07:47 20/12/2024

Chứng khoán Mỹ chững đà giảm sau bán tháo, giá dầu trượt dốc vì mối lo lãi suất

Bình Minh

Nhà đầu tư đang lo ngại rằng những tín hiệu cứng rắn về lãi suất của Fed đã giáng một đòn mạnh vào thị trường giá lên...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (19/12) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với Dow Jones tăng nhẹ và chấm dứt chuỗi 10 phiên giảm liên tiếp, nhưng S&P 500 và Nasdaq tiếp tục giảm sau phiên bán tháo vào ngày hôm trước. Giá dầu thô cũng đi xuống do khả năng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ phải giảm lãi suất chậm lại trong năm 2025.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 15,37 điểm, tương đương tăng 0,04%, đạt 42.342,24 điểm. Trước phiên này, chỉ số blue-chip đã giảm 10 phiên liên tiếp, đánh dấu chuỗi phiên giảm dài nhất trong vòng 50 năm.

S&P 500 giảm 0,09%, còn 5.687,08 điểm. Nasdaq trượt 0,1%, còn 19.372,77 điểm.

Hôm thứ Tư, cổ phiếu ở Phố Wall bị bán tháo dữ dội sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất với tốc độ chậm lại trong năm tới. Khi mới bắt đầu phiên ngày thứ Năm, cả ba chỉ số chính đều bật tăng mạnh: Dow Jones có lúc tăng hơn 460 điểm và S&P 500 tăng hơn 1% ở thời điểm đạt đỉnh trong phiên của mỗi chỉ số.

Nhưng sau đó, áp lực giảm nhanh chóng quay trở lại, và cuối cùng cả ba thước đo đều không giữ được thành quả tăng đó. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ.

Phản ánh mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng tăng phiên thứ hai liên tiếp, duy trì trên ngưỡng 4,5%, gây áp lực lên giá cổ phiếu. Trong phiên trước, lợi suất của kỳ hạn này tăng hơn 13 điểm cơ bản.

Nhà đầu tư đang lo ngại rằng những tín hiệu cứng rắn về lãi suất của Fed đã giáng một đòn mạnh vào thị trường giá lên. Theo dự báo cập nhật của Fed, ngân hàng trung ương này có thể chỉ giảm lãi suất 2 lần trong năm tới, thay vì giảm 4 lần như dự báo đưa ra hồi tháng 9. Việc Fed giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm, trong lần họp này đã được thị trường dự trù từ trước và hầu như không mang lại hiệu ứng tích cực nào cho tâm lý nhà đầu tư.

“Tôi cho rằng sự điều chỉnh này của thị trường có thể kéo dài một chút. Một cổ phiếu nổi bật như Nvidia đang giảm giá, nên tôi cho rằng mọi người sẽ thận trọng một chút và tôi cũng khuyến cáo sự thận trọng”, đồng giám đốc đầu tư Paul Meek của công ty Harvest Portfolio Management nhận xét.

Hôm thứ Tư, chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư tăng vọt lên 28,27 điểm, phản ánh tâm trạng bất an về đường đi của lãi suất trong năm tới. Ngày thứ Năm, chỉ số này quay đầu giảm về mức khoảng 24 điểm.

Những phát biểu của ông Powell tại họp báo sau cuộc họp kết thúc ngày 18/12 khiến nhà đầu tư lo nhiều hơn vui. Ông nói rằng lãi suất quỹ liên bang ở mức 4,25-4,5% hiện nay là “mức lãi suất đã được cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đạt bước tiến về giảm lạm phát trong khi vẫn duy trì thị trường lao động vững vàng”. Ông cũng nói những đợt giảm lãi suất vừa qua đã cho phép Fed “được cẩn trọng hơn trong lúc tính toán những điều chỉnh chính sách tiếp theo”.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,51 USD/thùng, tương đương giảm 0,69%, chốt ở mức 72,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,67 USD/thùng, tương đương giảm 0,95%, còn 69,91 USD/thùng.

“Việc Fed có thể hạ lãi suất chậm lại trong năm 2025 đang khiến thị trường dầu thô phải điều chỉnh kỳ vọng”, nhà phân tích Alex Hodes của công ty môi giới StoneX nhận định.

Sau Fed, hai ngân hàng trung ương lớn khác là Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đều giữ nguyên lãi suất trong ngày 19/12. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trước năm 2025 với nhiều bất định từ chính sách của chính quyền Trump 2.0.

Đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh trong phiên ngày thứ Năm, lập đỉnh mới của 2 năm, gây áp lực giảm lên giá dầu.

Một số chuyên gia dự báo hoạt động kinh tế toàn cầu có thể yếu đi trong năm tới trong môi trường lãi suất giảm chậm lại, lạm phát dai dẳng và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Trong bối cảnh như vậy, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu có thể ảm đạm hơn năm nay.

Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu Brent đã giảm hơn 5%, tiến tới hoàn tất năm giảm thứ hai liên tiếp. Tình trạng suy yếu của kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới - đã gây sức ép giảm lớn lên giá dầu trong năm 2024.

Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển năng lượng cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến nhu cầu dầu tăng chậm lại. Tập đoàn năng lượng quốc doanh Sinopec của Trung Quốc ngày 19/12 dự báo tiêu thụ xăng dầu ở nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2027.

Giới chuyên gia về cơ bản dự báo thị trường dầu toàn cầu sẽ dư cung trong năm tới. Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định nguồn cung dầu năm 2025 sẽ nhiều hơn 1,2 triệu thùng/ngày so với nhu cầu.

Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn cung dầu năm 2025 có thể bị thắt lại.

Ngày 19/12, chính quyền Tổng thống Joe Biden cung đã siết trừng phạt Iran, trong đó 3 tàu chở dầu vận chuyển dầu thô và các hoạt động hóa dầu của Iran bị áp trừng phạt. Tuy nhiên, động thái này dường như không có ảnh hưởng đáng kể tới giá dầu. Các nhà phân tích của JPMorgan Chase cũng cho rằng ít có khả năng ông Trump sẽ có những động thái khiến giá dầu tăng vì ông đã hứa sẽ kéo giá năng lượng xuống.

Theo ước tính của hãng tin Reuters dựa trên dự báo của 11 công ty môi giới, giá dầu Brent bình quân của năm 2025 được cho là sẽ đạt khoảng 73 USD/thùng.