08:04 09/04/2009

Công bố thông tin: Chuyện cũ luôn… mới

Minh Đức

“Đừng đề cập đến câu chuyện báo cáo tài chính của BBT nữa. Như thế chỉ xát thêm muối vào lòng cổ đông…”

Vẫn là câu hỏi có nên điều chỉnh các quy định công bố thông tin hiện hành, có tăng cường sự chấn chỉnh và chế tài xử phạt, hay để tiền lệ nối dài tiền lệ?
Vẫn là câu hỏi có nên điều chỉnh các quy định công bố thông tin hiện hành, có tăng cường sự chấn chỉnh và chế tài xử phạt, hay để tiền lệ nối dài tiền lệ?
“Đừng đề cập đến câu chuyện báo cáo tài chính của BBT nữa. Như thế chỉ xát thêm muối vào lòng cổ đông…”.

Đó là nội dung phản hồi của một bạn đọc gửi về VnEconomy trước thông tin về trường hợp của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (mã BBT, sàn HOSE) trong năm 2008.

Nhưng câu chuyện soát xét, công bố báo cáo tài chính, công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết vẫn luôn mới cho đến thời điểm này. Và trước thềm hạn nộp báo cáo thường niên năm 2008 (ngày 10/4/2009), tại hội nghị các công ty niêm yết tổ chức tại Hà Nội sáng 8/4, câu chuyện này lại tiếp tục là một điểm nóng với những dữ liệu mới, định hướng xử lý mới.

Tiền lệ nối tiếp tiền lệ

Hội nghị các công ty niêm yết năm nay diễn ra không mấy sôi động, có lẽ phản ánh một phần không khí của thị trường sau một thời gian dài suy giảm. Nhưng không vì thế mà câu chuyện công bố báo cáo tài chính bớt nhạt. Nó được đề cập gần như đầu tiên và xuyên suốt từ gợi mở của đại diện Ủy ban Chứng khoán cho đến nội dung trao đổi của hội nghị.

Sau một năm đầu tư tài chính khó khăn, vấn đề đầu tiên được đề cập đến là một số bất cập trong các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính dẫn đến những xáo trộn trong báo cáo của một số doanh nghiệp niêm yết. Vấn đề không quá mới, nhưng lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư bị ảnh hưởng luôn mới. Và đó có phải là một phần lý do khiến một tiền lệ lại nối tiếp phổ biến: xin hoãn hoặc chậm nộp báo cáo tài chính.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng ban Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), đưa ra một số thống kê đáng chú ý: Tính đến ngày 31/3/2009, số công ty đã nộp báo cáo thường niên năm 2008 trên HASTC mới chỉ có 33/177, trên HOSE là 32/177; số báo cáo tài chính năm 2008 đã nộp khả quan hơn, tương ứng 105/177 và 91/177, nhưng vẫn cho thấy nhiều trường hợp còn phải chờ.

Ngược về những mùa báo cáo trước đó, số lượng công ty công bố báo cáo tài chính quý 4/2008 chậm tại HASTC là 37/168, tại HOSE có tới 66/170. Đáng chú ý là của quý 2/2008, các con số tương ứng là 53/146 và 68/156. Tình trạng này cũng có ở các mùa khác trong năm 2008…

Thị trường, giới đầu tư đã quá quen với thực tế này, quen với cả những lý do tưởng như khó chấp nhận như… lỗi phần mềm kế toán, máy tính nhiễm virus…, đến thực tế khách quan do đặc thù hoạt động, hạch toán của các doanh nghiệp hay lực lượng kiểm toán còn mỏng. Vậy, vẫn là câu hỏi có nên điều chỉnh các quy định công bố thông tin hiện hành, có tăng cường sự chấn chỉnh và chế tài xử phạt, hay để tiền lệ nối dài tiền lệ?

Sửa cơ chế, thêm chế tài

Một công tác trọng tâm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong tháng này là hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung thông tư thay thế Thông tư số 38/2007/TT-BTC liên quan đến vấn đề công bố thông tin để trình Bộ Tài chính.

Theo TS. Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, mục đích sửa đổi, bổ sung thông tư trên là nhằm nâng cao hiệu lực của pháp lý, nâng cao chất lượng thông tin được công bố, bổ sung thêm một số nội dung phải công bố…, và trong đó có một mục đích là đảm bảo về thời gian thực hiện.

Tại các cuộc hội thảo lấy ý kiến từ các thành viên thị trường, các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước, có nhiều chi tiết đã được mổ xẻ, thậm chí cặn kẽ đến từng khái niệm. Và theo giới thiệu về những nội dung sửa đổi, quan điểm mà đại diện Ủy ban Chứng khoán đưa ra là sẽ chặt chẽ hơn, cả với những yêu cầu tưởng như đơn giản trong thời gian qua.

Đơn cử, chuyện lập website và công bố thông tin của doanh nghiệp qua kênh này.

Tính đến ngày 31/3/22009, trên HASTC đã có 95,8% công ty niêm yết xây dựng website cho mình (và cho cổ đông, nhà đầu tư). Tuy nhiên, đánh giá mà Ủy ban đưa ra là phần lớn các website đó còn sơ sài và chưa cập nhật đầy đủ thông tin.

Trên HOSE, gần như tuyệt đối khi có 176/177 thành viên niêm yết đã có website (chỉ riêng Công ty Cổ phần Bao bì PP Bình Dương chưa lập), nhưng có tới 31 trường hợp chưa cập nhật đầy đủ thông tin đã công bố, có 7 website nguội lạnh vì… không truy cập được hoặc đang xây dựng.

Ông Sơn cho biết, với những sửa đổi, bổ sung mới, yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới là các công ty niêm yết phải có trang web riêng, trong đó phải có mục “Quan hệ cổ đông” (thực tế nhiều trang web chưa xây dựng mục này) với thông tin cập nhật kịp thời. Đi cùng với yêu cầu đó là chế tài xử lý chặt chẽ hơn. Đây cũng là một việc “nhỏ” đặt trong mục đích là nâng cao chất lượng công bố thông tin và tính kịp thời nói chung.

Trở lại với tiền lệ của việc chậm công bố báo cáo tài chính, thông điệp mà Ủy ban Chứng khoán đưa ra tại hội nghị nói trên là sẽ tăng cường xử lý trong thời gian tới.

“Để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, chúng tôi đã yêu cầu hai Sở Giao dịch Chứng khoán phải nhắc nhở. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán cũng có công văn yêu cầu các công ty chậm nộp báo cáo phải thực hiện nghiêm, không được đưa ra những lý do không phù hợp để chậm nộp, gia hạn. Trong thời gian tới, nếu công ty nào vẫn tiếp tục tái diễn, một mặt chúng tôi sẽ yêu cầu giải trình công khai lý do, mặt khác tùy theo mức độ sẽ chuyển thanh tra để xử lý”, ông Nguyễn Thế Thọ nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi, có quy định và chế tài nhưng dường như Ủy ban Chứng khoán chủ yếu vẫn là kêu gọi doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, ông Thọ nói: “Quy định pháp luật là như vậy nhưng vẫn phải có lộ trình. Trong những năm vừa qua, nhiều công ty đã đáp ứng quy định này. Đại hội cổ đông sẽ phải bầu và như vậy trách nhiệm cũng nằm trong tay chính các cổ đông”.

Và trong nội dung trao đổi với các doanh nghiệp sáng 8/4, Ủy ban Chứng khoán tiếp tục đề nghị “các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp mới niêm yết cần tuần thủ quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin. Các công ty niêm yết cũng cần lưu ý để thực hiện công bố thông tin đúng thời hạn, đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư”.