Có chế tài xử phạt mạnh hơn doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm
Cơ quan bảo hiểm xã hội cho biết sẽ kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm, tuy nhiên các ý kiến cũng cho rằng cần nâng chế tài xử phạt đối với các hành vi này, đảm bảo quyền lợi cho người lao động...
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2022, cơ quan này đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 36.000 đơn vị, qua đó phát hiện 74.000 trường hợp truy thu về đối tượng, mức đóng bảo hiểm xã hội với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế gần 90 tỷ đồng, bằng 160% so với năm 2021.
Năm 2022 số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế phải tính lãi là trên 13.000 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu.
Thực tế, tình trạng chủ doanh nghiệp "bỏ trốn" để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Trước việc hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Qua đó có phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, khi bị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bao hiểm thất nghiệp, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, không được hưởng các chế độ không chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả đã chuyển đến nơi khác làm việc. Vì vậy, người lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội đồng nghĩa với quyền lợi bị “đóng băng”, cuộc sống rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội.
Theo ông Quảng, để giảm thiểu tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần nhiều giải pháp, từ quy định của pháp luật, tổ chức thực thi đến ý thức tuân thủ pháp luật. Trong đó, về quy định của pháp luật, ông Quảng cho rằng cần sửa đổi để nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Về cơ chế, hệ thống bảo hiểm xã hội cần công khai, minh bạch các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, những doanh nghiệp vi phạm sẽ không được tham gia các hoạt động đấu thầu.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến cơ chế giám sát của các cơ quan có chức năng, trong đó có cả công đoàn được thông thoáng hơn; sửa đồng loạt các yếu tố khác nữa, tuy nhiên thực thi là yếu tố hết sức quan trọng.
Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng nhấn mạnh, việc doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người tham gia bảo hiểm.
Thậm chí đã có ý kiến cho rằng, việc người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng đến khi doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn thì không giải quyết được quyền lợi đã khiến họ mất niềm tin ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội, dẫn đến rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, ông Quảng cho rằng, tính bền vững của chính sách mà chúng đang hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội đa dạng, đa tầng, linh hoạt, hiện đại và bền vững sẽ không đạt được.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho số lao động bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm tạo niềm tin, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội để hệ thống chính sách an sinh xã hội được bền vững.
Liên quan đến việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức linh hoạt các hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không đầy đủ; nhất là ở những doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên.
Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng nhấn mạnh sẽ kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng.