16:49 18/02/2018

Chứng khoán 2018: chờ đợi sự tăng trưởng mạnh hơn

Hoàng Xuân - Tú Uyên

Chứng khoán Việt Nam năm 2018 chờ đợi sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ vào niềm tin của một chính phủ hành động và đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2017

Chứng khoán được kỳ vọng tăng trường mạnh mẽ hơn trong năm 2018.
Chứng khoán được kỳ vọng tăng trường mạnh mẽ hơn trong năm 2018.

Chứng khoán Việt Nam năm 2017 đã để lại phía sau nhiều kỷ lục ấn tượng. VN-Index đã về đích sát mốc 1.000 điểm vào ngày cuối cùng của năm nhờ mức tăng trưởng 48%, cao nhất trong 10 năm qua. 

Thị giá của tất cả các cổ phiếu chủ chốt có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường đều tăng trưởng cao hơn chỉ số chung. Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường niêm yết đạt khoảng 1,2 tỷ USD... 

Cái kết tích cực đó đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho năm 2018, chứng khoán chờ đợi một sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ vào niềm tin của một chính phủ hành động và đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2017.

Điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài

undefined - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam

Năm 2017 được xem là năm thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á.

Năm 2017 cũng chứng kiến sự quay trở lại của nhà đầu tư nước ngoài với việc mua ròng gần 26.000 tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6.281 tỷ đồng). Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tính đến cuối tháng 11/2017 đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016. 

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đạt 1,9 triệu tài khoản tăng 11% so với cuối năm 2016 (trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 14,3%).

Trong 11 tháng đầu năm, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký lớn nhất tại VSD đến từ Hàn Quốc (945 tài khoản), Đài Loan (606) tài khoản, Trung Quốc (598 tài khoản), Thái Lan (226 tài khoản), Nhật Bản (154 tài khoản), Mỹ (142 tài khoản)...

Những con số trên cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tại các nước phát triển trong khu vực và các nhà đầu tư Mỹ đang có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các thương vụ thoái vốn nhà nước và đầu tư lớn ở Vinamilk, Sabeco, Vietjet, Vincom Retail... đã góp phần thúc đẩy đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy quản trị công ty và minh bạch cho doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2018 được kỳ vọng là năm nền kinh tế tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao khi Chính phủ chủ trương tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Đây sẽ là những nhân tố giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh và sôi động hơn.

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển các dịch vụ sản phẩm mới, cũng như để thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khối lượng công việc của VSD sẽ rất lớn, trong đó tập trung vào 8 giải pháp.

Ngoài hai giải pháp liên quan đến đào tạo và hỗ trợ thành viên thì các giải pháp còn lại là tập trung vào hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, cụ thể hóa đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2020 và phát triển các sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ sau giao dịch và hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho thị trường.

VSD cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các giải pháp trọng tâm, góp sức thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển hiệu quả, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tôi hy vọng sang năm 2018, cùng với những khởi sắc của nền kinh tế, với nỗ lực nâng hạng thị trường, chủ trương đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa vốn nhà nước với khối lượng lớn từ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư ngoại

undefined - Ảnh 2.

Ông Trần Lê Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM)

Ông Trần Lê Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM)

Năm 2017 là một năm rất đặc biệt, bởi nhìn lại lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều năm chúng ta đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự sôi động trên thị trường cổ phiếu, nhưng thị trường trái phiếu cũng sôi động không kém trong năm qua.

Theo đánh giá của tôi, có nhiều lý do để có thể tạo nên diễn biến tích cực này. Riêng với thị trường cổ phiếu, diễn biến có thể chia thành 3 giai đoạn. 

Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, thị trường tăng trưởng chủ yếu do sự tốt lên rõ rệt và thuận với các dự báo trước đó về kinh tế vĩ mô và kết quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết. 

Tới quý III/2017, sự tăng trưởng của thị trường phần nhiều nhờ sự hậu thuẫn của một loạt doanh nghiệp niêm yết mới với quy mô lớn. Và trong quý cuối cùng, động lực chính tạo ra sự tăng trưởng đột biến của thị trường đến từ dòng vốn ngoại, điển hình là dòng vốn này đã đổ vào các “đại” doanh nghiệp niêm yết trên sàn như Vinamilk, Sabeco...

Nhìn lại hoạt động của năm 2017, chúng ta không thể bỏ qua sự tác động tích cực của dòng vốn ngoại lên tăng trưởng của thị trường chứng khoán. 

