07:30 08/10/2008

Chứng khoán Mỹ nguy kịch sau năm ngày giảm điểm

Duy Cường

Ngày 7/10, chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh và đẩy các chỉ số xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm qua

Trong 5 ngày giảm điểm liên tiếp gần đây, chỉ số Dow Jones đã mất 1.400 điểm, tương đương mức sụt giảm 13% giá trị và xuống dưới ngưỡng 9.500 điểm - Ảnh: Reuters.
Trong 5 ngày giảm điểm liên tiếp gần đây, chỉ số Dow Jones đã mất 1.400 điểm, tương đương mức sụt giảm 13% giá trị và xuống dưới ngưỡng 9.500 điểm - Ảnh: Reuters.
Ngày 7/10, chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh và đẩy các chỉ số xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm qua.

Chứng khoán Mỹ: Chỉ số Dow Jones xuống dưới 9.500 điểm

Thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang cân nhắc cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 11 tại NYMEX trong ngày 7/10 tăng thêm 2,25 USD/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 90,06 USD/thùng.

Hôm thứ Ba, Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (FED) đã có động thái đầu tiên nhằm hỗ trợ thị trường thương phiếu (hay còn gọi kỳ phiếu thương mại - Commercial Paper *) và qua đó giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính nước này.

Theo đó, FED sẽ tăng mạnh việc thực hiện tái triết khấu các loại thương phiếu nhằm giúp các tập đoàn đang nắm thương phiếu thu về khoản tiền mặt trị giá 1.700 tỷ USD.

Trước đó, FED cũng đã công bố việc sẽ dành 900 tỷ USD cho các tổ chức tài chính vay ngắn hạn để tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm ngày thứ năm liên tiếp, trong đó chỉ số Dow Jones đã xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm qua do giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái nặng nề.

Bên cạnh đó, giới đầu tư quá thất vọng vì phải chờ đợi những tín hiệu “giải cứu” của Chính phủ khi mà gói hỗ trợ 700 tỷ được chờ đợi vẫn chưa phát huy được tác dụng. Hơn nữa, việc điều chỉnh chính sách vĩ mô hiện nay vẫn chưa theo kịp những biến động mạnh của thị trường.

Trong bài phát biểu ngày 7/10, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ông Ben Bernanke mới chỉ hé lộ khả năng cắt giảm lãi suất cơ bản để cứu nền kinh tế, thế nhưng theo nhận định của giới phân tích, việc cắt giảm lãi suất cơ bản không phải là giải pháp căn cơ trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư đang mất dần.

Trong gần 1 năm qua, lãi suất cơ bản liên tục được cắt giảm từ 5,25% xuống 2% để cứu nền kinh tế, nhưng với nhiều bất ổn, trong đó việc thua lỗ hàng loạt của nhiều tập đoàn đã đẩy chứng khoán Mỹ đi vào vùng cực kỳ nguy hiểm.

Trong 5 ngày giảm điểm liên tiếp gần đây, chỉ số Dow Jones đã mất 1.400 điểm, tương đương mức sụt giảm 13% giá trị và xuống dưới ngưỡng 9.500 điểm. Chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq cũng có mức trượt giảm trên 10% sau 5 ngày.

Mức sụt giảm hơn 10% giá trị trong 5 ngày qua của các chỉ số tương đương với thời kỳ suy giảm của chứng khoán Mỹ trong gần 3 quý năm 2008 và đẩy các chỉ số giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Thị trường chưa thể tìm thấy lối thoát, Chính Phủ hay FED vẫn chưa thừa nhận điều đó, chúng tôi luôn trong tâm trạng bất an và không biết thị trường sẽ đi về đâu”, Linda Duessel, chiến lược gia thị trường của Hiệp hội các nhà đầu tư ở Pittsburgh nói.

Rõ ràng, thị trường chứng khoán Mỹ đang trong cơn nguy kịch, bởi vì ngay cả nghiệp vụ bán khống cũng gần như bị cấm khi có đến hơn 950 mã cổ phiếu của những tập đoàn lớn đều bị đưa vào diện “bảo vệ đặc biệt”. Thế nhưng, ngay cả khi không cho giới đầu tư kiếm lời từ việc đầu cơ giá xuống, thì thị trường chứng khoán Mỹ vẫn sụt giảm trên 10% trong 5 ngày liên tiếp vừa qua.

Trở lại với phiên giao dịch ngày 7/10, các cổ phiếu khối tài chính tiếp tục dẫn đầu về biên độ giảm điểm, trong đó, cổ phiếu của Morgan Stanley giảm 24,9%, Citigroup giảm 12,98%, cổ phiếu JPMorgan mất 10,64%.

Đáng chú ý hơn cả là cổ phiếu của Bank of America giảm tới 26,2% sau khi ngân hàng này công bố sẽ cắt giảm cổ tức và phải tăng thêm 10 tỷ USD để bù lỗ các khoản kinh doanh khác.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm 508,39 điểm, tương đương -5,11%, đóng cửa ở mức 9.447,11.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 108,08 điểm, tương đương -5,8%, chốt ở mức 1.754,88.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 60,66 điểm, tương đương -5,74%, đóng cửa ở mức 996,23.

* Commercial paper: Thương phiếu là chứng chỉ có giá ghi nhận lệnh yêu cầu thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định trong một thời gian nhất định.

Thương phiếu là loại tài sản đảm bảo chắc chắn khi ngân hàng nhận chiết khấu hay nhận cho vay cầm cố. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo này lại có tính thanh khoản cao vì ngân hàng có thể mang đi tái chiết khấu hoặc tái cầm cố tại Ngân hàng Trung ương để khôi phục nguồn vốn của mình.

