Chứng khoán Mỹ giảm điểm, giá dầu tăng, Bitcoin lại lao dốc
Tâm lý của nhà đầu tư trở nên bi quan sau khi CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo rằng đang hình thành một “cơn bão” kinh tế do chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (1/6), khi nhà đầu tư bước sang tháng mới với tâm trạng lo lắng về lạm phát và sức khoẻ của nền kinh tế. Giá dầu thô tăng do mối lo thiếu cung khi châu Âu cấm vận dầu Nga, trong khi giá Bitcoin sụt mạnh và tuột mốc chủ chốt.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,5%; chỉ số S&P 500 giảm gần 0,8%; và chỉ số Nasdaq mất 0,7%.
Tâm lý của nhà đầu tư trở nên bi quan sau khi CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo rằng đang hình thành một “cơn bão” kinh tế do chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Ông Dimon nói JPMorgan Chase “sẽ rất thận trọng với bảng cân đối kế toán của mình”.
Các dữ liệu kinh tế mới cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang vận hành nóng. Thị trường lao động tiếp tục trong thạng trái thắt chặt, trong khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) đạt 56,1 điểm trong tháng 5, từ mức 55,4 điểm trong tháng 4.
Dù vậy, “thị trường tiếp tục giằng co khi bước sang tháng 6 với khuynh hướng tiêu cực”, chiến lược gia Rob Haworth của US Bank Wealth Management nhận định. “Lạm phát vẫn là mối lo hàng đầu do giá dầu tăng cao và tâm lý quan ngại của người tiêu dùng thể hiện trong báo cáo Beige Book của Fed”.
Bản báo cáo của Fed cho thấy nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng nhẹ hoặc khiêm tốn trong 2 tháng trở lại đây.
“Quan điểm của chúng tôi là thận trọng khi bước sang tháng cuối cùng của quý 2”, ông Haworth nói thêm. “Những yếu tố bao gồm sự bấp bênh về chính sách của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và tốc độ nâng lãi suất; nguồn cung năng lượng và lương thực toàn cầu vẫn thắt chặt có thể dẫn tới mức giá cao hơn; và trở ngại đối với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đang ra các rủi ro đối với nhà đầu tư trong thời gian tới”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,69 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 116,29 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,59 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 115,26 USD/thùng.
Hôm thứ Hai tuần này, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí đến cuối năm cắt giảm 90% nhập khẩu dầu từ Nga. Động thái này đẩy cao mối lo về sự thiếu hụt nguồn cung dầu đã phủ bóng lên thị trường kể từ khi xảy ra chiến tranh. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dầu cũng được dự báo sẽ tăng mạnh khi Trung Quốc nới các biện pháp kiểm soát chống Covid.
“Ảnh hưởng của biện pháp trừng phạt sắp trở thành hiện thực là rất lớn… Nga sẽ mất khoảng 3 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày sang châu Âu, và khó tìm được khách mua hết số dầu này”, ông Bill Farren-Price, Giám đốc của Enverus, nhận định.
Hai nguồn tin từ OPEC+ nói với hãng tin CNBC rằng nhóm này không hề thảo luận việc loại Nga khỏi thoả thuận sản lượng khai thác dầu. Trước đó, tờ Wall Street Journal vào hôm thứ Ba đưa tin rằng OPEC+ đang tính đến một động thái như vậy.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga. Cuộc họp sản lượng của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 2/6.
OPEC hiện đang bị chỉ trích vì không tăng sản lượng đủ nhanh để “hạ nhiệt” giá dầu, nhưng các nước vùng Vịnh nói rằng hầu hết các thành viên trong khối không có dư công suất để tăng sản lượng.
“Bạn có thực sự cho rằng Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày. Nếu họ làm vậy, công suất dự trữ của hoạt động khai thác dầu toàn cầu chỉ còn dưới 2 triệu thùng/ngày”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures phát biểu.
Theo nguồn thạo tin, uỷ ban kỹ thuật của OPEC+ ngày 1/6 hạ dự báo mức dư cung dầu toàn cầu trong năm nay còn 1,4 triệu thùng/ngày, giảm 0,5 triệu thùng/ngày so với lần dự báo trước. Mức dư cung eo hẹp đồng nghĩa với thế giới có thể rơi vào tình trạng thiếu dầu nếu nhu cầu tăng tốc.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 3 tăng hơn 3%, đạt 11,65 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch.
Sau khi lên gần 32.000 USD trong phiên trước, giá Bitcoin quay đầu giảm mạnh và mất mốc chủ chốt 30.000 USD trong phiên này.
Lúc hơn 8h sáng nay (2/6) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở mức 29.772 USD, giảm gần 6,7% so với cách đó 24 tiếng.