11:27 15/11/2021

“Cơn điên” UPCoM và lời cảnh báo đắt giá “khi thuỷ triều rút”

An Nhiên

Warren Buffett từng ví von rằng “chỉ khi thủy triều rút thì bạn mới phát hiện ai đang bơi mà không mặc quần áo”. Trong cơn sóng đầu cơ cũng vậy, khi kết thúc sóng thần, mới biết ai là người “đau đớn” nhất...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường với hiệu ứng "FOMO" đã dựng ngược cổ phiếu penny mà chủ yếu là ở sàn UPCoM trong tuần giao dịch vừa qua. Kết thúc tuần, có tới 127 cổ phiếu trên sàn UPCoM tăng hết biên độ, tương ứng mức tăng trong ngưỡng 14%-15%. Đây cũng là phiên ghi nhận mã kịch trần nhiều nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong đó có rất nhiều cổ phiếu ghi nhận thanh khoản tăng vọt như L12 của Licogi 12 (UPCoM: L12), CMT của Công nghệ mạng và Truyền thông (UPCoM: CMT), TL4 của Xây dựng Thủy lợi 4 (UPCoM: TL4), XMC của Bê tông Xuân Mai (UPCoM: XMC)...

"SÓNG THẦN" UPCOM

Thật ra không phải đến lúc này cổ phiếu penny mới dậy sóng, làm mưa làm gió thị trường mà từ trước đấy, hầu hết cổ phiếu trên sàn HNX cũng đã có độ tăng đáng kể. Đáng nói là ở chỗ, nếu như các cổ phiếu đầu cơ giai đoạn trước (tháng 8,9) còn phần nào dựa vào kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì đà tăng của các mã trên sàn UPCoM, HNX trong giai đoạn này ngược lại, thách thức mọi phân tích cơ bản.

Kinh doanh càng thua lỗ, cổ phiếu càng tăng cao, đó là trường hợp của HUT của "ông trùm" BOT Tasco. Công ty Cổ phần Tasco (mã HUT) có kết quả kinh doanh bết bát, liên tục thua lỗ, cụ thể quý 3 công ty lỗ 72 tỷ đồng, quý 2 lỗ 49 tỷ đồng, quý 1 lỗ 24 tỷ đồng. HUT đã có 7 quý liên tiếp lỗ lớn, quý 4/2020 công ty lỗ tới 153 ỷ đồng, quý 3/2020 lỗ 80 tỷ đồng, quý 2/2020 lỗ 12 tỷ đồng. Song, cổ phiếu HUT vẫn tăng giá từ 4.200 đồng đầu năm 2021 lên mức 14.200 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 12/11, tương ứng tăng tăng gấp 3,2 lần.

Một trường hợp khác tương tự là CEO của Tập đoàn C.E.O. Mã CEO "tím" liên tiếp 5 phiên liền, thị giá tăng chóng mặt hơn 50%, tức từ 12.500 đồng lên mức 19.900 đồng/cổ phiếu trong vòng một tuần. Cứ ngỡ doanh nghiệp có đột biến trong kinh doanh dẫn đến cổ phiếu tăng nóng. Song, công ty này đã có 3 quý lỗ liên tiếp, quý 1 lỗ 38 tỷ đồng, quý 2 lỗ 126 tỷ đồng, quý 3 lỗ 58 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Liên tục thua lỗ, dòng tiền kinh doanh của CEO đã âm gần 144 tỷ đồng.

Năm 2021, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. Với đà này, CEO rất khó có thể đạt được kế hoạch kinh doanh đưa ra hồi đầu năm 2021.

“Cơn điên” UPCoM và lời cảnh báo đắt giá “khi thuỷ triều rút” - Ảnh 1

Một số doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thụt lùi nhưng cổ phiếu vẫn tím lịm như ANT của Công ty CP Rau quả Thực phẩm An Giang. Năm 2021, ANT đặt mục tiêu doanh thu 420 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020 nhưng lợi nhuận giảm còn 10 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm 2020. Cổ phiếu ANT tăng giá gấp đôi từ 10.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 8 lên gần 20.000 đồng phiên giao dịch hôm nay 15/11.

Thậm chí, nhiều trường hợp gần như chẳng có bất cứ một thông tin gì về doanh nghiệp nhưng cổ phiếu vẫn cứ bốc đầu vô cớ. Đơn cử như L12 của Licogi 12 (UPCoM), chỉ trong vòng 2 tuần giao dịch, thị giá L12 tăng gấp 4 lần từ vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu lên 24.700 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cải thiện đáng kể cá biệt có phiên gần 200.000 cổ phiếu được sang tay trong khi trước đó hầu như không có giao dịch. Đến thời điểm này, L12 cũng chưa công bố bất kỳ kết quả kinh doanh nào của năm 2021.

“Cơn điên” UPCoM và lời cảnh báo đắt giá “khi thuỷ triều rút” - Ảnh 2

Tương tự, CMT của Công nghệ mạng và Truyền thông (UPCoM) cũng tăng gấp đôi từ vùng giá 20.000 đồng lên 40.000 đồng trong vòng 2 tuần giao dịch, trong khi đó, những thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng bặt âm vô tín.

