16:51 26/08/2021

Cốc Cốc tố Google “chơi xấu”, cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam

Thủy Diệu

Cốc Cốc vừa phát đi thông tin tố Google “chơi xấu” khiến hãng buộc phải chuyển sang sử dụng tác nhân người dùng (user agent) của Google Chrome trên cả hai nền tảng di động và máy tính kể từ tháng 9/2021...

Ông Nguyễn Vũ Anh, Phó Tổng Giám đốc của Cốc Cốc.
Ông Nguyễn Vũ Anh, Phó Tổng Giám đốc của Cốc Cốc.

Công ty TNHH Cốc Cốc (đơn vị sở hữu trình duyệt Cốc Cốc) cho rằng, đây là giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa, đồng thời bảo vệ người dùng khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách chặn truy cập trên nhiều trang web, dịch vụ của Google.

HÀNH VI "CHƠI XẤU" CỦA GOOGLE

Tác nhân người dùng - User agent (viết tắt: UA) - là một chuỗi văn bản giúp định danh trình duyệt khi kết nối tới các trang web. Các trình duyệt khác nhau sẽ có chuỗi UA riêng biệt khác nhau. Giải thích một cách đơn giản hơn, chuỗi UA sẽ giúp xác định được người dùng đang truy cập bằng trình duyệt nào, hệ điều hành gì và thậm chí là cả loại thiết bị (di động, máy tính hay máy tính bảng) mà họ đang sử dụng chỉ nhờ quá trình duyệt web thông thường.

Chuỗi UA trong hình ảnh cho biết người dùng đang sử dụng trình duyệt Chrome phiên bản 60, trên nền tảng máy tính với hệ điều hành Window 10.
Chuỗi UA trong hình ảnh cho biết người dùng đang sử dụng trình duyệt Chrome phiên bản 60, trên nền tảng máy tính với hệ điều hành Window 10.

Cốc Cốc cho biết, thông qua các chuỗi UA, Google đã liên tục chặn Cốc Cốc trong một số dịch vụ của họ. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến chính là hồi tháng 5 vừa qua, người dùng Cốc Cốc không thể đăng nhập bằng tài khoản của Google như Gmail để đồng bộ trên trình duyệt. Đây là một động thái cạnh tranh không công bằng giữa các đối thủ trong cùng một thị trường - trình duyệt và công cụ tìm kiếm.

Chuỗi UA ngày càng trở nên phổ biến nhờ khả năng giúp các trang web tinh chỉnh hiệu suất, tính năng; tránh bị lỗi (bugs) khi duyệt web hoặc loại bỏ những trình duyệt lỗi thời. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, hiện một số đơn vị đã lợi dụng các chuỗi UA để chặn người dùng truy cập vào nhiều trang web, dịch vụ trên Internet.

Đây cũng là tình trạng xảy ra ở một số trang web, khi người dùng Cốc Cốc truy cập những trang web này, sẽ có hiển thị cảnh báo với nội dung “hãy thay đổi trình duyệt của bạn sang Chrome” hoặc “vui lòng cập nhật trình duyệt của bạn”.

Google sử dụng sản phẩm của họ để đề xuất người dùng chuyển sang Google Chrome - Nguồn: Cốc Cốc.
Google sử dụng sản phẩm của họ để đề xuất người dùng chuyển sang Google Chrome - Nguồn: Cốc Cốc.

“Hành vi “chơi xấu” này của Google không chỉ làm triệt tiêu tự do số, tăng cường thế độc quyền cho Google trên thị trường, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến Cốc Cốc, khiến hoạt động của những tính năng này trên Cốc Cốc không ổn định, gây ra gián đoạn và phiền nhiễu cho người dùng thông qua quá trình sử dụng”, Cốc Cốc khẳng định.

Trình duyệt Cốc Cốc được xây dựng và phát triển trên mã nguồn Chromium tương tự như Google Chrome, Microsoft Edge, Opera Browser,... Ngoài ra, Cốc Cốc còn phát triển thêm nhiều bộ tính năng dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dùng và thường xuyên được cập nhật trong các phiên bản. Vì vậy, những lệnh cấm truy cập nêu trên đối với người dùng Cốc Cốc là hoàn toàn không có lý do chính đáng.

“Điều này cũng buộc Cốc Cốc phải chuyển thông tin chuỗi UA của mình sang sử dụng của Google Chrome. Việc chuẩn bị và triển khai chuyển đổi UA đã được Cốc Cốc thực hiện từ nhiều tháng trước và hoàn thành vào cuối tháng 8/2021”, thông tin của hãng trình duyệt này cho hay.

