07:00 12/09/2021

Chủ động thích ứng dịch, doanh nghiệp "mong ngóng" chờ ngày hoạt động trở lại

Ngân Hà

Hơn 4 tháng kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp ngày càng sụt giảm và khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động trong 1-3 tháng tới. Nhiều doanh nghiệp “mong ngóng” chờ ngày được hoạt động trở lại, có thể phục hồi trước khi đi đến bờ vực phá sản....

Tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho cả doanh nghiệp đang duy trì hoạt động và doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng do dịch bệnh.
Tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho cả doanh nghiệp đang duy trì hoạt động và doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng do dịch bệnh.

Đã có những tín hiệu tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang dần “kiệt sức” khi Chính phủ xem xét khả năng “bật” lại nền kinh tế sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

“CẠN” TIỀN, DOANH NGHIỆP “NGÓNG” SẢN XUẤT TRỞ LẠI

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Thúy Lan cho biết, công ty chuyên về may đồng phục do không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ” cũng như không có nguyên liệu để sản xuất, đối tác cũng ngừng hoạt động không có đầu ra nên đã phải ngưng hoạt động sản xuất từ tháng 6 tới nay.

“Nhiều tháng nay, doanh nghiệp không có nguồn thu trong khi doanh nghiệp vẫn phải chi trả những khoản chi phí liên quan tới duy trì sản xuất, hỗ trợ người lao động. Nguồn tiền dự trữ của doanh nghiệp đang suy giảm và dần cạn kiệt nếu tiếp tục phải đóng cửa, dừng sản xuất”, bà Thúy nói.

Chủ động thích ứng dịch, doanh nghiệp "mong ngóng" chờ ngày hoạt động trở lại - Ảnh 1

Không chỉ đối với doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất vì dịch bệnh, ngay cả những doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”, sức khỏe tài chính cũng không khá khẩm hơn. Đại diện Công ty cổ phần Ba Huân cho biết 3 tháng qua, công ty tổ chức sản xuất theo “3 tại chỗ” cũng khá chật vật. Doanh nghiệp dần đuối sức vì những khoản chi phí phát sinh liên quan tới “3 tại chỗ”, trong khi người lao động mệt mỏi và muốn nghỉ việc.

Trong khảo sát mới được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với VnExpress thực hiện đầu tháng 8/2021 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng do dịch chỉ còn dòng tiền đủ để duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng” chiếm khá cao, gần 40% số doanh nghiệp được hỏi và gấp 2,5 lần tỷ lệ này (17,7%) ở các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1-3 tháng là tương đồng giữa nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và nhóm doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (46%).

“Điều này hàm ý doanh nghiệp tạm ngừng có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không. Nếu nhóm doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động do dịch lại chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ 1-3 tháng mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly thì xác suất các doanh nghiệp này rơi vào nhóm giải thể là rất cao vì họ không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức”, khảo sát nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, hy vọng duy nhất của doanh nghiệp hiện nay là dịch được kiểm soát, TP.HCM nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp sẽ từng bước mở lại hoạt động theo quy mô nhóm nhỏ và tăng dần khi dịch bệnh giảm. “Chỉ có như vậy mới giúp doanh nghiệp thoát khỏi chuỗi đứt gãy sau một thời gian dài ngưng hoạt động và tránh được phá sản”, bà Thúy nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Ban IV cũng cho rằng thời điểm tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho cả doanh nghiệp đang duy trì hoạt động và doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng do dịch bệnh nếu chính quyền có thể hỗ trợ doanh nghiệp vận hành trở lại hoặc tự thân các doanh nghiệp tổ chức được sản xuất kinh doanh.

“Nếu không sớm mở cửa nền kinh tế, chuỗi sản xuất sẽ đứt gãy thật sự, nguồn tiền của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt và doanh nghiệp không thể trụ nổi”, khảo sát nêu rõ.

CẦN CHÍNH SÁCH THÍCH ỨNG KHI HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI

Để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, Ban IV cho rằng những vấn đề liên quan tới tiền lương; trả lãi vay cho ngân hàng; trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cần phải được tháo gỡ để doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động trở lại.

Trong một báo cáo về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM cho thấy, gánh nặng tài chính của doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” bao gồm chi phí trợ cấp tiền lương cho người lao động (75.000-150.000 đồng/ngày) để họ chấp nhận ở lại công ty/nhà máy tham gia sản xuất, chi phí ăn uống 3 bữa, chi phí xét nghiệm 220.000-250.000 đồng/lượt, chi phí tổ chức ở và mua sắm vật dụng sinh hoạt.

Vì vậy, theo các doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn vốn, chính sách, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện “3 tại chỗ” theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp để tránh gây áp lực tài chính kéo dài khi dịch bệnh chưa thể chấm dứt hoàn toàn trong “ngày một, ngày hai”.

Cùng với đó, việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine cho công nhân, người lao động là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thể sớm hoạt động trở lại.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), có khoảng 84% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người lao động, 16% còn lại đang cố gắng tiếp cận nguồn vaccine và sớm lên kế hoạch tiêm chủng.

Hay theo báo cáo của Ban quản lý Khu công nghiệp – Khu chế xuất TP.HCM (Hepza), số công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” tại Khu chế xuất Tân Thuận hiện nay là 9.500 công nhân; tuy nhiên, số công nhân chưa thể tiếp cận vaccine vẫn đang rất lớn. Do đó, cần đẩy nhanh việc “xã hội hóa” vaccine để hoạt động luân chuyển lao động giữa các địa phương sớm được triển khai dựa trên việc công nhận “thẻ xanh vaccine” cho những người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, ngày 9/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất để tháo gỡ nút thắt đưa doanh nghiệp quay trở lại là việc quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 đồng thời với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, ngay trong tháng 9/2021, Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về việc các doanh nghiệp mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận xét nghiệm; nghiên cứu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vaccine, Nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine miễn phí.

“Đặc biệt, căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ vaccine trên địa bàn, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động trở lại”, Nghị quyết nêu rõ.

Đây được xem là những giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt, tạo chủ động cho doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định trong khi vẫn sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.