06:00 02/06/2022

Chuyển đổi số - động lực cải cách nền hành chính

Tuấn Dũng

Việt Nam đang trong quá trình “Chuyển đổi số” và một số kết quả của nó đã được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận… qua chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Trả lời báo chí về các chỉ số này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cho biết cần phải thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thật mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến cấp cơ sở…

Thưa bà, qua sự công bố của Chính phủ về các chỉ số SIPAS, PAR INDEX năm 2021 cho thấy, dù rất khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp vẫn được tăng lên. Xin bà nói rõ thêm về vần đề này?

Có thể nói, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn của năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã hết sức quan tâm chú trọng thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần vào việc xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân một cách tốt hơn. Các chỉ số SIPAS, PAR INDEX vừa công bố cho thấy niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và sự hiệu quả trong quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, thể hiện rõ nét ở những điểm sau:

Thứ nhất, sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính đã được nâng lên. Giá trị trung bình của chỉ số này đã đạt được 87,16%, là chỉ số đáng ghi nhận, tăng hơn so với năm 2020. Cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực, nhất là cải cách về thể chế có chuyển biến, chất lượng và hiệu quả xây dựng thể chế, chính sách đã được quan tâm, chỉ đạo một cách rất đồng bộ và quyết liệt.

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính, mà nổi lên là dịch vụ công trực tuyến quốc gia đạt kết quả rất tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đã đạt được 76%, trong khi năm 2020 chỉ đạt được 30%.

Thứ ba, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã đạt được mục tiêu đề ra theo sự chỉ đạo của Trung ương.

Thứ tư, các địa phương rất nỗ lực thúc đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, góp phần tích cực vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, từ đó làm cơ sở, nền tảng quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Đó là những nét nổi bật đã được đo lường qua các chỉ số. Nhưng thực tế vẫn còn không ít những phàn nàn trong thủ tục hành chính, văn bản pháp luật chưa đáp ứng được cho người dân, doanh nghiệp. Bà nhìn nhận việc này như thế nào?

Đúng vậy, dù đạt được những kết quả khích lệ như đã nêu trên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận công tác cải cách hành chính vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Đó là việc xây dựng thể chế chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện có những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đây cũng là rào cản cho sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như sự phục hồi kinh tế-xã hội của chúng ta trong năm 2021.

Ngoài ra, việc thực hiện cải cách hành chính còn có những mặt hạn chế, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng đến mong đợi của người dân đối với một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp và một nền hành chính chúng ta đang hướng tới là phục vụ nhân dân. Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp vẫn còn có mặt hạn chế và bất cập....

Chuyển đổi số - động lực cải cách nền hành chính - Ảnh 1

Thưa bà, vậy trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm như thế nào để công tác cải cách hành chính đạt được kết quả tốt nhất?

Thời gian tới, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, trong đó trọng tâm, cốt lõi có 5 nội dung cơ bản.

Một là, tập trung một cách đồng bộ, quyết liệt cho cải cách thể chế, chính sách để tháo gỡ mọi rào cản; tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển, hồi phục kinh tế-xã hội nhanh nhất.

Hai là, tiếp tục tập trung cao cho cải cách thủ tục hành chính, nhất là phát huy cao độ hơn nữa dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ba là, phải xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với việc phát huy cao hơn nữa chất lượng của nền hành chính trong yêu cầu mới. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Bốn là, quan tâm, chú trọng cải cách chế độ công vụ, công chức, nâng cao văn hóa công vụ để phát huy được trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách đảm bảo đạt yêu cầu tốt hơn.

Năm là, nhiệm vụ rất cấp bách và quan trọng là tập trung cao cho việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thật mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện từ Trung ương đến cấp cơ sở. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực cải cách nền hành chính. Thông qua đó, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Năm nhiệm vụ trên hết sức quan trọng để chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước thực sự là nền hành chính của dân, do dân và vì dân.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ có những giải pháp gì để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, thưa bà?

Chúng tôi sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức kế hoạch cải cách hành chính hàng năm đồng bộ, toàn diện, trong đó, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, trong sạch, phục vụ nhân dân. Tiếp tục triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, lắng nghe ý kiến người dân để có cơ sở khách quan cho việc ra quyết định chính sách, thiết kế, cung ứng dịch vụ công đảm bảo lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nâng cao chất lượng sống và mang lại sự hài lòng cho người dân.

Bộ Nội vụ sẽ tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, học giả, cán bộ, công chức và người dân để có những cải tiến trong đánh giá, đảm bảo những nội dung, tiêu chí đánh giá đáp ứng được yêu cầu của công tác cải cách hành chính của Chính phủ, phản ánh sát thực tiễn xã hội hiện nay đồng thời bắt kịp với xu thế phát triển của nền hành chính trên thế giới.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương có giải pháp cụ thể, đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ cải cách hành chính được giao.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân.