Chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 156 triệu USD, trong khi nhập khẩu lên tới 1,35 tỷ USD. Như vậy, thâm hụt thương mại các sản phẩm chăn nuôi lên tới gần 1,2 tỷ USD. Không chỉ nhập khẩu chính ngạch, mà tình trạng nhập lậu thịt, gà sống cũng rất đáng báo động...
Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 4/2023 đạt 41 triệu USD, tăng 46,7% so với tháng 4/2022.
Trước đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 3/2023 ước đạt 47,4 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2023 đạt 114,9 triệu USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 4 tháng, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 156 triệu USD.
XUẤT 1 NHẬP 10
Nhìn lại năm 2022, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 409 triệu USD, giảm 7,1%. Trong khi, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2022 lên tới 3,32 tỷ USD, tăng 0,2% so với năm 2021. Cán cân thương mại sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 2,92 tỷ USD tăng 1,3% so với năm 2021.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt các loại, giá trị 84,6 triệu USD, giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 3,62% về giá trị so với năm 2021. Đối với sản phẩm thịt gia cầm sống xuất khẩu năm 2022, giá trị xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ của Việt Nam đạt gần 3,77 triệu USD, giảm mạnh so với mức 20,7 triệu USD của năm 2021. Xuất khẩu gà giống hướng trứng của Việt Nam là 793.193 con; gà trắng giống là 4.970.889 con.
Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch thịt gà tại Việt Nam sang Nhật Bản. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gia cầm đạt 18 triệu USD; năm 2020 tăng 2%; năm 2021, thịt gà chế biến xuất khẩu đạt 2.531 tấn, tăng 36,58%.
Ngày 25/10/2022, lô hàng gà chế biến đầu tiên của CPV Food với số lượng 33,6 tấn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đến nay, Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản (2017), Hồng Kông (2019) và 5 nước thuộc liên minh kinh tế Á – Âu (năm 2020 gồm: Nga, Belarrus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).
"Năm 2022, gà sống nhập khẩu vào Việt Nam dùng để giết mổ là 6.603 tấn thịt, tăng 100,8%; thịt gia cầm qua giết mổ nhập khẩu về Việt Nam là 24.662,1 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021. Thị trường Việt Nam nhập khẩu sản phẩm gia cầm chủ yếu là Mỹ (41,5%), Brasil (22,1%), Hàn Quốc (18,1%), Ba Lan (11,6%)".
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Trong tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ của Việt Nam sang các thị trường khác đạt hơn 1,6 triệu USD, gấp đôi so với tháng 1 năm 2023 và vượt 86,5 nghìn USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Hàn Quốc là thịt trường nhập khẩu thịt gia cầm lớn nhất chiếm 28,6% thị phần, Malaysia chiếm 24,8% thị phần, còn lại là Trung Quốc, Hồng Kông…
Đối với trứng gia cầm, trong tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu đạt hơn 501,5 nghìn USD, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng gà giống xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 đạt 123.320 con gà giống hướng trứng và đạt 896.070 con gà trắng giống.
Đối với nhập khẩu, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2022 lên tới 3,32 tỷ USD. Năm 2022, tổng số gà giống nhập khẩu về Việt Nam là 3.392.436 con, trong đó, con giống gà trắng nuôi lấy thịt 2.196.456 con, gà lông màu nuôi lấy thịt 723.355 con, còn lại là con giống gà hướng trứng. Tổng số con vịt giống nhập về Việt Nam năm 2022 khoảng 14.000 con.
BÁO ĐỘNG NHẬP LẬU GIA CẦM
Trong 3 tháng đầu năm 2023, số lượng gà giống bố mẹ nuôi thịt nhập khẩu về Việt Nam là 749.326 con; gà giống bố mẹ hướng trứng nhập khẩu về Việt Nam là 119.259 con. Số lượng vịt giống ông, bà/bố, mẹ nhập khẩu về Việt Nam là 46.856 con. Lượng gà giống dùng để làm thịt nhập về Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 1.120 tấn; lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ nhập về đạt 47.817 tấn.
Về thị trường nhập khẩu, trong tháng 2/2023, Hàn Quốc là thị trường cung cấp thịt gà lớn nhất cho Việt Nam với lượng nhập khẩu đạt hơn 6 nghìn tấn và trị giá đạt hơn 7,6 triệu USD, tăng 136,9% về lượng và tăng 127,9% về trị giá so với tháng trước.
Đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ, với lượng nhập khẩu thịt gà đạt hơn 4,2 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 4,2 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 36,5% về trị giá so với tháng trước.
Đứng thứ 3 là thị trường Brasil, với lượng nhập khẩu đạt gần 4,5 nghìn tấn và trị giá đạt hơn 3,8 triệu USD, tăng 92,4% về lượng và tăng 53,3% về trị giá so với tháng trước.
Ba Lan đứng thứ 4, với lượng nhập khẩu đạt hơn 976 tấn, trị giá đạt hơn 1,3 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 29,4% trị giá so với tháng trước.
"Hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm…nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam.
Sang tháng 3/2023, các thị trường xuất khẩu thịt gà lớn nhất sang Việt Nam là Mỹ (chiếm tỷ trọng 34,0%), Hàn Quốc (29,2%), Brazil (22,7%), Ba Lan (5,2%), Nga (2,2%), các thị trường khác chiếm 6,8%. Các thị trường xuất khẩu gà giống (gà trắng giống, gà màu giống và gà giống hướng trứng) lớn nhất sang Việt Nam trong tháng 3/2023 là Anh (47,0%), Mỹ (23,6%), Pháp (13,2%), Malaysia (8,5%), Đan Mạch (7,1%), các thị trường khác chỉ chiếm 0,6%.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm nhận định: Không chỉ nhập khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi quá lớn, mà thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp tại các địa phương. Đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam; gia cầm lậu tràn vào, nguy cơ rất cao các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như các chủng vi rút Cúm gia cầm) xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ra các ổ dịch bệnh động vật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân.
Ngày 4/5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 2744 gửi Bộ Công an về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Theo Công văn, thực hiện Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”, các đơn vị chức năng đã thực hiện việc kiểm soát vận chuyển gia cầm giống không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới; đã bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển trái phép gia cầm giống vào Việt Nam.
Tuy nhiên, để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng đề nghị Bộ Công an: Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp lực lượng chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển.
Đề nghị Bộ Công an Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.