Chứng khoán Mỹ trượt dốc vì cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh, giá dầu tăng do tin Iran, Iraq
Mối lo về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump nhằm vào các đối tác thương mại lớn của Mỹ tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường...

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/2), khi cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán mạnh khiến nỗ lực hồi phục sau phiên bán tháo hôm thứ Sáu bất thành. Giá dầu thô tăng do Mỹ áp lệnh trừng phạt mới lên Iran và Iraq cam kết sẽ tuân thủ hạn ngạch sản lượng trong OPEC+.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 sụt 0,5%, còn 5.983,25 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,21%, còn 19.286,92 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 33,19 điểm, tương đương tăng 0,08%, đạt 43.461,21 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đương đầu áp lực bán mạnh, khiến Nasdaq là chỉ số giảm điểm mạnh nhất trong số ba thước đo chính của giá cổ phiếu ở Phố Wall. Nếu tính từ đầu năm, Nasdaq hiện đã rơi vào trạng thái âm.
Mức giảm mạnh nhất trong số các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn phiên này là 10,5%, rơi vào Palantir. Microsoft mất khoảng 1% giá trị sau khi một báo cáo của công ty TD Cowen cho biết hãng phần mềm này đang cắt giảm đầu tư vào trung tâm dữ liệu - thông tin làm dấy lên lo ngại rằng Microsoft có thể đuối sức trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Cổ phiếu hãng chip Nvidia chốt phiên với mức giảm khoảng 3%. Alphabet giảm 0,2%, trong khi Meta giảm gần 2,3%.
Mối lo về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump nhằm vào các đối tác thương mại lớn của Mỹ tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường. Ông Trump cho biết kế hoạch áp thuế quan 25% lên hàng hóa Canada và Mexico “sẽ được triển khai” sau khi thời hạn trì hoãn 1 tháng tháng kết thúc vào tuần tới.
Ông Scott Helfstein - trưởng chiến lược đầu tư tại công ty Global X - nhận định với hãng tin CNBC: “Các tin tức từ Nhà Trắng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhà đầu tư suốt 4 tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ này của ông Trump. Nhưng tuần trăng mật ngọt ngào có thể sắp kết thúc”.
Phiên giảm điểm đầu tuần này diễn ra sau cú sụt của chứng khoán Mỹ vào tuần trước. Dow Jones và Nasdaq kết thúc tuần với mức điểm thấp hơn trên 2% so với mức chốt của tuần trước đó, trong khi S&P 500 giảm hơn 1%. Chỉ riêng trong ngày thứ Sáu, Dow Jones giảm hơn 700 điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 1,7% và 2,2% điểm số.
Trong những phiên gần đây, số liệu thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ yếu kém của Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng và chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực dịch vụ đều suy giảm, kết hợp với lạm phát giá tiêu dùng cao hơn dự kiến, đã gây xói mòn niềm tin của thị trường.
Những số liệu này được đưa ra trong bối cảnh tình hình công ăn việc làm của nhiều người Mỹ trở nên bấp bênh vì hàng loạt đợt sa thải công chức của Chính phủ liên bang và các công ty lớn, đưa kịch bản kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đình lạm đang trở thành một mối lo không nhỏ của nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Joe Saluzzi - đồng giám đốc giao dịch cổ phiếu tại Themis Trading- cho biết nhà đầu tư còn đang bị chi phối bởi các thông tin về cuộc bầu cử ở Đức, chiến tranh ở Ukraine và một loạt tin tức khác. “Mọi người nhanh chóng chuyển sang tâm lý sợ hãi”, ông Saluzzi nói với hãng tin Reuters.
Thị trường chứng khoán Đức lạc quan sau cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tuần vừa rồi. Kết quả cuộc bầu cử cho phép các đảng theo đường lối trung dung của nước này có thể thành lập liên minh. Trong đó, liên minh trung hữu CDU/CSU giành tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, mở đường cho thủ lĩnh của liên minh này là Friedrich Merz trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức. Theo dự báo, CDU/CSU sẽ liên minh với đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) về thứ ba trong cuộc bầu cử.
Giới phân tích nhận định đây là một kết quả thân thiện với thị trường, và nhờ đó chỉ số DAX của chứng khoán Đức chốt phiên tăng 0,62%. Tuy nhiên, chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 0,08% và chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,48% trong phiên ngày thứ Hai.
Tuần này đánh dấu tròn 3 năm bùng nổ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Thị trường vẫn đang chờ những động thái tiếp theo của các bên nhằm đi tới một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine, sau khi Mỹ và Nga đã chính thức khởi động đàm phán vào tuần trước.
Trong tuần, các báo cáo tài chính quan trọng, số liệu kinh tế Mỹ, cùng các tin tức về thuế quan và địa chính trị sẽ tiếp tục quyết định nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall và trên toàn cầu lạc quan hay bi quan. Trong đó, đáng chú ý nhất là báo cáo tài chính của Nvidia công bố vào ngày thứ Tư, và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - công bố vào ngày thứ Sáu.
“Số liệu PCE tháng 1 công bố vào ngày thứ Sáu sẽ rất quan trọng đối với thị trường, vì sẽ cho biết lạm phát có bùng trở lại vào đầu năm nay hay không. Các số liệu lạm phát khác của tháng 1, như chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), đều rất mạnh”, Chủ tịch Clark Bellin của công ty Bellwether Wealth nhận xét. Nhưng dù số liệu PCE ra sao, “nhiều khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong ít nhất 6 tháng tới” - ông Bellin nói.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,35 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 74,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,3 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, đạt 70,7 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/2 áp một đợt trừng phạt mới nhằm vào ngành công nghiệp dầu khí của Iran. Bị ảnh hưởng trong đợt trừng phạt này là các công ty môi giới và doanh nghiệp vận tải tham gia vào việc mua bán và vận chuyển dầu thô của Iran.
Ngoài ra, giá dầu còn tăng do Iraq cam kết sẽ hạn chế khai thác dầu để bù lại việc đã khai thác quá mức hạn ngạch được cấp trong OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và thành viên ngoài khối gồm Nga.
Trước phiên tăng này, giá dầu đã giảm mạnh trong hai phiên liên tiếp do kỳ vọng hòa bình Nga - Ukraine khiến giá dầu suy giảm phần bù rủi ro địa chính trị. Giới phân tích cho rằng trong thời gian tới, cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá dầu.
Ông Trump ngày thứ Hai cho biết Mỹ sắp đạt một thỏa thuận về khoáng sản với Ukraine, và ông cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trò chuyện về triển vọng đi đến một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine dù còn có quan điểm khác biệt về cách thức tiến hành.