VÌ SAO GOOGLE "CHƠI XẤU"?

Trong thông tin gửi tới báo chí, Cốc Cốc cũng cho rằng, phải chăng là do hiện Cốc Cốc là một trong số ít những đối thủ nội địa của Google và sở hữu sản phẩm có nhiều điểm tối ưu hơn sản phẩm cạnh tranh - Google Chrome, nên mới bị Google “chơi xấu”.

 
"Cốc Cốc là một trong số ít những đối thủ tại thị trường nội địa của Google. Trên thế giới chỉ có khoảng 10 công cụ tìm kiếm và trình duyệt nội địa có khả năng cạnh tranh với “ông lớn” này".
Ông Nguyễn Vũ Anh, Phó Tổng Giám đốc của Cốc Cốc.

Hãng này phân tích, cụ thể như tối ưu ở những tính năng do Cốc Cốc nghiên cứu và phát triển dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dùng Việt Nam, chỉ có riêng trên Cốc Cốc mà không có sẵn trên Chrome hay các nền tảng khác. Những tính năng này được người dùng Cốc Cốc vô cùng yêu thích, tuy nhiên sẽ đe dọa sự phát triển của các sản phẩm của Google. 

Đánh giá về tác động của việc chuyển chuỗi UA đối với người dùng, đội ngũ Cốc Cốc cho biết, việc thay đổi chuỗi UA chỉ liên quan đến mặt kỹ thuật. Cốc Cốc đã triển khai thử nghiệm việc chuyển đổi này trong thời gian dài. Kết quả cho thấy người dùng sẽ không bị ảnh hưởng. Thậm chí họ còn được lợi do không bị chặn bởi các trang web, dịch vụ của Google nữa. 

Ông Nguyễn Vũ Anh, Phó Tổng Giám đốc của Cốc Cốc cho biết: “Cốc Cốc là một trong số ít những đối thủ tại thị trường nội địa của Google. Trên thế giới chỉ có khoảng 10 công cụ tìm kiếm và trình duyệt nội địa có khả năng cạnh tranh với “ông lớn” này. Có thể chính vì vậy mà Cốc Cốc luôn gặp những khó khăn trong việc phát triển người dùng khi đối thủ của mình tận dụng lợi thế độc quyền vô cùng lớn của họ. Điển hình là việc sử dụng UA để chặn Cốc Cốc khỏi một số dịch vụ của Google như thời gian gần đây. Đây chắc chắn là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.

“Sau khi xem xét kỹ lưỡng, đội ngũ Cốc Cốc nhất trí đặt trải nghiệm của người dùng và tính ổn định cho sản phẩm lên trên nhất. Do đó, chúng tôi chấp nhận bỏ đi "đặc điểm nhận dạng" của mình - chính là thông tin về UA, chấp nhận khả năng sụt giảm trong một số công cụ thống kê và chuyển sang sử dụng chuỗi UA của Google Chrome”, vị Phó Tổng Giám đốc của Cốc Cốc cho hay.

Cốc Cốc không phải là đơn vị đầu tiên phải chuyển các tác nhân người dùng sang Google Chrome để có quyền truy cập vào các trang web khác nhau. Trước đó, trình duyệt Brave hay Vivaldi cũng đã có những động thái tương tự sau khi bị “chơi xấu” trong một thời gian dài.

Dù không có ảnh hưởng đối với người dùng song ở chiều ngược lại, về phía Cốc Cốc, việc thay đổi các chuỗi UA được dự báo sẽ làm sụt giảm số liệu thống kê về người dùng, thị phần, ở các đơn vị thống kê... trong khi những con số này trên thực tế lại không hề giảm. Nguyên nhân là bởi hiện nay, một số đơn vị thống kê như Statcounter đều sử dụng chuỗi UA để định danh, tổng hợp số liệu người dùng cho các trình duyệt.

Khi sử dụng chung mã UA, các đơn vị trên sẽ không thể phân biệt giữa người dùng Cốc Cốc và người dùng Google. Ông Nguyễn Vũ Anh cho biết, Cốc Cốc sẽ nỗ lực làm việc với các đơn vị thống kê, cung cấp những số liệu tổng hợp nội bộ về thị phần, người dùng một cách khách quan mà không cần thông qua chuỗi tác nhân người dùng.