Châu Âu tham vọng giảm 80% nhập khẩu khí đốt từ Nga ngay trong năm nay
Liên minh châu Âu (EU) đang vạch ra một lộ trình nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của khối này vào khí đốt Nga, theo đó có thể giảm 80% lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay – nguồn tin quan chức tiết lộ với Bloomberg...
Theo hãng tin này, Uỷ ban châu Âu (EC) đang điều chỉnh chiến lược năng lượng của EU, sau khi Nga mở cuộc tấn công quân sự vào Ukraine. Mục đích của việc điều chỉnh này là làm cho Moscow mất đi một đòn bẩy quan trọng trong vấn đề địa chính trị.
Dự kiến được công bố trong ngày 8/3, kế hoạch này sẽ đề xuất những biện pháp như sử dụng các nguồn khí đốt mới và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng. Nếu theo đúng lộ trình, đến năm 2030, EU sẽ không còn phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga – nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của khu vực hiện nay.
Để kế hoạch này có thể thành công, các nước thành viên EU cùng phải chung sức để hành động. Tuy nhiên, nhiều nước EU đã không mấy thoải mái với những khoản đầu tư cần thiết cho kế hoạch chuyển đổi năng lượng của khối và hiện đang chật vật kiềm chế tác động chính trị của tình trạng giá năng lượng liên tục leo thang.
“Tôi cho rằng chúng tôi có thể đưa ra một kế hoạch vào ngày mai, nhằm giảm mạnh sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga ngay trong năm nay và sau vài năm nữa, chúng ta sẽ độc lập khỏi nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga”, quan chức phụ trách vấn đề khí hậu của EU, ông Frans Timmermans, phát biểu trước phiên họp của Nghị viện châu Âu vào tối ngày 7/3. “Tôi cho rằng việc này là có thể. Không dễ đâu, nhưng có thể”.
Vài tuần trước khi nổ ra xung đột vũ trang Nga-Ukraine, tình trạng khan hiếm khí đốt đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu lên mức cao kỷ lục, đưa vấn đề khí đốt lên vị trí số 1 trong chương trình nghị sự của EU. Các chính phủ ở châu Âu đã chi hàng chục tỷ Euro để bảo vệ người tiêu dùng và các ngành công nghiệp của khu vực khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 7/3, giá khí đốt ở châu Âu có lúc tăng 80%.
EC ước tính rằng EU có đủ lượng khí đốt dự trữ để vượt qua mùa đông ngày, ngay cả trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga đột ngột bị cắt đứt – nguồn thạo tin cho hay. EC sẽ khuyến nghị các quốc gia thành viên bắt đầu tích trữ khí đốt để chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đông sang năm.
Ngoài ra, kế hoạch mà EC sắp công bố cũng bao gồm đẩy nhanh Greal Deal (Thoả thuận xanh) – chiến lược của EU nhằm đạt tới carbon trung tính vào năm 2050. Đây là một chiến lược tham vọng về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch nhập khẩu và bảo vệ nền kinh tế khỏi những đợt tăng giá năng lượng bất thường – theo nguồn tin.
Kế hoạch cũng bao gồm đẩy mạnh nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) và nhập khẩu khí đốt qua các đường ống dẫn từ các nguồn khác ngoài Nga, tăng sử dụng khí đốt tái sinh, tiết kiệm năng lượng, và tăng cường điện hoá. Tổng cộng, các biện pháp này có thể giúp EU tiến tới thay thế hoàn toàn 155 tỷ mét khối khí đốt mà khối này vẫn nhập từ Nga hàng năm. Theo dự kiến, trong năm 2022, thông qua việc triển khai các biện pháp này, EU sẽ giảm được 112 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Trong đó, 50 tỷ mét khối khí đốt sẽ được thay thế bởi các nguồn LNG mới, 10 tỷ mét khối sẽ từ các đường ống dẫn từ các nhà cung cấp khác, và 20 tỷ mét khối khí đốt được thay thế bởi năng lượng gió đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy phát điện chạy bằng khí đốt.
EU đã cùng Mỹ và Anh triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, nhưng ngành năng lượng của Nga đến nay vẫn chưa bị áp một sự trừng phạt trực tiếp nào, do phương Tây lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu. Đã có một số quan chức trong EU nói về ý tưởng cấm nhập khẩu dầu từ Nga và Mỹ cũng đã tính đến biện pháp này. Tuy nhiên, trong EU chưa có được sự đồng thuận rõ ràng về một biện pháp trừng phạt như vậy, và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng nguồn cung khí đốt Nga “vẫn rất quan trọng” vào lúc này.
Nguồn tin là quan chức EU nói rằng việc giảm dần nhập khẩu dầu thô và than từ Nga có thể đơn giản hơn, vì EU có nhiều nhà cung cấp thay thế, nhưng vấn đề khí đốt lại không dễ dàng như vậy.
EC dự kiến sẽ đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các nước thành viên để điều tiết giá cả và bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ khỏi ảnh hưởng tiêu cực của giá nhiên liệu tăng cao. Ngoài ra, EC cũng sẽ có kế hoạch để hỗ trợ thanh khoản cho các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng này. Để có ngân sách cho những biện pháp như vậy, các nước thành viên có thể cân nhắc áp thuế tạm thời lên lợi nhuận của các công ty năng lượng.