12:56 17/08/2023

Chính phủ đề xuất hai phương án bảo hiểm xã hội một lần

Phúc Minh

Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội cả 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần, do đây là vấn phức tạp, nhạy cảm và còn có nhiều ý kiến khác nhau...

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), sáng 17/8. Ảnh - Quochoi.vn.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), sáng 17/8. Ảnh - Quochoi.vn.

Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI TỪ NĂM 2025 CÓ THỂ KHÔNG ĐƯỢC RÚT MỘT LẦN

Đối với vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, ưu điểm của phương án này là dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua. Trong những năm đầu số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều nhưng từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần so với giai đoạn vừa qua, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên cơ bản sẽ ít khả năng gặp phản ứng của người lao động hơn.

Tuy nhiên, do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên đối với hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chính phủ cho rằng, theo phương án này, mặc dù số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì họ cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại.

Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn; có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.

Nhược điểm của phương án này là chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động không được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi trước mắt. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi Luật có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai. 

CÂN NHẮC THÊM PHƯƠNG ÁN 

Do đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh - Quochoi.vn.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý Luật Bảo hiểm xã hội phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, vẫn còn nhiều ý kiến về quy định bảo hiểm xã hội một lần, có loại ý kiến thống nhất lựa chọn phương án 1, có loại ý kiến lại lựa chọn phương án 2.

Trong đó, có cả các ý kiến không đồng ý với cả 2 phương án Chính phủ trình. Lý do phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi phương án 2 cho rút 50% không hợp lý, vì số tiền đóng là của người lao động.

Cơ quan thẩm tra cho rằng mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm và còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi đó, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi và tác động đến tâm lý người lao động.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện về cả bối cảnh và điều kiện thực tiễn về đời sống, tâm lý của người lao động, dư luận xã hội để quyết định việc đề xuất phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của bảo hiểm xã hội.