“Chạy án”, tiền mất tật mang
Gia đình bà C. mất hàng tỷ đồng nhờ môi giới gặp luật sư, mong chạy án cho con gái song sự việc bất thành.
TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử đối với Trạc Văn Bảo (SN 1989, ở huyện Tiên Yên, Quảng Ninh), Đoàn Tùng Lâm (SN 1977, ở quận Hoàn Kiếm, luật sư), Phạm Thanh Hải (SN 1982, ở quận Ba Đình) và Bùi Hoàng Long (SN 1989, ở Kiên Giang) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, ngày 30/3/2019, Nguyễn Thị Kim Phương (SN 1986, ở Tây Ninh) bị Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội bắt quả tang về hành vi vận chuyển trái phép gần 3kg ma túy tổng hợp. Sau khi Phương bị bắt, bà Lương Thị C. (SN 1965, mẹ Phương) tìm mọi cách để lo cho con gái.
Thông qua người quen, bà C. gặp Bảo và được Bảo nói có nhờ được luật sư tại Hà Nội sẽ xin cho Phương bị xử phạt từ 7-15 năm tù với chi phí luật sư là 300 triệu đồng và phí chạy án là 2,7 tỷ đồng, bao gồm cả tiền công của Bảo. Bà C. đã đồng ý.
Ngày 23/4/2019, Bảo dẫn bà C. đến gặp Lâm là trưởng văn phòng luật sư Giang Nam. Do bà C. không biết chữ nên nhờ người quen đi cùng để chứng kiến. Tại buổi gặp, mặt dù biết Phương vận chuyển ma túy số lượng lớn, bị truy tố ở mức tử hình nhưng Bảo và Lâm vẫn hứa hẹn sẽ bào chữa và giúp cho Phương chỉ nhận án số từ 7-15 năm tù. Sau khi thống nhất, bà C. ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với chi phí luật sư là 300 triệu đồng.
Đến ngày 4/5/2019, Công an huyện Thanh Trì đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phương. Đoàn Tùng Lâm gửi thủ tục để đăng ký là luật sư bào chữa cho Phương. Ngày 13/6/2019, bà C. chuyển cho Lâm 1 tỷ đồng để lo việc giảm án cho Phương. Khi bà C. ra Hà Nội thì Lâm yêu cầu bà C. ký phụ lục hợp đồng dịch vụ pháp lý để hợp thức hóa số tiền 1 tỷ đồng đã nhận.
Vào tháng 7/2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Một tháng sau, Lâm gọi điện thoại yêu cầu bà C. giao thêm 400 triệu đồng. Khi bà C. hỏi han tình hình thì Lâm nói đã lo bên cơ quan điều tra và viện kiểm sát sớm khép hồ sơ để xét xử và yêu cầu người đàn bà này đưa thêm 400 triệu đồng. Khi vụ án của Phương có kết luận điều tra, Lâm chụp ảnh và yêu cầu bà C. chuyển khoản thêm 2,5 tỷ đồng. Lần này, Lâm nói chỉ xin được mức án chung thân, không “chạy” được mức án 7-15 năm tù như thỏa thuận ban đầu.
Thấy vậy, bà C. không đồng ý, yêu cầu hủy thỏa thuận và đòi lại tiền nhưng Lâm không trả. Sau khi thấy Lâm không lo lót được, Bảo tiếp tục liên hệ và giới thiệu Phạm Thanh Hải với bà C.
Hải đã “báo giá” chạy án là 2,5 tỷ đồng và hứa hẹn Phương bị xét xử từ 12-18 năm tù. Hải rất cẩn trọng khi yêu cầu gia đình bà C. chuyển tiền vào tài khoản của người quen. Sau đó, Hải nhờ người này chuyển tiếp 1,7 tỷ đồng cho Bùi Hoàng Long – là bạn bè xã hội của Hải để lo giảm án cho Phương.
Tuy nhiên, năm 2020, Phương bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử và bị tuyên phạt mức án tử hình.
Kết thúc phiên tòa, gia đình bà C. và Bảo, Hải, Long gặp nhau. Tại đây, Long nói với mọi người việc Phương bị tuyên án tử hình là do thiếu tiền nên không xin được. Sau đó, tất cả thống nhất Long vẫn tiếp tục lo cho Phương làm thủ tục kháng cáo.
Ngày 24/6/2020, Long vào nhà bà C. và yêu cầu gia đình bà này chuyển thêm 500 triệu đồng. Thời gian này, bà C. không có tiền để đưa. Giữa Long, Hải và Bảo cũng xảy ra mâu thuẫn về chuyện tiền nong. Long nói với gia đình bà C. làm đơn tố cáo Lâm và Bảo để đòi lại 1,7 tỷ đồng.
Mặc dù Lâm hứa hẹn nếu bà C. rút đơn thì sẽ trả lại tiền nhưng bị cáo cũng không trả lại tiền cho người đàn bàn này. Đến cuối năm 2020, Long và Hải không tham gia nữa nhưng không trả lại tiền cho gia đình bà C. Do đó, bà C. làm đơn tố cáo những người này đến cơ quan công an.
Cơ quan tố tụng xác định, Bảo và các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền 4,1 tỷ đồng của bà C. Trong vụ án này, Bảo hưởng lợi 400 triệu đồng, Hải 800 triệu đồng, Lâm 1,2 tỷ đồng và Long 1,7 tỷ đồng.
Trong giai đoạn điều tra, gia đình bị cáo Lâm đã khắc phục, bồi thường cho bà C. 1,2 tỷ đồng.
Sau khi xem xét, tòa án xử phạt Bảo mức án 15 năm tù; Long 15 năm 9 tháng tù, Hải 13 năm và Lâm 6 năm tù.