Việc gia tăng “đột biến” của dòng vốn ngoại vào Việt Nam trong quý IV/2017 thực ra là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài trước đó, mà cụ thể nhất từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách tỷ giá trung tâm. 

Điều này thực sự tích cực khi đã giúp thị trường ngân hàng có thanh khoản tốt, từ đó giúp tỷ giá ổn định và lạm phát được kiềm chế. Cũng từ đó, nhà đầu tư nước ngoài đã có cái nhìn tích cực hơn rất nhiều đối với những biến động về kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam có được là kết quả của cả một quá trình. Do vậy, năm 2018, tôi cho rằng, diễn biến tích cực sẽ tiếp tục duy trì đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy được nhiều cơ hội ở Việt Nam.

Có 3 lý do để có thể kỳ vọng. Thứ nhất, sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô có sự thay đổi tích cực và rõ ràng. Thứ hai, công tác bán vốn nhà nước, trong đó điểm nhấn là tỷ lệ vốn bán ra đủ lớn sẽ tạo ra các giao dịch quy mô lớn và nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao. Thứ ba, cơ hội, triển vọng về việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam - đối với nhà đầu tư nước ngoài, đây là một cơ hội lớn.

Do vậy, theo tôi, sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ được duy trì trong năm 2018 mà sẽ còn được kéo dài sang cả năm 2019.

Có nhiều lý do để tin tưởng

undefined - Ảnh 3.

Ông Kim Thiên Quang - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán MBKE.

Ông Kim Thiên Quang - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán MBKE

Chứng khoán Việt Nam năm 2017 đã có một năm thành công ở nhiều phương diện. Điểm số là điều dễ thấy nhất, VN-Index đã có mức tăng hơn 48% so với năm 2016. Đây là kết quả rất ấn tượng với rất nhiều người. Với kết quả này, Việt Nam trở thành thị trường có mức tăng vào loại mạnh nhất trong khu vực châu Á và cả trên thế giới.

Năm 2017 cũng là một năm rất thành công trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài. Con số mua ròng gần 1 tỷ USD trong năm 2017 (tính riêng tại HSX đến hiện tại) thật sự là một kỷ lục và chính dòng vốn ngoại đã giúp củng cố xu hướng tăng của thị trường bền vững hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó.

Cũng không thể không nói đến thành công trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và bán vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ thoái vốn đã được đẩy nhanh hơn đáng kể trong năm nay và kết quả thoái vốn cũng thu được những “trái ngọt” hơn cả kỳ vọng mà thương vụ bán vốn lần hai tại VNM hay thương vụ IPO của SAB là hai ví dụ sinh động nhất.

Sau VNM và SAB, câu chuyện thoái vốn nhà nước sẽ vẫn còn “nóng hổi” với hàng loạt cái tên đã được nói đến như VCG, FPT, BMP, NTP, DMC... Cơ hội được tham gia vào những doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế quan trọng trong một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và dân số trẻ như Việt Nam là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó có thể tìm kiếm được ở nơi nào khác trong một vài năm tới đây

Và trong năm 2018 này, có nhiều lý do để chúng tôi tiếp tục dành sự tin tưởng lớn vào triển vọng của thị trường. Xu hướng tăng trung hạn dự kiến sẽ vẫn phát triển lành mạnh trong 12 tháng tới và mức độ tăng điểm của VN-Index có thể sẽ xấp xỉ những gì chỉ số này đã làm được trong năm 2017. 

Một số nguyên nhân quan trọng đưa chúng tôi đến nhìn nhận này bao gồm: (1) Kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao; (2) 2018 tiếp tục là năm cao điểm trong tiến trình tái cơ cấu, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; (3) Đây là giai đoạn chuẩn bị quan trọng nhất cho mục tiêu nâng hạng thị trường trong 2019-2020 và (4) Sự cải thiện mạnh hơn nữa trong tình hình kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trên sàn.

Cơ hội lớn nhưng cần tỉnh táo

undefined - Ảnh 4.

Ông Vũ Quang Đông - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF).

Ông Vũ Quang Đông - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

Năm 2017 tiếp tục ghi dấu hoạt động hiệu quả của hai quỹ mở mà VCBF đang quản lý. Tính đến ngày 20/12/2017, quỹ mở VCBF-TBF đã đem lại lợi nhuận hơn 28% sau gần 12 tháng đầu năm 2017 và gần 18% mỗi năm kể từ khi thành lập ngày 24/12/2013. Quỹ mở VCBF-BCF đem lại lợi nhuận hơn 34% sau gần một năm 2017 và hơn 21% mỗi năm kể từ khi quỹ thành lập ngày 22/8/2014.  

