Chưa đến 50% người cao tuổi có lương hưu
Tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng trong khi nguồn lực kinh tế còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội còn non trẻ. Đến nay, mới có khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu và các khoản trợ cấp...
Thông tin được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Cuộc sống độc lập khi về già và an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam", tổ chức ngày 14/12 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Prudential thực hiện.
Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo về "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già", PGS.TS Giang Thanh Long, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo dự báo, thời gian để Việt Nam chuyển từ “bắt đầu già” sang “già” chỉ khoảng 26 năm. Với tốc độ này, dự tính vào năm 2050, dân số già tại Việt Nam sẽ có có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, hoặc 22,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, nhận thức của người dân về việc chuẩn bị tuổi già từ khi còn trẻ còn rất hạn chế, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta cũng còn nhiều thách thức.
Vì vậy sự chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi già của nhóm dân số sẽ trở thành người cao tuổi trong 20 – 30 năm nữa là rất cần thiết để góp phần cải thiện sự chuẩn bị về tài chính, sức khỏe thể chất và tinh thần cho thế hệ sắp về hưu và người cao tuổi tại Việt Nam.
Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng nhấn mạnh rằng, vấn đề già hóa dân số đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên Hợp Quốc năm 2021, hiện nay Việt Nam chỉ còn 16 năm nữa để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già. Đây là khoảng thời gian rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
“Tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ. Đến nay, mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng”, ông Bùi Tôn Hiến thông tin.
Thực tế, các nguồn thu nhập chủ yếu của người cao tuổi hiện nay vẫn là đến từ nguồn hỗ trợ của con cái và công việc họ tự tạo ra, còn sự hỗ trợ của Nhà nước, lương hưu, tiền tiết kiệm hay các nguồn trợ giúp khác còn rất hạn chế.
Vì vậy, nếu không có con cái hỗ trợ và không còn đủ sức khỏe để làm việc thì sẽ có rất nhiều người cao tuổi rơi vào tình trạng nghèo đói, tỷ lệ này hiện nay ở người cao tuổi khoảng 7,11%, đồng thời có 25% người cao tuổi rơi vào trình trạng nghèo đa chiều, nghĩa là ngoài thu nhập ra họ chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Những người cao tuổi ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn dễ bị tổn thương với nghèo hơn ở khu vực khác.
Theo các chuyên gia, hiện nay những cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển là những thách thức lớn cho xã hội. Điều này có thể dẫn đến gánh nặng “chưa giàu đã già”, nếu như chúng ta không có các biện pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số.
Trong khi đó, ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam cho rằng, già hóa dân số nếu như được chuẩn bị tốt thì không phải là thách thức mà sẽ trở thành cơ hội, vấn đề là làm thế nào để tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng với thích ứng già hóa dân số.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp chính sách kịp thời, toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội già hóa trong tương lai không xa, chứ không chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề của nhóm người cao tuổi.
PGS.TS Giang Thanh Long cũng khuyến nghị thêm, cần tăng cường hệ thống bảo hiểm y tế, bởi một trong những rào cản hiện nay là mức độ bao phủ về chi phí của bảo hiểm y tế còn hạn chế, chi tiêu từ tiền túi còn khá lớn cho khám chữa bệnh.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến gián đoạn việc chữa trị bệnh, điều này có thể gây ảnh hưởng lâu dài, do đó cần tăng cường các hoạt động khám chữa bệnh từ xa, từ đó giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân.