23:10 07/09/2021

Cổ phiếu "tí hon" tăng giá gấp thếp, vốn hóa vài tháng "nở" ra ngàn tỷ

Thu Minh

Hàng loạt cổ phiếu vừa và nhỏ tăng sốc gần đây bất kể biến động thị trường, trong đó có những mã tăng đến vài lần chỉ trong vòng một tháng. Quy mô vốn hóa doanh nghiệp trong thời gian ngắn đột biến cả ngàn tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tháng 8 là tháng của dòng tiền đầu cơ đi “đánh bắt”. Vn-Index kết thúc tháng ghi nhận mức tăng 1,64% lên 1.331,47 điểm, động lực chính đến từ nhóm VNMidcap và VNSmallcap khi mà Vn30 diễn biễn trở nên kém tích cực hơn. Cổ phiếu VNSmallcap và VNMidcap tăng mạnh bất kể sự biến động của toàn thị trường, trong đó có những cổ phiếu tăng sốc đến vài lần chỉ trong vòng một tháng.

TGG của Công ty CP Louis Capital là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong danh sách cổ phiếu tăng giá chóng mặt trong vòng một tháng trở lại đây. Kể từ đầu tháng 8 tới nay, TGG đã tăng hơn 3 lần, từ vùng giá 11.900 đồng/cổ phiếu, chốt phiên giao dịch hôm nay ở giá 37.750 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ đầu năm, giá cổ phiếu TGG đã tăng 37 lần. Hồi đầu năm, cổ phiếu TGG được thị trường định giá ở mức hơn 1.000 đồng/cổ phiếu.

Vốn hóa thị trường của TGG nhờ đó cũng tăng đáng kể, từ 143 tỷ đồng đầu năm hiện tại lên đến 1.031 tỷ đồng.

Louis Capital, trước đây là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang - một đơn vị chuyên thi công xây lắp các công trình dân dụng, khu du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng. Câu chuyện cổ phiếu tăng sốc của TGG bắt đầu từ khi Công ty CP Tập đoàn Louis Agro mua gần 1,4 triệu cổ phiếu TGG, tương đương 5,11% vốn từ ông Đỗ Thành Nhân ngày 21/6/2021. Đến ngày 5/7, Louis Agro tiếp tục mua thêm 151.800 cổ phiếu TGG để nâng sở hữu lên 6,44% vốn. Sau khi Louis Agro trở thành cổ đông lớn, Xây dựng và Đầu tư Trường Giang đổi tên thành Louis Capital.

Trước đó, TGG từng kinh doanh sa sút, thua lỗ, đến năm 2020 lỗ lũy kế 34,4 tỷ đồng dẫn đến kiểm toán viên nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục. Đến 3 tháng đầu năm nay, TGG vẫn lỗ 344 triệu đồng. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý 2 trở đi có lãi hơn 42 tỷ đồng và không còn khoản lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2021. Trong năm nay, công ty đặt kế hoạch đạt 70 tỷ đồng doanh thu, gấp 7 lần thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 2 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 43 tỷ năm ngoái.

Đầu năm 2021, TGG chỉ có giá hơn 1.000 đồng/cổ phiếu. 
Đầu năm 2021, TGG chỉ có giá hơn 1.000 đồng/cổ phiếu. 

Cũng nằm trong hệ sinh thái “Louis”, cổ phiếu BII của Công ty CP Louis Land - trước đây là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư cũng kịch trần suốt mấy phiên gần đây. Tính từ thời điểm đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu này tăng gần gấp 3 lần, hiện đang giao dịch xung quanh vùng giá 20.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của BII nhờ đó cũng tăng mạnh từ 397 tỷ đồng thời điểm tháng 6 lên 1.188 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

Trước khi về chung nhà với TGG, BII kinh doanh cũng thua lỗ bết bát không kém, lỗ lũy kế đến năm 2020 là 22 tỷ đồng, năm 2019 lỗ lũy kế 73 tỷ đồng. Từ tháng 3 đầu năm, ông Đỗ Thành Nhân cũng liên tục mua vào tăng sở hữu cổ phần tại BII. Sau khi có sự xuất hiện của Louis Gro, BII kinh doanh khả quan hơn hẳn. Ban lãnh đạo của BII, ước tính năm 2021 doanh thu của Công ty đạt khoảng 300 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng.

Công ty CP Sametel (SMT - UpCOM) mới đây cũng đã được TGG hoàn tất thâu tóm. Từ ngày 19/8 tới nay, 11 phiên giao dịch SMT kịch trần liên tục, từ giá 7.000 đồng/cổ phiếu chốt phiêú lên gần 20.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 3 lần. Game M&A đã thu hút dòng tiền đầu cơ tập trung vào cổ phiếu SMT, trước đó gần như không có mua bán giao dịch gì trên thị trường thanh khoản những phiên gần đây được cải thiện, riêng phiên 7/9 có gần 250.000 cổ phiếu được sang tay, dư mua gần 600.000 cổ phiếu. Trong khi SMT kinh doanh lỗ triền miên. 6 tháng đầu năm 2021, SMT lỗ 4,2 tỷ đồng, tương đương với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái.

SMT tăng kịch trần nhiều phiên liên tiếp chưa có dấu hiệu dừng lại. 
SMT tăng kịch trần nhiều phiên liên tiếp chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Sóng cổ phiếu ngành dược cũng đã “thổi” VMD của Công ty Y Dược Vimedimex tăng kịch trần 18 phiên liên tiếp với mức độ tăng gần 4 lần trong vòng một tháng, từ vùng giá 23.000 đồng/cổ phiếu lên 82.400 đồng. Đà tăng của VMD được hỗ trợ bởi thông tin tích cực nhập khẩu vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Trước đó, ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Vimedimex nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam. Theo lịch dự kiến của VMD đơn hàng đầu tiên về Việt Nam vào cuối tháng 8 nếu được cấp phép.

Tuy nhiên, đến nay đã hết tháng 8, bước sang tháng 9 gần một tuần nhưng thông tin nhập khẩu vaccine của VMD vẫn "bặt âm vô tín". 

Quý 2/2021, VMD báo lãi sau thuế 9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nợ phải trả của VMD hiện là 6.723 tỷ đồng, gấp 18 lần so với vốn chủ sở hữu (375 tỷ đồng). Trên thị trường, sau chuỗi ngày tăng rực rỡ, VMD chính thức đổ đèo hiện còn 71.400 đồng, giảm 13% trong vòng 2 phiên. Trong thời gian cổ phiếu VMD ở vùng đỉnh, lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký bán ra hàng trăm nghìn cổ phiếu chốt lời thu tiền tỷ.

Tuy vậy, với hơn 15 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của VMD cũng tăng đáng kể, từ 375 tỷ đồng cuối tháng 7 lên 1.102 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

VMD quay đầu sau 18 phiên kịch trần liên tiếp. 
VMD quay đầu sau 18 phiên kịch trần liên tiếp. 

Covid-19 giáng một đòn chí mạng xuống các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề của nền kinh tế song lại là niềm vui lớn với nhóm logistics, cảng biển hưởng lợi nhờ việc thiếu trầm trọng container, giá cước vận tải tăng cao.

Nổi bật nhất là Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (VOS). Nhiều năm nay, VOS thua lỗ không hẹn ngày có lãi thì bất ngờ quý 2/2021 lãi lên đến 241 tỷ đồng, vượt gấp 7 lần chỉ tiêu lãi trước thuế 2021. Các đội tàu của công ty hoạt động ổn định và hiệu quả hơn, VOS cũng tiếp tục ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu hàng khô và tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chi phí.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VOS đã tăng 2,6 lần kể từ đầu tháng 8. Chốt phiên giao dịch hôm nay thị giá ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể với khối lượng trung bình 7-8 triệu cổ phiếu được khớp mỗi phiên. Trước đó, trong giai đoạn tháng 6, cổ phiếu VOS còn giao dịch xung quanh vùng giá trà đá 4.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đì đẹt chỉ vài trăm nghìn cổ phiếu được giao dịch mỗi ngày. Ở thời điểm đó, vốn hóa của VOS cũng chỉ loanh quanh hơn 500 tỷ đồng nhưng hiện tại đã tăng lên hơn 2.429 tỷ đồng.

Những năm tháng rực rỡ khó quên của cổ phiếu VOS.
Những năm tháng rực rỡ khó quên của cổ phiếu VOS.

Tăng giá “sốc” để trở thành "người khổng lồ" cũng không thể không nhắc đến cổ phiếu POB của Công ty CP Dầu khí Thái Bình. Chỉ hơn 2 tuần giao dịch, từ 23/8 đến 7/9, cổ phiếu POB đã tăng 3,2 lần từ vùng 17.000 đồng/cổ phiếu lên đến 55.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản lìu tìu trước đó cũng vài nghìn cổ phiếu cũng được cải thiện đáng kể lên đến trung bình 15.000 cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận hơn 394 tỷ đồng doanh thu, tăng 45% so với cùng kỳ, hoàn thành 64% kế hoạch. Kết quả này đạt được nhờ giá bán lẻ xăng dầu tăng trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái liên tục giảm; ngoài ra sản lượng cũng tăng 28% lên 34.207 m3. Công ty này không có vay nợ tài chính.

Diễn biến cổ phiếu POB.
Diễn biến cổ phiếu POB.

Không chỉ những cổ phiếu trên, hàng loạt mã penny trên thị trường cũng nổi sóng trong suốt tháng 8 như CDP, SPM, DBT…

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó, lãi suất ngân hàng thấp, chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, vì thế, sau khi rút khỏi nhóm VN30, Ngân hàng, Chứng khoán, dòng tiền tiếp tục chạy sang nhóm penny, midcap tìm kiếm cơ hội sinh lời. Game mua bán sáp nhập, kết quả kinh doanh tích cực hay vaccine, giá cước vận tải biển, đầu tư công… cũng chỉ là cái cớ để nhóm penny trỗi dậy.

Trong tháng 8, nếu như thanh khoản nhóm VN30 giảm 4% so với tháng trước thì VNSmall ghi nhận mức tăng trưởng thanh khoản cao (+102% so với tháng trước), VNMid cũng tăng trưởng thanh khoản ấn tượng (+71% so với tháng trước). Cổ phiếu VN Small và VN Mid tăng mạnh bất kể sự biến động của toàn thị trường.

Những điều này cho thấy dòng tiền đầu cơ ngắn hạn và rủi ro gia tăng vì dòng tiền này có thể dịch chuyển nhanh ra khỏi thị trường. Trên thực tế, đến phiên hôm nay 7/9, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã sụt giảm hàng loạt. Chỉ số VnSmall giảm 2,1% với 141 mã giảm, 42 mã tăng. VNMid cũng giảm 1,3%. Nhiều nhà đầu tư mua đuổi trong phiên hôm qua có thể đã thua lỗ rất nặng.