12:14 05/07/2016

Chứng khoán sáng 5/7: VNM và giá dầu không cản nổi đà tăng

Lan Ngọc

Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào thị trường đã đẩy VN-Index tăng thêm 0,97%, lên 654,25 điểm

VN-Index vượt qua nhịp rung lắc khá mạnh ngay đầu phiên. Ảnh: TVSI
VN-Index vượt qua nhịp rung lắc khá mạnh ngay đầu phiên. Ảnh: TVSI
Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào thị trường đã đẩy VN-Index tăng thêm 0,97%, lên 654,25 điểm.

Mặc dù thị trường đã có một nhịp điều chỉnh khá mạnh trong nửa đầu phiên sáng nay, thậm chí có lúc VN-Index giảm xuống dưới tham chiếu, nhưng tâm lý rất vững đã thúc đẩy thanh khoản lên cao. Nhà đầu tư coi nhịp sụt giảm đó như là một cơ hội mua.

Tác động chính lên thị trường phiên sáng, thậm chí là nguyên nhân của đợt sụt giảm đầu phiên là giá dầu và VNM thất bại trong việc vượt đỉnh cũ tháng 5.

Giá dầu WTI sáng nay đã giao dịch trở lại và sụt giảm 1,55%, còn 48,23 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,04% còn 49,58 USD/thùng. Nhóm cổ phiếu dầu khí lập tức bị ảnh hưởng.

GAS lúc thấp nhất sụt giảm khoảng 2,26% so với tham chiếu. Đó là thời điểm 10h7 và chỉ 3 phút sau thì VN-Index rơi chạm đáy thấp nhất của phiên sáng ở 647,52 điểm, giảm 0,07%, tương đương 0,44 điểm. VNM khi đó cũng giảm 0,69%.

Tuy nhiên GAS tỏ ra mạnh mẽ trong nửa còn lại của phiên, bắt đầu phục hồi dần và chốt phiên sáng tăng trở lại 0,75% so với tham chiếu. Các mã dầu khí khác không được khỏe như vậy: PVD vẫn đang giảm 0,63%, PVS giảm 0,54%, PVG giảm 1,25%, PVB giảm 0,49%...

VNM cũng là lực cản quan trọng vì không thể duy trì được trạng thái cân bằng. Cổ phiếu này đầu phiên có lúc tăng 0,69%, lên 146.000 đồng. Đó cũng là đỉnh cao nhất trong lịch sử mã này đạt được vào ngày 17/5/2016. VNM đã không thể vượt được đỉnh cao này trong hôm nay và giảm trở lại 0,69% so với tham chiếu.

VNM là cổ phiếu trụ duy nhất giảm giá sáng nay và mức giảm cũng không quá mạnh. Cho tới khi GAS phục hồi và các mã khác tăng thêm, đà tăng chung của VN-Index được khôi phục.

VCB đang tăng 3,66%, lập đỉnh cao mới kể từ tháng 8/2015. GAS tăng 0,75%, CTG tăng 0,58%, BID tăng 1,71%, VIC tăng 1,96%, MSN tăng 0,75%. Các trụ này đủ sức cân bằng lại cho VNM và đẩy VN-Index lên cao hơn.

VN30-Index chốt phiên sáng cũng tăng 0,85% nhờ 17 mã tăng/7 mã giảm. Các cổ phiếu giảm trừ VNM, đều có vốn hóa ở mức trung bình như FPT, HAG, HHS, PVD, REE. Toàn sàn HSX cũng có độ rộng khá tốt với 121 mã tăng/94 mã giảm.

Nhà đầu tư dường như đang quan tâm trở lại các blue-chips nhiều hơn sau khi các mã đầu cơ đã tăng rất nóng mấy ngày trước. Chỉ số VNMidcap sáng nay chỉ tăng 0,56%, VNSmallcap tăng 0,38%. Thanh khoản của rổ VN30 cũng rất cao, đạt 830 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với sáng hôm qua.

Trong 10 cổ phiếu giao dịch lớn nhất sàn HSX tính theo giá trị, rổ VN30 đóng góp 7 mã. HPG, SSI, VNM, HSG, HCM, VCB giao dịch rất lớn, trong đó đặc biệt mạnh là HPG và SSI. HPG dẫn đầu với gần 142,1 tỷ đồng, tăng 77% so với sáng hôm qua, giá tăng 1,25%. SSI giao dịch tăng gần 6 lần, giá tăng 2,73%.

Sàn HNX tiếp tục bị cản trở bởi ACB đang giảm 1,08%, một mã lạc lõng trong nhóm ngân hàng tăng rất tốt sáng nay. Thêm nữa là nhóm dầu khí đi xuống. HNX-Index do đó chỉ tăng được 0,34%, với 101 mã tăng/91 mã giảm.

Rổ HNX30 khá hơn, đang tăng 0,85% với 12 mã tăng/8 mã giảm. Nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều hơn tới các blue-chips ở HNX mà tiêu biểu là các mã bất động sản và chứng khoán như VCG, SCR, HUT, CEO, VND, SHS, BVS…

Tổng giá trị khớp lệnh thị trường phiên sáng nay đạt mức kỷ lục 7 phiên, chỉ đứng sau hôm bắt đáy 24/6 vừa rồi. Khoảng 2.274 tỷ đồng đã được chuyển nhượng. Như vậy, nhà đầu tư bắt đầu giao dịch rất cởi mở, có chốt lời và có thu hút được dòng tiền mới vào.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay mua vào khá tốt nhưng không hẳn tập trung vào blue-chips. Chỉ có SSI, VCB được mua lớn, còn lại là FIT, VTO, CTI, DIG, DXG… Phía bán HPG tiếp tục bị xả rất lớn và thêm nữa là HHS, PVD, HBC, GTN.