Rất nhiều cổ phiếu khác trên sàn UPCoM đang được nhà đầu tư mua theo "tin đồn" về lợi nhuận của doanh nghiệp hay chỉ cần động thái mua vào cổ phiếu của cổ đông lớn cũng khiến dòng tiền đầu cơ "bu đến" tìm lợi nhuận như cổ phiếu ACS của Công ty CP Xây lắp Thương mại 2, khi cổ đông lớn Nguyễn Quang Khanh mua vào 54.250 cổ phiếu cũng đã kéo giá cổ phiếu kịch trần nhiều phiên liên tiếp.

THUỶ TRIỀU RÚT MỚI BIẾT AI LÀ NGƯỜI "TẮM TRUỒNG"!

Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào chứng khoán tìm kiếm cơ hội sinh lời trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó thì việc đổ vào nhóm nào cơ hội "tiền đẻ ra tiền" tốt nhất là điều hiển nhiên.

Nhìn lại sự dịch chuyển từ vài tháng nay, từ chỗ ưu tiên cổ phiếu Blue-chips với giá trị khớp lệnh luôn chiếm 45-50% tổng sàn HOSE thì từ tháng 10 trở lại đây chỉ còn chiếm dưới 40%, còn đại diện nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ là VNMid và VnSML trong vòng nửa tháng trở lại đây đều duy trì ở mức trên 50%. 2 tuần trở lại đây, dòng tiền có xu hướng tìm đến sàn UPCoM và giá trị giao dịch sàn này tuần qua lên ngưỡng kỷ lục lịch sử, với bình quân 3.140 tỷ đồng/phiên.

Giá trị giao dịch kể từ đầu năm 2021.
Giá trị giao dịch kể từ đầu năm 2021.

Tuy nhiên, rủi ro chính ở chỗ nhà đầu tư đang giao dịch theo kiểu "đánh bạc" khi gần như không có nhiều thông tin về doanh nghiệp. Hầu hết các mã trên sàn UPCoM công bố thông tin cực kỳ chậm, đây là tiêu chuẩn thấp của sàn này chứ cũng không hẳn có lỗi gì đặc biệt.

Thậm chí, ngay cả tiêu chuẩn công bố báo cáo thấp thì hàng chục doanh nghiệp ở đây vẫn bị nhắc nhở chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên – căn cứ duy nhất để đánh giá kết quả kinh doanh, trong khi các doanh nghiệp niêm yết hầu hết đã công bố hết báo cáo quý 3/2021. Sự chậm trễ công bố thông tin càng khiến nhà đầu tư dễ rơi vào "cạm bẫy" tin đồn về lợi nhuận mà doanh nghiệp book trong quý, hay trong năm.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Hội sở của Mirae Asset Việt Nam cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất là ngành ngân hàng thiếu câu chuyện tạo ra sự kỳ vọng do áp lực tăng trưởng về lợi nhuận và nợ xấu, vì vậy, dòng tiền cần một nơi để thoả mãn. Bên cạnh đó, với sự dẫn động của các tư vấn viên cũng như tâm lý đầu cơ hội tụ, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đặc biệt là có tính "ăn nhanh" (biên độ lớn – mạo hiểm cao) thuộc sàn HNX và UPCoM được lựa chọn là điều hợp lý.

Ông Huỳnh Minh Tuấn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn.

Một yếu tố nữa là các nhà đầu tư lớn am hiểu tâm lý đám đông nên đã chuẩn bị trước như "gom hàng" ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trước, sau đó thực hiện “định hướng, dẫn động đám đông" để hiện thức hoá lợi nhuận. Đây là bối cảnh quen thuộc của hơn 10 năm về trước tương đồng với giai đoạn 2011-2012.

Đối với một cuộc đầu cơ như hiện tại, chuyên gia đến từ Mirae Asset liên tưởng đến câu nói nổi tiếng trong đầu tư "thủy triều rút mới biết ai là người tắm truồng". Hiện tượng này có tính lặp lại qua hàng trăm con sóng lớn nhỏ trong 21 năm tồn tại và đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam. Rủi ro ngắn và trung hạn như tính đầu cơ cao đi kèm nền tảng yếu ở rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết. Vì vậy, nhà đầu tư cá nhân cần trang bị nhiều hơn về kỹ năng và kiến thức lựa chọn cổ phiếu để cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận.

Ông Phan Linh, một nhà đầu tư chuyên nghiệp, cho rằng, trước đây, theo quan sát sóng penny chạy thường là tín hiệu của cuối sóng nhưng thực sự ở giai đoạn này mọi thứ đã khác. Lượng tiền liên tục đổ vào thị trường khiến cho các cổ phiếu penny nói riêng và thị trường nói chung liên tục lập những đỉnh mới. Nên việc dự đoán sóng này kéo dài được bao lâu là rất khó.

Trong cơn sóng này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quên mất những nguyên tắc lựa chọn cổ phiếu và quản trị rủi ro của mình. Họ bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận trên những cổ phiếu không có nền tảng kinh doanh tốt nhưng tăng giá mạnh. Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn chưa quan tâm đến việc phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp ngay ở cả trên HOSE và HNX chứ chưa nói gì đến UPCoM. 

"Sẽ rất rủi ro nếu không có kiến thức và lựa chọn nhầm vào những cổ phiếu rác không có nền tảng cơ bản. Do đó, nhà đầu tư trước khi tham gia nên tìm hiểu kỹ về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, lựa chọn những điểm mua tối ưu và có một phương án quản trị rủi ro chặt chẽ để tránh rơi vào bẫy của những cổ phiếu rác", ông Linh khuyến cáo.