15:58 24/03/2008

Chứng khoán suy nhược chức năng gọi vốn

Minh Đức

Chức năng quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tạo kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Nhưng nay, chức năng này đang suy nhược

Khi gọi vốn ở thị trường này thất bại, nhiều doanh nghiệp niêm yết, công ty cổ phần sẽ lại trở về đường cũ: gõ cửa ngân hàng.
Khi gọi vốn ở thị trường này thất bại, nhiều doanh nghiệp niêm yết, công ty cổ phần sẽ lại trở về đường cũ: gõ cửa ngân hàng.
Chức năng quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tạo kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Nhưng nay, chức năng này đang suy nhược.

Sau 8 năm hoạt động, thành công và giá trị lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là tạo được kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, gián tiếp qua khả năng tự huy động của các doanh nghiệp.

Trong hai năm 2006 và 2007, giá trị đó khẳng định ở nhiều ý nghĩa: doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả, thuận lợi để chủ động trước các cơ hội kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nhiều nguồn vốn trong xã hội trở nên sống động thay vì “ngủ quên” như trước đó; gánh nặng cung vốn trên vai hệ thống ngân hàng giảm tải, tạo điều kiện hỗ trợ các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Nhưng nay, thị trường chứng khoán “rơi tự do”, chức năng trên suy nhược và đang ở mức đáng báo động.

Cụ thể là liên tiếp những cuộc đấu giá, phát hành thêm thất bại từ cuối năm 2007 đến nay; doanh nghiệp không huy động được vốn đúng mục tiêu, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.

Thời điểm này, khi giá nhiều chứng khoán về thấp hơn cả giá “ưu đãi” dự kiến phát hành thêm, kế hoạch tăng vốn, gọi vốn của doanh nghiệp bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đang phải đặt vấn đề xem xét kìm tốc độ tăng vốn, phải trả cổ tức bằng tiền mặt dù vốn VND đang khó khăn… trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Xét về nhiều phương diện, IPO Sabeco vừa qua thất bại là một điển hình. Lượng đăng ký IPO Habeco bước đầu cho thấy nhiều thử thách… Và tới đây, kế hoạch IPO những doanh nghiệp lớn liệu có chùn bước?

Trong báo cáo của một cơ quan đầu ngành thông tin ngân hàng năm 2007 có một chi tiết: thị trường chứng khoán đang tạo một khả năng chia sẻ lớn đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại. Nhưng nay, khi gọi vốn ở thị trường này thất bại, nhiều doanh nghiệp niêm yết, công ty cổ phần sẽ lại trở về đường cũ: gõ cửa ngân hàng.

Gánh nặng tín dụng lại chất thêm trong khi tốc độ tăng trưởng năm nay được ấn định chỉ ở 30%, không còn những con số đột biến trên 50% như trước.

Có hai lựa chọn: doanh nghiệp sẽ phải lụy ngân hàng, chấp nhận lãi suất ngất ngưởng như hiện nay và phải giảm mục tiêu lợi nhuận; hoặc tiếp tục “đánh cược” ở một thị trường đang vào cảnh chợ chiều, quyền mua, ưu đãi cổ phiếu trở thành dị ứng.

Những khó khăn trên chỉ được giải quyết khi thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, chức năng gọi vốn được trả lại giá trị. Nhưng thời điểm nào trong tương lai vẫn chưa có hướng xác định.

Liên quan đến chức năng này, trong tranh luận về vấn đề “hy sinh” chứng khoán để “cứu” lạm phát hồi đầu năm, một số nhận định cho rằng chứng khoán sụt giảm chỉ ảnh hưởng đến 350.000 nhà đầu tư, còn lạm phát ảnh hưởng đến hơn 80 triệu dân.

Nhận định hời hợt đó quên mất rằng khi chứng khoán suy thoái như hiện nay, không chỉ 350.000 nhà đầu tư bị ảnh hưởng, mà là cả nền kinh tế. Đó là khi chức năng gọi vốn nói trên suy nhược, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, hàng nghìn công ty cổ phần có thể bị đình trệ. Câu chuyện này cũng liên quan sâu sắc với đời sống của cả hơn 80 triệu dân.

Tất nhiên, ở hướng nhìn ngược lại, sự suy nhược của chức năng gọi vốn cũng có thể xem là… tích cực. Bởi phía sau đó là nguồn cung chứng khoán ra thị trường phần nào được hạn chế, cắt bớt một trong những nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm trong suốt thời gian qua.