Chậm trễ xử lý 8 dự án BOT bất cập, có nhà đầu tư "quay ngoắt" đòi chấm dứt hợp đồng
Nhiều khó khăn nảy sinh khiến quá trình xử lý 8 dự án BOT chậm trễ. Theo ghi nhận, một số nhà đầu tư đồng ý bổ sung vốn nhà nước tham gia (tối đa 49%) để tiếp tục dự án nhưng sau đó "quay ngoắt" đề nghị chấm dứt hợp đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không đưa ra mức chia sẻ tỷ suất lợi nhuận cụ thể...
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ gửi Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về lĩnh vực giao thông vận tải.
BA NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY CHẬM TRỄ
Trong gần một năm vừa qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực triển khai thực hiện, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.
Phân tích rõ nguyên nhân gây nên chậm trễ trong quá trình xử lý các dự án BOT bất cập, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ thứ nhất, việc phối hợp với các địa phương để tổng kết, đánh giá những khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông trong phạm vi cả nước rất khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài.
Thứ hai, các dự án BOT triển khai chủ yếu trong giai đoạn 2012 - 2015.
Đây là giai đoạn hệ thống pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP còn nhiều hạn chế, bất cập. Từng dự án có những nguyên nhân, tác động khác nhau nên quá trình thực hiện rà soát, đánh giá và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng dự án BOT được thực hiện cẩn trọng, bảo đảm gắn liền với hoàn cảnh cụ thể của từng dự án nên kéo dài thời gian.
Thứ ba, việc đàm phán với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các tổ chức tín dụng kéo dài do các bên còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thể thống nhất về quan điểm, giải pháp xử lý cũng như mức độ chia sẻ của các bên khi thực hiện giải pháp xử lý.
Trong thực tế, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần tổ chức đàm phán, từ cấp Cục, Vụ đến lãnh đạo Bộ chủ trì; đồng thời, có nhiều văn bản gửi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các tổ chức tín dụng.
Đến nay, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất về giải pháp xử lý, một số nhà đầu tư ban đầu đã thống nhất giải pháp bổ sung vốn nhà nước tham gia không quá 49% tổng mức đầu tư để tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm và đề nghị chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn như nhà đầu tư dự án BOT cầu Thái Hà.
Được biết, một trong ba dự án BOT được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, Nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình, đó là dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1). Dự án được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.709 tỷ đồng, theo hợp đồng dự án, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí cầu Thái Hà để hoàn vốn. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 7 tháng. Dự án này hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 4/2018, nhà đầu tư bắt đầu thu phí từ tháng 2/2019.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm thu phí cầu Thái Hà đến nay, doanh thu thực tế chỉ đạt khoảng 14,8% so với phương án tài chính hợp đồng BOT, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư. Nguyên nhân chính do sau khi dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 39A và dự án xây dựng cầu Hưng Hà vượt sông Hồng hoàn thành, hầu hết các phương tiện đều chọn tuyến đường không thu phí.
Cũng trong văn bản nêu rõ khó khăn gửi lên Quốc hội, Chính phủ cho biết việc xác định mức chia sẻ cũng có nhiều quan điểm khác nhau, trong đó một số nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ 50% tỷ suất lợi nhuận, thậm chí chia sẻ cao hơn nhưng một số nhà đầu tư chỉ chấp thuận chia sẻ lợi nhuận nếu ngân hàng tín dụng chấp thuận chia sẻ tối đa, giảm thiểu mức lãi suất vốn vay.
Trong khi đó, các ngân hàng chỉ cam kết theo hướng là sẽ chia sẻ với nhà nước, nhà đầu tư nhưng không đưa ra mức chia sẻ cụ thể.
“Đây là khó khăn lớn nhất, đến thời điểm hiện tại các bên vẫn chưa thể thống nhất”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải bày tỏ.
HAI PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ
Bộ Giao thông vận tải cho biết đã báo cáo Chính phủ về những nguyên tắc, giải pháp tổng thể để xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý khó khăn bất cập đối với 8 dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý với hai giải pháp cơ bản.
Một, bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án.
Hai, sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia (tối đa 49%) để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3/ 8 dự án BOT còn lại.
Dự kiến, tổng mức vốn nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342 tỷ đồng (giá trị cập nhật đến tháng 3/2023).
Về thẩm quyền, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết 8 dự án BOT trước đây được Thủ tướng Chính phủ là cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo các dự án độc lập, hơn nữa, mức vốn nhà nước đề xuất để xử lý khó khăn, bất cập đối với từng dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, thẩm quyền quyết định giải pháp xử lý khó khăn, bất cập theo quy định pháp luật thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, việc xử lý khó khăn, bất cập cũng là nhiệm vụ thực hiện theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 và Thông báo số 1834/TB-TTKQH ngày 28/11/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan và đã có Báo cáo số 10346/BC-BGTVT ngày 15/9/2023 gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng về tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập các dự án BOT giao thông.
"Ngoài các giải pháp đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, Bộ Giao thông vận tải cũng đang nghiên cứu, đánh giá tổng thể những tác động đối với các dự án BOT khi đưa các tuyến cao tốc đưa vào khai thác sử dụng, làm cơ sở để xây dựng, đề xuất giải pháp phù hợp", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Gần đây nhất, trong Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến kết luận và yêu cầu trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các giải pháp cụ thể, xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, có báo cáo giải trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định giải pháp xử lý theo đúng thẩm quyền.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để xác định cụ thể mức chia sẻ của các bên, bảo đảm nguyên tắc “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để xác định mức vốn nhà nước thanh toán khi chấp dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.
Nhóm 5 dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn gồm: dự án tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa (bất cập trạm Bỉm Sơn); dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi (không thể thu phí tại các cảng đường sông do điều chỉnh quy hoạch); dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 (xử lý bất cập trạm Quốc lộ 3 để bảo đảm an ninh trật tự); dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (sụt giảm doanh thu do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ); dự án cải tạo Quốc lộ 91 TP. Cần Thơ (sụt giảm doanh thu do đầu tư cầu Vàm Cống và tuyến đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ, đường tỉnh 922.
Nhóm 3 dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước gồm: dự án BOT cầu Ba Vì - Việt Trì (kết nối Hà Nội và TP. Việt Trì); dự án BOT cầu Thái Hà (kết nối Hà Nam - Thái Bình); dự án BOT hầm Đèo Cả (thay thế quyền thu phí trên cao tốc La Sơn - Túy Loan).