19:44 23/08/2022

Cổ đông HDBank thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém

HDBank sẽ tham gia hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, hỗ trợ hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác...

Tỷ lệ cổ đông tán thành chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém đạt 81,52%
Tỷ lệ cổ đông tán thành chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém đạt 81,52%

Đại hội đồng cổ đông HDBank đã cho ý kiến bằng văn bản, thông qua toàn bộ các tờ trình của Hội đồng quản trị với tỷ lệ tán thành cao. Trong đó, cổ đông đã thông qua chủ trương tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt với tỷ lệ tán thành 81,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo tờ trình, việc tham gia chương trình tái cơ cấu một tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế; bên cạnh đó, tạo cơ hội mang lại lợi ích, giá trị gia tăng cho ngân hàng.

Với việc tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt sắp tới, HDBank và ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được nhận các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cụ thể, sau khi HDBank nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Đồng thời, theo quy định pháp luật về chuyển giao bắt buộc, HDBank sẽ được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất. Khoản góp vốn vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank.

HDBank tham gia hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, hỗ trợ hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác. Chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc.

 

Hiện có 3 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bị kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân Hàng Đaị Dương (OceanBank).

Cùng với đó, Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bắt buộc tái cơ cấu.

Ngoài ra, Ngân hàng Xăng dầu (PGBank) cũng thuôc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tổng công ty Xăng dầu – Petrolimex không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.

Trao đổi với nhà đầu tư tại Hội nghị nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, không nhiều tổ chức tín dụng được các cấp có thẩm quyền lựa chọn tham gia chương trình này. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của cơ quan chức năng đối với với năng lực, kinh nghiệm thực hiện tái cấu trúc thành công các định chế tài chính, cùng sự đánh giá cao phương án tái cơ cấu HDBank đã chuẩn bị cho trọng trách này.

Trong ngành ngân hàng, HDBank được biết đến là ngân hàng thực hiện thành công hai dự án M&A, bao gồm sáp nhập một ngân hàng thương mại và mua lại một công ty tài chính. Trong đó, năm 2013 HDBank đã sáp nhập Đại Á Bank và hoàn tất quá trình kết nối, hợp nhất hệ thống công nghệ thông tin trong thời gian kỷ lục chỉ 4 tháng, đồng thời đảm bảo giao dịch an toàn, thông suốt cho mọi khách hàng, mang lại đời sống và môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động.

Cũng trong năm 2013, HDBank trở thành định chế tài chính trong nước đầu tiên mua lại một định chế tài chính có 100% vốn nước ngoài là công ty tài chính Societe Viet Finance - SGVF (công ty con của tập đoàn ngân hàng Societe Generale, cộng hòa Pháp), tiền thân của Công ty tài chính TNHH HD SAISON ngày nay.