Trong năm 2018, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ là sự lựa chọn đầu tư. Theo chúng tôi những ngành hàng tiêu dùng, vận tải và kho vận liên quan tới xuất nhập khẩu như hàng không, đường thủy, ngành bán lẻ và dịch vụ tài chính sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, thị trường bất động sản vẫn có cơ hội tăng trưởng trong năm tới do lãi suất vẫn ở mức thấp và nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn tăng đều do tốc độ dịch chuyển đô thị hóa tiếp tục tăng cao.

Các ngành du lịch và liên quan đến du lịch sẽ tăng tốc do Chính phủ đang tập trung thúc đẩy du lịch để tỉ trọng của ngành này sẽ tăng từ 6% GDP trong năm 2016 lên 10% GDP vào năm 2020.

Ngành ngân hàng sau khi thực hiện tái cơ cấu và được yêu cầu tích cực trích lập đủ dự phòng cùng việc áp dụng Luật Các tổ chức tính dụng sửa đổi cũng sẽ góp phần làm lành mạnh bảng cân đối và sức khỏe của các ngân hàng. 

Các ngân hàng tiếp tục có kết quả kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, câu chuyện ở mỗi ngân hàng sẽ khác nhau phụ thuộc vào tốc độ tái cấu trúc và ảnh hưởng của sửa đổi luật các tổ chức tín dụng vừa qua.

Ngoài ra, giá đầu vào nguyên liệu thô của thế giới có xu hướng ổn định. Vì vậy, ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đơn giản (như bao bì, nhựa...) tiếp tục đạt được kết quả tốt do xuất khẩu tăng và kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt.

Theo dự báo, triển vọng sáng nhất cho năm nay bao gồm các ngành: ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng. Ngoài ra, ngành dầu khí cũng có thể lạc quan theo sự phục hồi của theo giá dầu. Tuy nhiên, để lựa chọn được cổ phiếu tốt trong ngành do đặc thù kinh doanh của mỗi doanh nghiệp khác nhau nên sức ảnh hưởng của giá dầu đến doanh nghiệp cũng khác nhau.

Tóm lại, mặc dù cơ hội để đầu tư sinh lời trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018 vẫn còn rất lớn, nếu không muốn nói, đây sẽ tiếp tục là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong nền kinh tế, nhưng dù vậy, “cuộc chơi” này sẽ ngày càng có độ khó cao hơn và “phần bánh” có thể sẽ không được chia đều cho số đông. Đây tiếp tục là một kênh hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng đòi hỏi họ phải chuyên nghiệp hơn nữa.

Tình hình hiện tại khá tốt

undefined - Ảnh 5.

Ông Marco Breu - Tổng Giám đốc McKinsey Vietnam.

Ông Marco Breu - Tổng Giám đốc McKinsey Vietnam

Tôi nghĩ tình hình hiện tại của Việt Nam khá tốt. So sánh với giai đoạn 2011 – 2012, các bạn đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, nhìn vào mức độ cổ phần hóa, mức độ tư nhân hóa, hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài thấy vẫn còn bất cập nhưng vấn đề đang được cải thiện.

Việt Nam được hưởng lợi từ lực lượng lao động trẻ, hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa hơn 10 năm qua. Tuy nhiên năng suất lao động đang giảm dần, cần được cải thiện trong thời gian tới.

Tất nhiên có một số dấu hiệu cho thấy kinh tế vĩ mô khá ổn định. Theo tôi, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong 12 – 18 tháng vừa qua. Lời khuyên duy nhất của tôi là bám sát các mốc thời gian theo kế hoạch. Vì Việt Nam từng có nhiều lần chậm trễ và không rõ ràng trong quá trình cổ phần hóa của một số doanh nghiệp nhà nước. Tính minh bạch rất quan trọng vì nhà đầu tư cần biết chuyện gì đang xảy ra.

Một trong những triết lí mà chúng tôi tin là các tổ chức cần có chiến lược quản trị công ty trước. Đặc biệt là các công ty lĩnh vực tư nhân, chiến lược của công ty là gì trong bối cảnh không chỉ quan tâm đến tình hình trong nước mà còn xem xét biến động toàn cầu. 

Công ty cần có chiến lược để minh bạch, để nhà đầu tư thấy cách cơ cấu công ty ra sao. Ngoài ra, vốn và nguồn quỹ là thách đố cho các công ty. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn, có những thời điểm gần như không thể tiếp cận vốn. Tôi tin Việt Nam cũng đang phát triển tốt thị trường trái phiếu so với 10 năm trước khi tôi đến đây. Đối với công ty cũng cần làm tốt công tác kế toán để minh bạch báo cáo tài chính.

Cổ phần hóa sẽ tạo ra tính thanh khoản và độ sâu của thị trường. Nếu so sánh với những nước Đông Nam Á khác, thị trường vốn của Việt Nam vẫn là một trong những thị trường kém thanh khoản nhất. Tuy nhiên tôi tin rằng việc cổ phần hóa để Chính phủ vẫn nắm giữ cổ phần nhưng không nhiều và lượng cổ phiếu tự do giao dịch trên thị trường tăng là điều đúng đắn.

Cơ hội là quá trình thoái vốn nhà nước

undefined - Ảnh 6.

Ông Chua Hak Bin - Kinh tế gia khu vực châu Á, Tập đoàn Maybank Kim Eng.

Ông Chua Hak Bin - Kinh tế gia khu vực châu Á, Tập đoàn Maybank Kim Eng

Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này được minh chứng qua những cuộc giới thiệu về thị trường chứng khoán Việt Nam được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới thường thu hút rất đông nhà đầu tư tham dự.

Tuy nhiên, các tổ chức chuyên nghiệp thường đánh giá cơ hội đầu tư trên nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là mức độ ổn định của kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển của nền kinh tế, cam kết của Chính phủ và sau đó là cơ hội rót vốn vào các doanh nghiệp lớn, thỏa mãn các tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư quốc tế tại Hà Nội diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, các nhà đầu tư có chung nhận định, Chính phủ Việt Nam đã thẳng thắn nhìn ra những điểm cần cải tổ để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn, đồng thời nhiều chính sách cũng đang theo hướng tích cực, cởi mở và bình đẳng hơn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Điểm mới và được đánh giá là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới là quá trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù tiến trình này chuyển động khá chậm, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc thoái vốn sẽ được đẩy mạnh xuất phát từ lý do doanh nghiệp cần cải tổ về hiện trạng sở hữu để cải tổ chất lượng quản trị. Đồng thời, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần những nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế.

Trong câu chuyện cụ thể hơn, nhiều nhà đầu tư chia sẻ góc nhìn tích cực khi Chính phủ Việt Nam dần cởi mở trong thu hút vốn ngoại. Cụ thể, khi thị trường mở cửa, vốn ngoại có hạn mức đầu tư tối đa 20% vào doanh nghiệp niêm yết, rồi nâng lên 30%, rồi đến 49% và nay là 100% ở những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh không hạn chế đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, điểm còn nhận được nhiều băn khoăn là Việt Nam liệu có quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán hay không và cơ hội đầu tư cụ thể ở đâu khi thị trường đã khá lớn về quy mô, nhưng chất lượng và độ sâu còn yếu, đặc biệt tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối?

Về hiện trạng đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay có thanh khoản khá tốt, khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên, tuy nhiên, với các quỹ lớn, để giải ngân hàng chục, hàng trăm triệu USD vào thị trường lại là câu chuyện không dễ dàng.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp thiên về đầu tư dài hạn, trên cơ sở nghiên cứu nền kinh tế, doanh nghiệp và cơ hội rót một lượng tiền đủ lớn vào doanh nghiệp định đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 15 mã chứng khoán có vốn hóa lớn nhất đã chiếm hơn 65% vốn hóa toàn thị trường, trong đó 5 mã có vốn hóa lớn nhất đã chiếm khoảng 40% quy mô vốn hóa của VN-Index.

Việc thiếu độ sâu của thị trường vẫn là một vấn đề đau đầu. Nhiều quỹ đầu tư lớn chia sẻ, họ không thể đầu tư vào một thị trường mà 10 cổ phiếu lớn nhất chiếm tới hơn 50% vốn hóa và hơn một nửa vẫn do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Họ có tiền và rất quan tâm, nhưng không được giải ngân khi mặt bằng chất lượng chung chưa được thay đổi đáng kể.

Điều nhà đầu tư mong nhất là Việt Nam mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại bằng việc đưa lên sàn nhiều doanh nghiệp lớn, chất lượng và thực hiện nhanh hơn tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đang niêm yết. Thị trường đã tăng trưởng mạnh về lượng và bây giờ là lúc nhà đầu tư cần thị trường tăng trưởng về chất lượng hàng hóa và độ sâu thanh khoản.