08:15 13/12/2023

Chứng khoán Mỹ cao nhất từ đầu năm 2022, giá dầu lao dốc 4%

Bình Minh

“Các nhà đầu cơ giá lên và giá xuống đều có chỗ mà dựa vào trong báo cáo CPI tháng 11, nhưng vấn đề là các con số đều rất nhất quán với kỳ vọng"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ tư liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/12), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm báo cáo lạm phát mới nhất để căn chỉnh kỳ vọng về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Giá dầu thô sụt mạnh do các nhà giao dịch dầu lửa lo ngại Fed có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,46%, đạt 4.643,7 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 173,01 điểm, tương đương tăng 0,48%, đạt 36.577,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,7%, đạt 14.533,4 điểm.

Phiên này, cả ba thước đo của chứng khoán Mỹ đều đạt đỉnh 52 tuần nội phiên, trong đó S&P 500 lên cao nhất kể từ tháng 1/2022. Nasdaq và Dow Jones tương ứng đạt mức cao nhất kể từ tháng 4 và tháng 1 năm ngoái.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,1% so với tháng trước. Mức tăng cả năm bằng với mức dự báo mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, trong khi mức tăng tháng cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.

CPI lõi - chỉ số không bao gồm giá năng lượng và giá lương thực-thực phẩm - tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với tháng trước, đều phù hợp với dự báo của chuyên gia.

Báo cáo lạm phát này được đưa ra giữa lúc thị trường đang cố gắng hoàn tất năm 2023 trong một trạng thái khả quan. Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều đã có 3 tuần tăng liên tiếp. Ngoài ra, cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed đã khởi động vào ngày thứ Ba và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư với một tuyên bố về lãi suất, cập nhật dự báo kinh tế, và một phiên họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

“Các nhà đầu cơ giá lên và giá xuống đều có chỗ mà dựa vào trong báo cáo CPI tháng 11, nhưng vấn đề là các con số đều rất nhất quán với kỳ vọng, nên không khiến thị trường thay đổi nhiều. Tâm lý chung trên thị trường có vẻ là hào hứng với sự giảm giá để mua, vì còn nhiều nhà đầu tư đang giữ tiền. Đó có lẽ chính là lý do để thị trường khó giảm”, nhà sáng lập Adam Crisafulli của công ty tư vấn đầu tư Vital Knowledge nhận định với hãng tin CNBC.

Trước khi có báo cáo việc làm tháng 11 khả quan hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước, thị trường đã kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3. Tuy nhiên, sau báo cáo đó, giới đầu tư dịch chuyển kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sang tháng 5.

Báo cáo CPI ngày thứ Ba làm gia tăng đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất từ tháng 5. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đặt cược khả năng 43,7% vào việc Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3, từ mức khoảng 50% trước khi số liệu lạm phát được công bố. Khả năng giảm lãi suất vào tháng 5 là 78%, từ mức 75% vào hôm thứ Hai.

“Thị trường chắc chắn đang tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trong năm tới, và Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Nhà đầu tư đang đặt hy vọng vào một cuộc ‘hạ cánh mềm’ - kịch bản cho phép Fed hạ lãi suất”, chiến lược gia Scott Wren của Wells Fargo Investment Institute bình luận với hãng tin Reuters.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,79 USD/thùng, tương đương giảm 3,67%, chốt ở mức 73,24 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,71 USD/thùng, tương đương giảm 3,8%, còn 68,61 USD/thùng.

Khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đã gây áp lực bán tháo lên giá dầu - theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group. Ông Flynn nói rằng niềm tin trên thị trường dầu đã sụt giảm sau chuỗi giảm 7 tuần liên tiếp của “vàng đen”.

Giá dầu đã giảm liên tiếp trong thời gian gần đây, khi sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ, Canada và Brazil xung đột với tình trạng suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, đặt ra mối lo về khả năng thừa mứa dầu.

Tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm tới sẽ thấp hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức tăng trưởng của nguồn cung - theo Phó chủ tịch Daniel Yergin của S&P Global. “Chừng nào vấn đề cung-cầu còn chi phối tâm lý nhà đầu tư, áp lực giảm giá đó sẽ còn duy trì”, ông Yergin nói với CNBC.

Nhiều nước trong liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga đã cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong quý 1/2024. Tuy nhiên, thị trường nghi ngờ mức độ thực chất của kế hoạch này.

Theo ông Yergin, OPEC+ đang đứng trước lựa chọn hoặc tiếp tục cắt giảm sản lượng, hoặc bơm dầu mạnh ra thị trường để giá sụt giảm và qua đó buộc các nước ngoài liên minh phải giảm sản lượng.