Chứng khoán châu Âu: Thị trường Đức tiếp tục mất điểm

Hôm thứ Ba, Hội đồng Thương mại Anh cho biết Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nên cắt giảm lãi suất cơ bản từ 5% xuống 4,5%/năm. Phát biểu này được đưa ra sau khi kết quả của cuộc thăm dò 5.100 công ty cho thấy lòng tin của các công ty đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1989.

Bên cạnh đó, hai công ty hàng đầu chuyên về vận động hành lang (lobby) ở Anh là BCC và Confederation of British Industry đã kêu gọi BoE nên cắt giảm lãi suất cơ bản 0,5% điểm. Được biết, BoE đã duy trì mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 5%/năm từ tháng 4/2008.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Ba đã có diễn biến tích cực hơn khi thị trường Anh và thị trường Pháp tăng điểm nhẹ sau khi có ngày giao dịch hoảng loạn trước đó. Dù vậy, thị trường Đức vẫn tiếp tục giảm điểm với biên độ giảm hơn 1%.

Tuy nhiên, chỉ số FTSEurofirst 300, đại diện cho 300 tập đoàn lớn niêm yết ở châu Âu, vẫn giảm 0,2%. 

Các cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục giảm điểm với biên độ lớn, trong đó, cổ phiếu Commerzbank mất 14%, cổ phiếu Ngân hàng Barclays giảm 17%, cổ phiếu Lloyds TSB trượt 13%, Deutsche Bank giảm 7,4%, các cổ phiếu của Royal Bank of Scotland, HBOS cũng đồng loạt mất điểm.

Theo giới phân tích nhận định, thị trường Anh và Pháp lên điểm trong phiên này chỉ đơn thuần là phiên điều chỉnh tăng mang tính kỹ thuật sau khi sụt giảm từ 7% đến 9 % trong phiên đầu tuần.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 16,03 điểm, tương đương 0,35%, đóng cửa ở mức 4.605,22, khối lượng giao dịch phiên này đạt 3,35 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này mất 1,12%, khối lượng giao dịch đạt 118 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 0,55%, khối lượng giao dịch đạt 276 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Nikkei 225 thấp nhất trong 5 năm

Nhiều chỉ số chứng khoán châu Á đã khởi sắc trở lại với biên độ tăng không đáng kể, trong khi thị trường Nhật và Trung Quốc vẫn duy trì gam màu đỏ trên bản điện tử.

Hôm thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản đối với đồng Yên ở mức 0,5%/năm. Phát biểu sau khi công bố quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật ông Masaaki Shirakawa tuyên bố sẽ nỗ lực để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính có thể gây tổn hại nặng nề đến Nhật.

Phản ứng với phiên giảm điểm mạnh ở thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ phiên giao dịch trước đó và quyết định của BOJ, chứng khoán Nhật tiếp tục giảm điểm và xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Ngay khi thị trường mở cửa, chỉ số Nikkei 225 đã sụt giảm hơn 5% và xuống dưới 10.000 điểm, nhưng sau đó thông tin Ngân hàng Trung ương Australia cắt giảm lãi suất cơ bản và nhiều nước châu Á đã tuyên bố vào cuộc để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính thì thị trường đã hồi phục dần dần và đóng cửa ở mức trên 10.000 điểm.

Nhiều cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn đã sụt giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Sharp Corp sụt giảm 9,3%, cổ phiếu Canon mất 4,1%, cổ phiếu Kyocera Corp trượt 3,5%, cổ phiếu Honda Motor giảm 5%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 317,19 điểm, tương đương -3,03%, đóng cửa ở mức 10.155,90. Khối lượng giao dịch đạt 2,97 tỷ cổ phiếu, thị trường có 4 cổ phiếu mất điểm thì có một cổ phiếu lên điểm.

Liên quan đến Hàn Quốc, hôm thứ Ba, nhà chức tránh nước này đã nhóm họp khẩn cấp để bàn về biện pháp đối phó cuộc khủng hoảng tài chính và bàn về sự mất giá của đồng Won so với USD khi đồng nội tệ này đã xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 7 năm qua. Trong năm nay, đồng Won đã giảm hơn 30% giá trị so với USD, riêng trong ngày giao dịch đầu tuần, đồng Won đã giảm tới hơn 5% so với USD.

Trước đó, ngày 6/10, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã thúc giục các ngân hàng nước này bán các tài sản ở nước ngoài để nắm USD nhằm tăng tính an toàn cho hệ thống khi có biến động xảy ra.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã tăng điểm nhẹ sau khi giảm mạnh nhiều phiến trước đó. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI tăng 0,54%.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 0,34%. Chỉ số Straits Times của singapore lên 0,51%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,73%.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch phiên này nhân ngày lễ và giao dịch trở lại vào ngày 8/10.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.955,50 9.447,11  Down508,39 Down 5,11
Nasdaq 1.862,96 1.754,88 Down108,08 Down 5,80
S&P 500 1.056,89 996,23 Down  60,66 Down 5,74
Anh FTSE 100 4.617,24 4.605,22 Up  16,03 Up 0,35
Đức DAX 5.368,91 5.326,63  Down  60,38 Down 1,12
Pháp CAC 40 3.748,59 3.732,22  Up  20,24 Up 0,55
Đài Loan Taiwan Weighted 5.505,70 5.524,66 Up  18,96 Up 0,34
Nhật Nikkei 225 10.473,09 10.155,90 Down317,19 Down 3,03
Hồng Kông Hang Seng 16.803,76 N/A N/A N/A
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.358,75 1.366,10 Up   7,35 Up 0,54
Singapore Straits Times 2.171,38 2.179,48 Up 11,16 Up 0,51
Trung Quốc Shanghai Composite 2.173,74 2.157,84 Down 15,90 Down 0,73
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg