Cổ phiếu dầu khí, hóa chất, bán lẻ tăng dữ dội
Thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng phản ánh những lo ngại về diễn biến phục hồi kỹ thuật sẽ chỉ thoáng qua. Tuy nhiên đó là hạn chế khi nhìn chỉ số, còn cổ phiếu riêng lẻ vẫn đang tăng giá tích cực.
Thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng phản ánh những lo ngại về diễn biến phục hồi kỹ thuật sẽ chỉ thoáng qua. Tuy nhiên đó là hạn chế khi nhìn chỉ số, còn cổ phiếu riêng lẻ vẫn đang tăng giá tích cực.
VN-Index tăng 6.66 điểm tương đương 0,45%, mức tăng không nhiều nhưng chủ yếu là do tính chất kỹ thuật, khi nhiều trụ không mạnh. Yếu tố nhóm ngành đang trở lại, nổi bật sáng nay là các cổ phiếu ngành dầu khí, hóa chất và bán lẻ.
Giá dầu bùng nổ hai phiên liên tục khi Thượng Hải nới lỏng cách ly, cộng với thời điểm buộc thanh toán dầu Nga bằng đồng Rúp đến gần. Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng mạnh: PVC đã lên kịch trần 9,86%, PVO tăng 12,59%, PVB tăng 8,85%, PTV tăng 8,4%, PSH tăng 5,36%, PVD tăng 3,36%, GAS tăng 1,73%...
Dĩ nhiên trong số này chỉ có GAS là vốn hóa lớn đủ để ảnh hưởng tới VN-Index, nhưng mức tăng lại kém nhất. Đây cũng là hạn chế của nhóm cổ phiếu dầu khí trong tính dẫn dắt thị trường. Bù lại nhóm này thường tăng cả dàn, thậm chí liên thông đến các cổ phiếu ngành cao su, hóa chất, phân bón..
DGC bật tăng 6,62%, LAS tăng 8,94%, DCM tăng 6,62%, DPM tăng 5%, DDV tăng 6,44%, CSV tăng 5,78%, PMB tăng 5,56%, PSE tăng 5,39%... là những đại diện tiêu biểu của nhóm hóa chất phân bón. Trong số này, DGC vốn hóa khá cao, DCM, DPM cũng lọt được vào top 10 mã kéo điểm số mạnh nhất.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ có đại diện FRT kịch trần, MWG tăng 2,88%, FPT tăng 2,87%, PNJ tăng 2,67%, DGW tăng 6,31%... Trong đó MWG và FPT nằm trong Top 10.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có khá nhiều mã tăng giá, trong đó 6 mã tăng hơn 1%. VPB tăng 2,44%, OCB tăng 2,56%, SHB tăng 1,79%, ACB tăng 1,19% là đáng kể nhất. Trong số này VPB, ACB lọt Top 10.
Như vậy các nhóm cổ phiếu mạnh nhất thị trường sáng nay đều có đại diện tham giá nâng đỡ chỉ số, nhưng chỉ duy nhất GAS và VPB là đứng trong hàng ngũ Top 10 vốn hóa. Nhóm cổ phiếu tầm trung vẫn đang có đà tăng giá tốt nhất. Hạn chế dĩ nhiên là điểm số VN-Index có được sẽ không nhiều.
Mặt khác, nhóm trụ lớn nhất lại có nhiều cổ phiếu tụt dốc: MSN giảm 1,34%, VHM giảm 1,09%, NVL giảm 1,04%, VIC giảm 0,73%. Dù VN30 chỉ có 11 mã giảm giá và 16 mã tăng giá, nhưng ảnh hưởng vốn hóa là khá mạnh. Nếu các mã này thu hẹp đà giảm hoặc tốt hơn là đảo chiều thành công, sức bật của chỉ số sẽ rõ nét hơn nhiều.
Sức hút ở các cổ phiếu tầm trung nhóm dầu khí, hóa chất, bán lẻ cũng khá tốt nhưng vẫn chưa phải là những cổ phiếu có khả năng tạo siêu thanh khoản. DPM, DCM, MWG, DGC nằm trong số những mã giao dịch lớn nhất sáng nay nhưng không mã nào đạt tới ngưỡng 400 tỷ đồng. Giao dịch lớn nhất thị trường là VPB với 641,8 tỷ. HPG chỉ giao dịch 314,5 tỷ. Các mã ngân hàng khác sụt giảm thanh khoản nghiêm trọng.
Do thiếu giao dịch ở nhóm siêu thanh khoản, thị trường sáng nay tương đối chậm. Hai sàn niêm yết chỉ khớp được 10.826 tỷ đồng, giảm 11% so với sáng hôm qua và ở mức thấp nhất 20 phiên và cũng là phiên duy nhất rơi xuống ngưỡng quanh 10 ngàn tỷ đồng trong thời gian này. HoSE cũng giảm giao dịch 10%, lần đầu tiên trong 20 phiên xuống dưới mức 10 ngàn tỷ, chỉ đạt 9.791 tỷ đồng.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,42%, thanh khoản giảm 11% cùng thời điểm hôm qua. Giao dịch của 10 cổ phiếu ngân hàng trong rổ chỉ chiếm 34% cả rổ, một tỷ trọng khá thấp khi 5 phiên trước đều khoảng 40% trở lên.
Trạng thái sụt giảm thanh khoản dù có tác động khá rõ từ nhóm siêu thanh khoản như HPG, cổ phiếu ngân hàng, nhưng cũng cho thấy nhà đầu tư khá thận trọng trong việc xuống tiền. Đây là điều bình thường vì thị trường bật lại sau 3 phiên lao dốc rất nhanh khiến nhiều người lo ngại chỉ là cú nảy kỹ thuật, sau đó giảm tiếp. Tuy vậy độ rộng của HoSE hiện là cân bằng với 234 mã tăng/210 mã giảm, nhưng có 115 mã tăng trên 1% nhưng chỉ 65 mã giảm trên 1%. Như vậy biên độ tăng giá là tích cực hơn.