Chưa thể công bố báo cáo tài chính, FLC Faros tiếp tục bị phạt tiền
FLC Faros chưa công bố báo cáo tài chính năm 2021, 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét năm 2022, 2023; Báo cáo tài chính quý 1, 2, 3, 4 năm 2022; Báo cáo tài chính quý 1, 2, 3 năm 2023; Báo cáo thường niên năm 2021, 2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2023.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã ROS-HOSE).
Theo đó, ROS bị phạt 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể: công ty không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2021, 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét năm 2022, 2023; Báo cáo tài chính quý 1, 2, 3, 4 năm 2022; Báo cáo tài chính quý 1, 2, 3 năm 2023; Báo cáo thường niên năm 2021, 2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2023.
Trước đó, vào ngày 21/01/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros với tổng số tiền là 170 triệu đồng.
Trong đó, ROS bị phạt 70 triệu do công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Cụ thể: FLC Faros công bố thông tin không đúng thời hạn Quyết định cưỡng chế vi phạm thuế số 571/QĐ-CCT ngày 06/3/2019 của Chi cục thuế thành phố Hội An; công bố thông tin không đầy đủ nội dung tại Báo cáo tài chính năm 2018, 2019.
Cụ thể: Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros không thuyết minh về việc Công ty bị xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; chưa thực hiện thuyết minh riêng bất động sản đầu tư nắm giữ chờ tăng giá; chưa thực hiện thuyết minh thông tin về giá trị hợp lý của bất động sản đầu tư; thuyết minh chưa đầy đủ về Doanh thu bán hàng hóa là vật liệu xây dựng).
Phạt tiền 100 triệu đồng theo quy định do công bố thông tin sai lệch.
Cụ thể: FLC Faros công bố thông tin Báo cáo tài chính năm 2018, 2019 có nội dung sai lệch, cụ thể: Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros hạch toán tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định (năm 2018 số tiền 3.966.800.483 đồng làm tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp số tiền 793.360.097 đồng, năm 2019 số tiền 11.931.436.914 đồng làm tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp số tiền 2.386.287.383 đồng);
Ghi nhận và trình bày chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết năm 2019 chưa tuân thủ quy định, số chi phí lãi vay Công ty phải loại trừ bổ sung là 27.326.369.967 đồng, tương ứng Công ty ghi nhận thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2019 là 5.465.273.993 đồng; chưa trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) tại thời điểm 31/12/2019 số tiền là 32.354.107.808 đồng, do đó làm giảm chỉ tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế một khoản tương ứng và giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 phải nộp số tiền 6.470.821.562 đồng).
Biện pháp khắc phục hậu quả là ROS buộc cải chính thông tin đối với nội dung công bố thông tin sai lệch theo quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo Khoản 41 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP.
Mới đây, Bộ Công an vừa lên tiếng về thủ đoạn chiếm đoạt tài sản mà các đối tượng thao túng chứng khoán thường sử dụng.
Cụ thể, theo Bộ Công an, thời gian qua, các vụ án liên quan đến thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và tình hình an ninh, trật tự.
Từ vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros và các công ty có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chỉ ra được các sơ hở thiếu sót trong quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán và thủ đoạn các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Theo đó, các đối tượng đã lợi dụng việc mở tài khoản chứng khoán một cách dễ dàng, không kiểm soát, rồi thuê, nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản để sử dụng mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính...