Còn tình trạng “nợ đọng tiêu chí” vẫn đạt chuẩn nông thôn mới
"Có xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng lại không bằng xã chưa đạt, còn tình trạng chạy theo thành tích để đạt chỉ tiêu được phân bổ. Thậm chí cho nợ tiêu chí để được công nhận"..
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh nội dung này tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 27/7 về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
CÒN CHẠY THEO THÀNH TÍCH ĐỂ ĐẠT CHỈ TIÊU?
Thảo luận về kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá, ngoài những tiêu chuẩn chung, từng địa phương vẫn quy định riêng các tiêu chí theo đặc thù, tùy theo điều kiện ngân sách nên còn chênh lệch tiêu chuẩn về nông thôn mới.
“Thực tế là có xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng lại không bằng xã chưa đạt, còn tình trạng chạy theo thành tích để đạt chỉ tiêu được phân bổ. Thậm chí có xã muốn đạt chỉ tiêu về chuẩn nghèo nên nhập hai hộ nghèo thành một, tình trạng cho nợ tiêu chí để được công nhận vẫn xảy ra, nhất là tiêu chí về môi trường, nước sạch, giao thông, trường học…”, đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn chứng.
Theo đại biểu, từ bất cập xảy ra tại một số địa phương do chạy theo phong trào, dẫn đến chất lượng xã nông thôn mới đạt chuẩn chưa cao. “Một số cán bộ, người dân còn thờ ơ, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước và nguồn xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng. Có nơi rất khó vận động, nhất là hiến đất làm đường, cá biệt có gia đình không muốn thoát nghèo để nhận sự trợ cấp thường xuyên của nhà nước và tài trợ”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Bên cạnh đó, dù có xã đã đạt chuẩn nhưng do hạ tầng xuống cấp, không được đầu tư của chính quyền và người dân để sửa chữa dẫn đến trở lại không đạt. “Đa phần người dân cho rằng, đã hiến đất làm đường, bớt ngày công làm cho các công trình hạ tầng xã hội là xong, phần việc sau này là của chính quyền. Mà lẽ ra xây dựng nông thôn mới thì người dân là chủ thể, dẫn đến việc có xã đạt chuẩn giờ trở lại không đạt, giống như là tái nghèo”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Vì vậy, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, theo đại biểu cần đầu tư hỗ trợ cho các xã chưa đạt chuẩn, các xã khó khăn để xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu…từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền trong cả nước.
Ngoài ra, việc hỗ trợ các huyện, xã để đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn kiểu mẫu là cần thiết nhưng cũng cần rạch ròi về lĩnh vực cụ thể, “tránh có cơ chế xin – cho”. Đồng thời, cần quy định rõ tỷ lệ hỗ trợ là bao nhiêu trong tổng ngân sách chung để không ảnh hưởng và giảm mức đầu tư cho các xã, huyện mới trong chương trình chung.
TRÁNH TIÊU CHÍ “QUÁ SỨC” VỚI ĐỊA PHƯƠNG
Cũng cho rằng còn nhiều hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề xuất rà soát lại tiêu chí về tỷ lệ phấn đấu có ít nhất 60% thôn, bản, ấp thuộc xã đặc biệt khó khăn hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Bên cạnh đó, cần quan tâm giải pháp về huy động nguồn lực trong nhân dân, bởi vì xây dựng nông thôn mới thì người dân phải là chủ thể.
Về cơ chế hỗ trợ ngân sách Trung ương cho địa phương, đại biểu Mai Văn Hải cho biết, lần này chương trình dự kiến bố trí nguồn ngân sách Trung ương khoảng 62% so với chương trình giai đoạn 2016 - 2020. “Tôi cho rằng tỷ lệ này hơi ít, đề nghị Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ cho các địa phương còn phải cân đối ngân sách từ Trung ương, thay vì chỉ hỗ trợ cho những đơn vị phải cân đối ngân sách Trung ương từ 60% trở lên.
Bởi vì, trong những năm tiếp theo, việc thu ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều thách thức, do tình hình dịch bệnh Covid-19. Những xã, huyện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn trước”, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất. Góp ý kiến về vấn đề nguồn lực, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, trong xây dựng, ban hành tiêu chí, định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đây, cần tính đến yếu tố đặc thù của từng vùng miền, diện tích tự nhiên ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo…để các địa phương ở vùng khó khăn có thêm nguồn lực triển khai.
Còn theo đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, để khắc phục những bất cập về các tiêu chí chưa phù hợp với từng vùng miền, cần nghiên cứu và ban hành tiêu chí quốc gia về nông thôn mới phù hợp hơn.
“Các tiêu chí cần linh hoạt, sát với thực tiễn và có tính khả thi, tránh quá sức với nhiều địa phương. Đặc biệt, cần hướng nhiều hơn đến nhu cầu của người dân, đưa yếu tố đo lường sự hài lòng của người dân thành một tiêu chí đánh giá.
Việc này cần được xem xét định kỳ chứ không phải chỉ đến khi khi công nhận địa phương đạt chuẩn, nhất là với hai tiêu chí thu nhập và môi trường”, đại biểu Trần Thị Vân nhìn nhận.