05:27 20/08/2021

Cổ phiếu phân bón tăng mạnh, định giá còn hấp dẫn?

An Nhiên

Mặc dù lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón vẫn còn tăng nhờ giá ure thế giới tăng cao nhưng định giá đã không còn hấp dẫn. Lưu ý rằng Chính phủ khá quan ngại việc giá phân bón ở mức cao trong tháng 4/2021, mặc dù chưa có biện pháp nào cụ thể...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo cập nhật ngành phân bón mới ra, SSI Research nhấn mạnh lợi nhuận năm 2021 của các doanh nghiệp ngành phân bón mạnh mẽ nhưng định giá cổ phiếu đã không còn hấp dẫn.

Do thiếu than, nguồn cung urea tại Trung Quốc giảm trong 6 tháng năm 2021. Cùng với giá dầu tăng, giá urea thế giới tăng.

Trong nước, tổng sản lượng sản xuất urea tại Việt Nam giảm 16% so với cùng kỳ trong quý 2/2021 (so với tăng 6% so với cùng kỳ trong quý 1/2021). Sản lượng Urea từ Vinachem (Hà Bắc và Ninh Bình) giảm 6% do nhà máy Hà Bắc bảo dưỡng trong khi nhà máy Ninh Bình gặp một số lỗi kỹ thuật. Sản lượng Urea từ Tập đoàn Petrovietnam giảm 20% do DPM bảo dưỡng (kéo dài 32 ngày trong tháng 3-tháng 4/2021). Trong khi đó, nhập khẩu tăng 627% để bù đắp thiếu cung trong nước.

Do giá urea nhập khẩu bao gồm chi phí vận chuyển cao, các công ty phân bón trong nước có thể tăng giá bán urea đủ để bù đắp chi phí khi đầu vào tăng. Giá dầu FO tăng 34% so với cùng kỳ trong quý 1/2021, 118% so với cùng kỳ trong quý 2/2021 và 67% trong 6 tháng năm 2021.

Cổ phiếu phân bón tăng mạnh, định giá còn hấp dẫn? - Ảnh 1

SSI Research ước tính nguồn cung hạn chế vẫn tiếp diễn trong 2022, do đó giá urea trên thị trường vẫn ở mức cao. 

Cụ thể, xu hướng giá ure thế giới nửa cuối năm 2021 và năm 2022, ước tính Trung Quốc có thể vẫn khan hiếm than, khiến nguồn cung phân bón giảm. Lũ lụt lớn tại Trung Quốc gần đây khiến nguồn cung càng giảm. Các quốc gia nhập khẩu phân bón phải chịu chi phí vận chuyển cao bất thường khiến giá phân bón tăng cao. Tình trạng thiếu cung tiếp diễn trong 2022, do đó giá urea trên thị trường vẫn ở mức cao.

Tại thị trường trong nước, ước tính sản xuất urea trong nước tăng từ quý 3/2021 do các nhà máy DPM, Hà Bắc và Ninh Bình hoạt động trở lại. Trong khi đó, DCM sẽ bảo dưỡng nhà máy 10 ngày trong quý 3/2021. Mặc dù sản lượng sản xuất tăng và có thể thừa cung trong nước, các công ty phân bón Việt Nam vẫn tăng giá bán so với cùng kỳ để dù đắp phần tăng giá khí đầu vào.

Trong trường hợp thừa cung urea trong nước, đặc biệt trong quý 3/2021 khi tiêu thụ các mặt hàng nông sản giảm do hạn chế vận chuyển trong giãn cách xã hội và tiêu dùng giảm do làn sóng Covid-19 bùng phát, các công ty phân bón Việt Nam có thể xuất khẩu sản lượng dư thừa và đạt lợi nhuận cao nhờ giá bán urea trên thị trường quốc tế ở mức cao.

Giá ure tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Giá ure tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Rủi ro với ngành là khả năng gián đoạn sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là DPM do làn sóng Covid-19 bùng phát. Việt Nam có thể thắt chặt việc xuất khẩu urea để duy trì đảm bảo lương thực và hạ nhiệt giá thị trường urea. Lưu ý rằng Chính phủ khá quan ngại việc giá phân bón ở mức cao trong tháng 4/2021, mặc dù chưa có biện pháp nào cụ thể.

SSI Research điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận 2021 đối với DPM tăng 75% và DCM tăng 62%. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu DPM và DCM có thể vẫn duy trì đà tăng nhờ tăng trưởng lợi nhuận đáng khích lệ trong nửa cuối 2021, 46% đối với DPM và 60% đối với DCM nhờ giá urea tăng.

SSI Research tăng giá mục tiêu đối với DPM từ 19.700 đồng/cổ phiếu lên 32.000 đồng/cổ phiếu và DCM từ 19.100 đồng/cổ phiếu lên 25.000 đồng/cổ phiếu dựa trên ước tính 2022. Định giá cổ phiếu hiện tại đã ở mức cao. Do đó, SSI khuyến nghị trung lập đối với DPM giảm 8% so với giá hiện tại, tỷ suất cổ tức 5%, ROI -3% và DCM tăng 7% so với giá hiện tại, tỷ suất cổ tức 4%, ROI 11%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DCM và DPM đã phi mã suốt thời gian gần đây nhờ triển vọng giá ure tăng cao. Chốt phiên giao dịch hôm nay 19/8, DPM ở mức giá 34.900 đồng/cổ phiếu, tăng 76% trong vòng một tháng; DCM ở mức giá 23.400 đồng/cổ phiếu, tăng 43%.