", CEO Albert Bourla của Pfizer cho biết trong một lá thư gửi nhân viên Pfizer mới đây. 

Ông Bourla cho biết hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình mà ông liên hệ đều quyết định đặt vaccine Covid-19 của những nhà sản xuất khác. Nguyên nhân được cho là công nghệ vaccine của Pfizer chưa được kiểm chứng hoặc các nước này có những lựa chọn vaccine phù hợp hơn, CEO của Pfizer nhận định.

Ông cũng cho biết một số quốc gia đã từ chối vaccine Covid-9 do Pfizer và đối tác BioNTech SE của Đức phát triển.  

VẤN ĐỀ KHÔNG CHỈ Ở GIÁ CẢ

Thứ Tư tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ ủng hộ đề xuất miễn bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 - ngược lại hoàn toàn với lập trường trước đó của nước này. Những người ủng hộ cho rằng đề xuất này có thể giúp nhiều quốc gia hơn tiếp cận được vaccine. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng khả năng sản xuất các phiên bản vaccine rẻ hơn của Pfizer gần như không có. 

Trong lá thư phản hồi lại những tranh luận về đề xuất này, ông Bourla nhấn mạnh Pfizer và BioNTech sử dụng mô hình định giá theo bậc cho vaccine của mình. Theo đó, những quốc gia thu nhập trung bình chỉ phải trả một nửa giá so với các nước thu nhập cao. Còn các nước thu nhập chỉ phải trả mức giá vốn. Mô hình tính giá theo bậc này được công ty Gilead Sciences Inc. đi tiên phong khi thương mại hóa thuốc điều trị HIV. 

 

Vaccine của Pfizer-BioNTech đặt ra những thách thức lớn đối với các quốc gia không có đủ cơ sở hạ tầng trữ lạnh. Đây là vấn đề khó khăn nhất khi triển khai vaccine của Pfizer-BioNTech. Do đó, không chỉ các quốc gia thu nhập thấp mới do dự với vaccine này.

Ông Bourla cho biết Pfizer dự kiến giao 3 tỷ liều vaccine Covid-19 cho hơn 116 quốc gia trong năm 2021. Đến nay, công ty này đã giao được 450 triệu liều, chủ yếu cho các quốc gia thu nhập cao - những nước phải trả mức giá cao nhất (Tại Mỹ, vaccine tiêm hai liều của Pfizer có giá 39 USD).

Ông dự kiến khoảng 40% tổng số này, tức hơn 1 tỷ liều vaccine, sẽ được giao cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong năm nay. 

“Chúng tôi kỳ vọng sự cân bằng nguồn cung sẽ có lợi cho họ trong nửa cuối năm 2021 và hầu như có đủ nguồn cung cho tất cả vào năm 2022", CEO Pfizer cho biết. "Trong năm 2022, Pfizer-BioNTech có thể cung cấp 4 tỷ liều vaccine.

Dù vaccine Pfizer đã điều chỉnh giá thấp hơn cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đây không phải vaccine Covid-19 rẻ nhất. Ví dụ, các tài liệu cho thấy Colombia đã trả 12 USD/liều vaccine của Pfizer, còn Nam Phi mua với giá khoảng 10 USD/liều. Điều này có nghĩa là chi phí tiêm đầy đủ hai liều tại hai nước này lần lượt là 24 USD và 20 USD.

Trong khi đó, Nam Phi cam kết trả 5,25 USD/liều, tức 10,5 USD cho hai liều vaccine của hãng dược Anh AstraZeneca. Tuy nhiên, hiện Nam Phi đã dừng chiến dịch tiêm vaccine của AstraZeneca bởi cho rằng vaccine này cho hiệu quả thấp trong việc phòng vừa dịch bệnh đang lây lan tại quốc gia này. 

Tuy nhiên, với vaccine của Pfizer, vấn đề nan giải không nằm ở giá cả mà ở khâu hậu cần. 

Theo Ezekiel Emanuel, giáo sư về đạo đức và chính sách y tế tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), vaccine của Pfizer-BioNTech đặt ra những thách thức lớn đối với các quốc gia không có đủ cơ sở hạ tầng trữ lạnh. 

“Đây là vấn đề khó khăn nhất khi triển khai vaccine của Pfizer-BioNTech. Do đó, không chỉ các quốc gia thu nhập thấp mới do dự với vaccine này", ông Emanuel nhận định. 

BÃI BỎ BẰNG SÁNG CHẾ VACCINE CÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ?

Tuần trước, ông Bourla đã có cuộc gặp với đại diện thương mại Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng việc bãi bỏ bằng sáng chế vaccine Covid-19 có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất vaccine của Pfizer do thiếu nguồn cung nguyên liệu thô. 

“Tôi lo rằng việc bỏ bảo hộ bằng sáng chế vaccine sẽ không khuyến khích các công ty chấp nhận rủi ro lớn khi phát triển vaccine. Việc này có thể cản trở chúng tôi tiếp tục đầu tư vào khoa học", CEO của Pfizer cho biết. 

Trong khi đó, đại diện thương mại Mỹ cũng đã có cuộc gặp riêng với ông Ruud Dobber, người điều hành mảng dược sinh học của AstraZeneca. 

Vaccine Covid-19 của Pfizer - Ảnh: AP
Vaccine Covid-19 của Pfizer - Ảnh: AP

Theo các giám đốc này, cách nhanh nhất để Mỹ giúp đỡ các nước đang phát triển là giải phóng kho vaccine của mình, bao gồm hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca. 

 

"Bằng sáng chế không phải yếu tố quan trọng nhất, vấn đề nằm ở năng lực sản xuất"

Giáo sư Emanuel, người từng nằm trong ban cố vấn về Covid của Tổng thống Biden, cho rằng việc từ bỏ bằng sáng chế không phải là cách hiệu quả nhất để nhanh chóng tạo đủ nguồn cung vaccine cho phần còn lại của thế giới.

“Chia sẻ bằng sáng chế giống như chia sẻ công thức và bí quyết là nấu nó và làm mọi thứ đúng theo công thức", ông Emanuel nói. 

Moderna Inc., đối thủ cạnh tranh với Pfizer, đã không thực thi bằng sáng chế vaccine của mình trong suốt đại dịch. Ông Emanuel nói rằng điều này cũng không làm tăng nguồn cung vaccine từ các nhà sản xuất khác. 

“Bằng sáng chế không phải yếu tố quan trọng nhất, vấn đề nằm ở năng lực sản xuất", giáo sư này cho biết.