Chính sách tiền tệ của Việt Nam trước "bóng ma" đình lạm toàn cầu
"Bóng ma" đình lạm đang rình rập nền kinh tế toàn cầu: sự kết hợp giữa cả lạm phát cao, thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp. Điều này khiến định hướng điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương khó lường hơn...
Trưa 16/6, Ngân hàng Nhà nước công bố đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 kểtừ đầu năm 2023 đến nay. Tổng mức giảm của cả 4 lần từ 0,5-2 %/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; qua đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Đồng thời, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành đã khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết không thể chủ quan với áp lực lạm phát vì lạm phát cơ bản hiện vẫn khá cao, bình quân 5 tháng 2023 là 4,83%.
Lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao.
Bóng ma "đình lạm" đang hiện hữu khi tăng tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc, gặp khó khăn. Một số nền kinh tế đã rơi vào suy thoái, chẳng hạn như Đức. Tăng trưởng giảm tốc; lạm phát giảm chậm khiến định hướng điều hành chính sách tiền tệ và lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương khó lường hơn.
Ngày 15/6/2023, Fed thông báo giữ nguyên mức lãi suất 5-5,25%/năm nhưng phát tín hiệu có thể tiếp tục thắt chặt trong năm nay, thị trường dự báo khả năng Fed còn tăng 1-2 lần lãi suất trong năm 2023; Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) điều chỉnh giảm 10 điểm cơ bản cả lãi suất mua lại đảo ngược 7 ngày và lãi suất cho vay dài hạn, đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của PBoC từ tháng 8/2022.
Trong nước, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhiều chỉ số kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ phản ánh tác động tiêu cực từ cầu nước ngoài suy giảm mạnh và những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,7-7,2%. Trong khi đó, lạm phát và lạm phát cơ bản (LPCB) tiếp tục chậm lại trong 5 tháng đầu năm 2023 do tăng trưởng kinh tế thấp, làm suy giảm áp lực lạm phát cầu kéo. So với cùng kỳ, lạm phát đã giảm từ mức 4,89% trong tháng 1 xuống 2,43% trong tháng 5 (giảm liên tiếp trong tháng 3, tháng 4 và gần như không thay đổi trong tháng 5), bình quân 5 tháng 2023 là 3,55%.
Lạm phát cơ bản của Việt Nam giảm từ 5,21% tháng 1 xuống 4,54% tháng 5, bình quân 5T2023 là 4,83%. Nhiều dự báo chỉ ra khả năng đạt mục tiêu lạm phát bình quân cả năm 2023 khoảng 4,5% là tương đối khả thi; các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 3%-5,5%.