Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” vì nỗi lo lãi suất, giá dầu lao dốc chóng mặt
Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang nhận thấy khả năng 74% Fed sẽ có đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp vào ngày 20-21/9...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Ba (6/9), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về ảnh hưởng của những dữ liệu kinh tế khả quan và lãi suất thực tế tăng lên đối với chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô sụt 3% vì nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 173,14 điểm, tương đương giảm 0,55%, còn 31.145,3 điểm. Mức điểm chốt phiên của Dow Jones cao hơn nhiều so với mức đáy của phiên, nhờ chỉ số được củng cố bởi những cổ phiếu phòng thủ như Johnson & Johnson và Coca-Cola.
Chỉ số S&P 500 mất 0,41%, còn 3.908 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,74%, còn 11.544,91 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 7 liên tiếp - chuỗi phiên giảm dài nhất của chỉ số này kể từ năm 2016.
Cổ phiếu bị bán mạnh khi lợi suất trái phiếu tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng 0,162 điểm phần trăm, đạt mức 3,353% trong phiên này, mức cao nhất kể từ hôm 16/6. Lợi suất diễn biến ngược chiều với giá cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã liên tục tăng kể từ khi chạm đáy 4 tháng ở mức 2,516% vào hôm 2/8.
Số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Ba khả quan hơn dự báo, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ tháng 8 do Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) công bố đạt 56,9 điểm so với mức kỳ vọng là 55,5 điểm. Trước đó, báo cáo việc làm tháng 8 công bố vào hôm thứ Sáu cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang vững mạnh hơn dự báo.
Những dữ liệu này được đưa ra trước thềm cuộc họp tháng 9 của Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp này. Các số liệu kinh tế khả quan có thể đồng nghĩa với việc Fed tiếp tục mạnh tay trong việc nâng lãi suất.
Hôm thứ Hai, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Lao động (Labor Day). Trước đó, thị trường đã có một phiên giảm điểm mạnh vào hôm thứ Sáu, với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 7.
“Fed đã khiến cho thị trường trở nên rất phụ thuộc vào dữ liệu. Nên với bất kỳ một chút thông tin nào được công bố, nhà đầu tư cũng đều suy ngẫm xem liệu con số đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc họp sắp tới của Fed”, Giám đốc đầu tư Carol Schleif của BMO Family Office nhận định với hãng tin Reuters. “Một trong những điều khiến nhà đầu tư bối rối hiện nay là có quá ít yếu tố để có thể quyết định một xu hướng tăng hay giảm rõ ràng”.
Theo chiến lược gia trưởng Shawn Cruz của TD Ameritrade, mối lo về nguồn cung năng lượng đến châu Âu và việc phong toả chống Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Trung Quốc cũng là những nhân tố khiến thị trường giảm điểm phiên này. “Có nhiều bấp bênh và biến động không đến từ Mỹ mà đến từ nước ngoài”, ông nói.
Trong thời gian còn lại của tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ dành cho phát biểu của các quan chức Fed, trong đó có phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Năm. Tuần tới, trọng tâm sẽ là báo cáo lạm phát tháng 8. Điều mà thị trường chờ đợi từ những phát biểu và dữ liệu này là tín hiệu về đường đi của chính sách tiền tệ.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang nhận thấy khả năng 74% Fed sẽ có đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp vào ngày 20-21/9, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Chứng khoán Mỹ khởi động tháng 9 trong một vị thế yếu, nối tiếp xu hướng giảm mạnh kể từ cuối tháng 8, khi những phát biểu cứng rắn của các quan chức Fed và các số liệu kinh tế Mỹ đặt ra khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất quyết liệt. Năm nay, S&P 500 đã giảm 18% và Nasdaq giảm 26%.
Phiên ngày thứ Ba, năng lượng và dịch vụ truyền thông là những nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500. Các nhóm phòng thủ như tiện ích và bất động sản đều tăng.
Chỉ số VIX đo lường mức độ biến động của thị trường tăng lên mức cao nhất 2 tháng 27,8 điểm trước khi đóng cửa ở mức 26,91 điểm.
Phần lớn các thị trường chứng khoán trên toàn cầu cũng giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba vì nỗi lo về chính sách thắt chặt của Fed, khiến chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,47%.
Tuy nhiên, chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu đã hồi phục sau phiên bán tháo vào ngày thứ Hai, đóng cửa với mức tăng 0,24%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang được dự báo sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,5-0,75% trong cuộc họp vào ngày thứ Năm tuần này.
Nỗi lo lãi suất tăng dẫn tới suy thoái kinh tế và kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng đã khiến giá dầu có một phiên giảm mạnh.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London mất 2,91 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 92,83 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm hơn 2%, chốt ở 86,88 USD/thùng.
Hôm thứ Hai, giá dầu tăng mạnh sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, quyết định cắt giảm sản lượng mục tiêu 100.000 thùng/ngày. Mức giảm khiêm tốn này khiến thị trường ít nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, tác dụng hỗ trợ giá dầu của động thái đó dường như không duy trì lâu.
“Tin về OPEC+ giờ đây đã ngấm vào thị trường rồi. Trọng tâm lại dịch chuyển về phía các dữ liệu và thông tin về kinh tế và lạm phát. Trong đó, những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là phong toả ở Trung Quốc và quyết định lãi suất của ECB trong tuần này”, nhà môi giới Tamas Varga của PVM Oil nhận định.
Đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh, đội thêm khoảng 0,6% trong phiên này, cũng là một nhân tố gây áp lực giảm lên giá dầu.
“Về cơ bản, thị trường đang bị chi phối cùng lúc bởi nguồn cung thắt lại và mối lo về sự giảm tốc kinh tế có thể xảy ra trong tương lai. Điều này gây ra nhiều bấp bênh trên thị trường”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Về nguồn cung, giới đầu tư vẫn đang chờ xem liệu các cường quốc phương Tây và Iran có đạt thoả thuận khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015. Một thoả thuận như vậy sẽ cải thiện nguồn cung dầu vì hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sẽ được dỡ bỏ các hạn chế. Quan chức châu Âu hôm thứ Hai cho biết đã bớt kỳ vọng vào việc thoả thuận sớm được khôi phục.