09:41 13/03/2008

Chứng khoán thế giới: Trái chiều!

Duy Cường

Ngày 12/3, trong khi thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu tăng điểm thì thị trường Mỹ lại ngược lại

Thị trường châu Á phản ứng tích cực với thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tung ra 200 tỷ USD nâng tính thanh khoản cho thị trường Mỹ.
Thị trường châu Á phản ứng tích cực với thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tung ra 200 tỷ USD nâng tính thanh khoản cho thị trường Mỹ.
Ngày 12/3, trong khi thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu tăng điểm thì thị trường Mỹ lại ngược lại.

Chứng khoán châu Á: Bước tiên phong

Sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tung ra 200 tỷ USD nâng tính thanh khoản cho thị trường và sự tăng điểm kỷ lục của chứng khoán Mỹ. Thị trường châu Á gần như phản ứng tích cực ngay từ đầu phiên giao dịch.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 202,85 điểm, tương đương 1,6%, đóng cửa ở mức 12.861,13. Đây là ngày thứ hai chứng khoán Nhật khởi sắc.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng Hồng Kông có ngày tăng điểm thứ ba liên tiếp với mức tăng 1.86%. Straits Times của Singapore tăng 2,00%, KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,06%, Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,64%.

Trái với đà tăng điểm của nhiều chỉ số khác, chỉ số Shanghai Composite đã giảm 95,76 điểm (-2,30%), do lo ngại về tỷ lệ lạm phát tăng rất cao (8,7%) trong tháng hai.

Chứng khoán châu Âu: Tiếp tục tăng

Thông tin một số ngân hàng trung ương cung tiền để tăng tính thanh khoản cho thị trường đã tác động tíhc cực đến thị trường chứng khoán châu Âu, đặc biệt là các ngân hàng lớn.

Hơn nữa, lĩnh vực khai khoáng cũng “góp công sức” tới sự tăng điểm của nhiều chỉ số chính.

Chỉ số FTSE 100 tăng 86.00 điểm, tương đương 1,51%. Trong khi đó, chỉ số DAX của Đức tăng 74,80 điểm (1,15%). Cũng trong đà tăng điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 69,41 điểm (1,50%).

Chứng khoán Mỹ: Tăng mạnh rồi... điều chỉnh

Thị trường chứng khoán Mỹ có ngày giao dịch trái chiều với các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á. Phiên này thị trường Mỹ đã có sự điều chỉnh giảm, dù ngay trong đầu giờ giao dịch, các chỉ số đều tăng.

Sự giảm điểm này được cho là do phiên giao dịch trước đó các chỉ số đã tăng rất cao (trung bình trên 3%), mức tăng cao nhất trong một phiên trong vòng 5 năm qua.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 46,57 điểm, tương đương với 0,38%, đóng cửa ở mức 12.110,24.

S&P500 giảm 11,88 điểm, tương đương 0,90%, đóng của ở mức 1.308,77. Cùng trong đà giảm điểm, Nasdaq mất 11.89 điểm, tương đương 0,53%, đóng cửa ở mức 2.243,87.

Bên cạnh sự giảm điểm, khối lượng giao dịch cũng thấp hơn mức bình quân trong ngày của năm trước. Ở thị trường chứng khoán New York, khối lượng giao dịch đạt 1,5 tỷ cổ phiếu, trong khi khối lượng giao dịch bình quân năm trước đạt 1,9 tỷ cổ phiếu/ngày.

Tương tự, khối lượng giao dịch ở Nasdaq cũng giảm so với mức giao dịch bình quân của năm ngoái, 1,9 tỷ cổ phiếu so với mức 2,12 tỷ cổ phiếu của năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.156,81 12.110,24 -46,57 -0,38
Nasdaq 2.255,76  2.243,87 -11,89 -0,53
S&P 500 1.320,65   1.308,77 -11,88 -0,90
Anh FTSE 100 5.690,40 5.776,40 +86,00 +1,51
Đức DAX 6.524,57 6.599,37 +74,80 +1,15
Pháp CAC 40 4.627,69  4.697,10

+69,41

+1,50
Đài Loan Taiwan Weighted 8.381,60 8.435,30 +53,7 +0,64
Nhật Nikkei 225 12.658,28 12.861,13 +202,85 +1,6
Hồng Kông Hang Seng 22.995,35 23.422,76 +427,41 +1,86
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.641,48 1.658,83 +17,35 +1,06
Singapore Straits Times 2.860,85  2.917,94 +57,09 +2,00
Trung Quốc Shanghai Composite 4.165,88 4.070,116 -95,76 -2,30