11:02 10/05/2011

Cổ đông nội bộ hết thời lướt sóng?

Khánh Hà

Quy định mới sẽ cấm cổ đông nội bộ cùng đăng ký mua/bán cổ phiếu của doanh nghiệp mình

Không có nhà đầu tư nào sẵn lòng bỏ tiền của mình ra cho người khác cùng hưởng lợi
Không có nhà đầu tư nào sẵn lòng bỏ tiền của mình ra cho người khác cùng hưởng lợi
Theo quy định mới của dự thảo mới về hướng dẫn thực hiện công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, cổ đông nội bộ sẽ không còn được đăng ký mua và bán cổ phiếu trong cùng một thời gian nữa.

Cổ đông nội bộ đăng ký lướt sóng cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình lâu nay vẫn là nỗi bức xúc của cổ đông bên ngoài. Tổ chức đầu tư, cổ đông lớn lướt sóng còn có thể chấp nhận được vì mục đích chính của họ là đầu tư tài chính. Với những người nắm trong tay vận mệnh của doanh nghiệp, không hiểu thời gian điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh có rỗi rãi hay không, để những nhà lãnh đạo này còn dư giả thời gian “nhảy nhót” với thị trường.

Hoạt động lướt sóng của cổ đông nội bộ trở nên phản cảm vì nhiều lý do.

Thứ nhất, cổ đông nội bộ là những người nắm được nhiều nhất, sớm nhất thông tin về doanh nghiệp. Rõ ràng họ luôn có lợi thế khi giao dịch. Nghĩa vụ công bố thông tin hiện quy định rất chặt, nhưng không thể cấm họ giao dịch. Có sự mất cân đối về thông tin trong khi cơ hội giao dịch là như nhau thì rõ ràng nhà đầu tư bên ngoài bị thiệt.

Thứ hai, cũng không có quy định nào buộc cổ đông nội bộ phải thực hiện đủ các giao dịch, tức là phải mua/bán đúng số lượng đăng ký. Cho nên không thiếu gì trường hợp đăng ký mua/bán một lố, nhưng rốt cục chỉ thấy bán mà không mua, hoặc ngược lại. Lý do đưa ra như đánh đố khiến cổ đông bên ngoài có cảm giác bị lừa. Thậm chí có trường hợp “không thèm” nêu lý do!

Thứ ba, không loại trừ trường hợp cổ đông nội bộ ủy thác ngầm cho người khác giao dịch trên cơ số cổ phiếu mình đang sở hữu. Nói theo ngôn ngữ bình dân là cho mượn cổ phiếu.

Trong mấy ngày gần đây, quán quân về lướt sóng có lẽ thuộc về cổ đông nội bộ của AAA. Liên tiếp các thông báo cùng mua cùng bán khối lượng lớn. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc AAA tháng 4 đăng ký mua 500.000 cổ phiếu, bán 450.000 cổ phiếu. Kết quả chỉ thấy bán được hết mà không mua cổ nào. Lý do không mua được không thấy công bố. Giá AAA thời gian này giảm gần 13%.

Ngày 6/5 vừa qua, vị chủ tịch này lại đăng ký mua 300.000 cổ phiếu, bán 210.150 cổ phiếu. Không rõ lần này kết quả sẽ như thế nào?

Một vị thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc của AAA cũng đăng ký mua 200.000 cổ phiếu, bán 58.500 cổ phiếu. Một thành viên Hội đồng Quản trị khác đăng ký mua 200.000 cổ phiếu, bán 215.250 cổ phiếu. AAA đã từng một thời “dính” vào “nghi vấn” thao túng giá hồi tháng 8, tháng 9/2010.

Những thông báo cùng mua cùng bán như trường hợp của cổ đông nội bộ AAA không phải là hiếm. Khung pháp lý hiện tại vẫn cho phép các hoạt động như vậy. Tuy nhiên điều này có thể sẽ khác đi khi dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 09/2010/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện công bố thông tin trên thị trường chứng khoán được thực thi.

Theo dự thảo mới nhất vừa công bố để lấy ý kiến các thành viên thị trường, một điều khoản mới đã được bổ sung nhằm hạn chế tình trạng lướt sóng vô tội vạ của cổ đông nội bộ. Cụ thể, khoản 5, điều 30 (bổ sung mới) quy định cổ đông nội bộ không được đăng ký mua và bán cổ phiếu công ty niêm yết/đăng ký giao dịch trong cùng một khoảng thời gian và chỉ được đăng ký giao dịch tiếp theo khi đã báo cáo kết thúc đợt giao dịch trước đó.

Cổ đông nội bộ bao gồm: thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc, phó tổng giám đốc/phó giám đốc và kế toán trưởng; Người được ủy quyền công bố thông tin của công ty đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này theo quy định tại khoản 34 Điều 6 Luật Chứng khoán số 70/QH11/2006.

Quy định mới nếu được thực hiện sẽ hóa giải “võ” đăng ký lướt sóng của cổ đông nội bộ và “chiêu” chỉ mua chứ không bán hoặc ngược lại. Tuy nhiên, “chiêu” này vẫn có thể được các cổ đông lớn “thi triển” mà không gặp trở ngại gì.

Vừa qua, đã có trường hợp quỹ ngoại đăng ký mua cả chục triệu cổ phiếu với vài mã, trong khi bán ra thấp hơn nhiều. Trước đó, những thông tin cổ đông lớn lướt sóng để rồi kết quả giao dịch một chiều không phải là ít. Khung pháp lý cũng không thể ngăn cản những lý do “trời ơi” được đưa ra như “biến động giá không phù hợp”.

Có lẽ, cuối cùng nhà đầu tư vẫn phải tự mình hóa giải những thông tin “mồi” như vậy. Nguyên tắc cơ bản, là không có bữa ăn miễn phí, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán.