16:26 16/09/2022

Chưa thực hiện kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp chưa thể thành “sinh thái”

Mộc Minh

Nhiều khu công nghiệp thực hiện mô hình sinh thái cho biết đang gặp khó trong việc cộng sinh, như sử dụng chất thải tái chế lẫn nhau…

Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM, sẽ được thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.
Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM, sẽ được thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.

TP.HCM sẽ thí điểm phát triển Khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái, nằm trong “Dự án triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu, giai đoạn 2020 – 2023, do Chính phủ Thuỵ Sỹ hỗ trợ.

 KHU CÔNG NGHIỆP HIỆP PHƯỚC SẼ THEO MÔ HÌNH SINH THÁI

Thông tin trên được ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đưa ra tại hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức ngày 15/9/2022.

Ông Võ Văn Hoan cho biết, thời gian qua, việc phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM cũng bộc lộ một số hạn chế. Hiệu quả đầu tư của các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố chưa cao về cơ cấu đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả sử dụng tài nguyên, thâm dụng lao động phổ thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện...

Với mục tiêu đến 2030, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó, khu công nghiệp Hiệp Phước được chọn tham gia dự án. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại TP.HCM và trên cả nước.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: "Thách thức khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái sẽ tốn kém chi phí tái cấu trúc cơ sở hạ tầng..." - Ảnh: VE.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: "Thách thức khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái sẽ tốn kém chi phí tái cấu trúc cơ sở hạ tầng..." - Ảnh: VE.

Ông Hoan cho rằng thách thức lớn đối với thành phố khi chuyển các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái sẽ tốn kém chi phí tái cấu trúc cơ sở hạ tầng, chi phí doanh nghiệp nâng cấp công nghệ và thu hút dự án đầu tư theo tiêu chí…

Cũng như TP.HCM, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại các địa phương cũng đang gặp nhiều vướng mắc, như: vấn đề xử lý rác thải, môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách ưu đãi thuế; vấn đề sử dụng đất đai…

Đại diện Ban quản ký Khu kinh tế Hải Phòng băn khoăn, với những mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế có sẵn và thực hiện chuyển đổi sang phát triển khu công nghiệp sinh thái thì liệu có đạt được tiêu chí như khu công nghiệp, khu kinh tế được thực hiện xây dựng mới hay không? Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có bộ tiêu chí riêng cho những khu công nghiệp, khu kinh tế chuyển đổi.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có văn bản chỉ đạo, định hướng về nhu cầu phát triển, chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái, để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai”, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nói. 

Còn theo đại diện khu công nghiệp TP. Đã Nẵng, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuần hoàn chất thải trong các doanh nghiệp; nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ còn nhiều hạn chế, các thủ tục, giấy tờ còn nhiều khó khăn…

DOANH NGHIỆP CHƯA THỂ CỘNG SINH

Thực tiễn triển khai các khu công nghiệp sinh thái cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, cho biết nếu định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái ngay từ đầu sẽ không bị manh mún. Bản thân Khu công nghiệp Hiệp Phước cũng vướng nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. Chẳng hạn, hệ thống khí lò hơi của nhiều nhà máy sẽ tốn kém khi chuyển đổi…

Ngoài ra, việc cộng sinh trong khu công nghiệp giữa các doanh nghiệp rất khó khăn. Vì khi doanh nghiệp này sử dụng chất thải của doanh nghiệp kia thì 2 doanh nghiệp không thể “trao đổi” trực tiếp với nhau được, mà phải qua đơn vị có chức năng xử lý chất thải, rồi mới quay lại doanh nghiệp cần sử dụng. Như vậy rất lâu.

 
Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước - Ảnh: VE.
Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước - Ảnh: VE.

"Nếu định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái ngay từ đầu sẽ không bị manh mún. Bản thân Khu công nghiệp Hiệp Phước cũng vướng nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái.

Việc cộng sinh trong khu công nghiệp giữa các doanh nghiệp rất khó khăn. Vì khi doanh nghiệp này sử dụng chất thải của doanh nghiệp kia thì 2 doanh nghiệp không thể “trao đổi” trực tiếp với nhau được, mà phải qua đơn vị có chức năng xử lý chất thải, rồi mới quay lại doanh nghiệp cần sử dụng. Như vậy rất lâu". 

Đại diện Khu công nghiệp Amata cho rằng khó khăn lớn nhất là cộng sinh trong khu công nghiệp sinh thái, vì mỗi nơi có cách áp dụng khác nhau. Hay như một doanh nghiệp có nhu cầu về một loại chất thải nhưng doanh nghiệp trong khu lại không đáp ứng được về khối lượng…

Khó khăn của Khu công nghiệp Amatar Việt Nam là việc tái sử dụng nước thải. Trong khi công ty mẹ là Amatar Thái Lan đã sử dụng 100% tái sử dụng nước thải. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng mở về tái sử dụng nước thải, nhưng ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại chưa có hướng cụ thể.

Bên cạnh đó, việc tái chế nước thải thành nước cất, hiện Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính chưa có khung giá cho nước tái sử dụng, điều này cũng hạn chế cho các doanh nghiệp đầu tư và nghiên cứu khả thi.

Theo đại diện Khu công nghiệp DEEP C, nếu các khu công nghiệp đáp ứng về xử lý chất thải, nước thải được tái chế có thể bán cho việc tưới cây. Cần phải sử dụng những sáng kiến để tiết kiệm nước. Chúng tôi đã vận hành 5 khu công nghiệp nhưng chưa có giấy phép sử dụng lại nước thải đã qua xử lý, dù rằng nó rất sạch.

Thực tế ở DEEP C, tính toán sơ bộ mỗi khu công nghiệp có thể tiết kiệm nhiều nước hơn nếu cho phép sử dụng nước thải tái chế. Vì nhiều khi nước thải tái chế tốt hơn nước cất.

Đại diện Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết thực ra, mục tiêu (nội hàm) của khu công nghiệp sinh thái không quá xa đối với mô hình khu công nghiệp mà Việt Nam đã phát triển. Tiêu chí cao hơn ở đây là sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Hiện các quy định rất chồng chéo, trong các chính sách ưu đãi cho khu công nghiệp vẫn là ưu đãi chung, chưa có ưu đãi riêng cho khu công nghiệp sinh thái.

Là cơ quan đầu mối trong chiến lược phát triển khu công nghiệp sinh thái, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhìn nhận, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng đang gặp khó khăn về nguồn lao động, đất đai, tài nguyên, năng suất lao động, phát triển chưa hài hòa, ưu đãi về chính sách đất đai giảm dần… Bên cạnh đó, liên kết trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam thời gian qua còn hạn chế.

Vì vậy, việc phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế cần phải có sự đổi mới với các cơ chế, chính sách phù hợp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được cơ hội thu hút đầu tư và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.