Công ty bảo hiểm chi trả bồi thường lên tới gần 64 nghìn tỷ đồng
Sau 8 tháng, số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước 56,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2% cùng kỳ, cộng với con số chi trả do bão số 3 khoảng 7 nghìn tỷ đồng, ước tổng mức chi trả lên tới gần 64 nghìn tỷ đồng, chưa tính những tháng cuối năm...
Thông tin về thị trường bảo hiểm 8 tháng của năm 2024, Bộ Tài chính cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm 8 tháng ước đạt 145,45 nghìn tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì đà tăng 12,3%; ước đạt 51,6 nghìn tỷ đồng. Riêng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 93,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7,3%.
CHI TRẢ QUYỀN LỢI BẢO HIỂM TĂNG 23,2% CÙNG KỲ
Cũng theo Bộ Tài chính, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 56,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 815,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 971,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10%.
Liên quan đến diễn biến thị trường trong tháng 9/2024, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chứng kiến hàng loạt yêu cầu bồi thường liên quan đến tổn thất sau bão số 3 (bão Yagi). Tính đến cuối tuần trước, theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới, ghi nhận 14 trường hợp tử vong và 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.
Sau đợt bão càn quét, ước tính sơ bộ ban đầu, tổng số tiền bảo hiểm chi trả thiệt hại về con người và tài sản khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đến nay, số lượng hồ sơ đề nghị bồi thường, tạm ứng bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng lên do nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa tiếp cận được hiện trường tại một số điểm còn ngập lụt, lở đất nghiêm trọng tại nhiều địa phương, do đó, mức độ thiệt hại chưa thống kê hết.
Ghi nhận số tiền phải bồi thường bảo hiểm cao nhất hiện nay là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) với hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng, chưa bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người. PVI huy động toàn bộ đội ngũ giám định viên và các công ty giám định độc lập do Bảo hiểm PVI chỉ định xuống hiện trường, ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tổn thất, giảm thiểu tối đa thời gian cho khách hàng.
Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt cũng tiếp nhận gần 700 vụ tổn thất, tập trung vào các loại hình bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa với ước tính tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết đang nhanh chóng triển khai các giải pháp tạm ứng bồi thường, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp chịu thiệt hại nhằm giúp khách hàng sớm ổn định và tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ nửa tháng đầu năm 2024 ước đạt 11.063 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 28,32%. Trong đó, 22/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường.
Đáng chú ý, 10 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 3 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao là: PTI (52,72%), Liberty (48,86%) và Bảo Việt (42,29%).
ÁP LỰC LỢI NHUẬN SỤT GIẢM VÀ TĂNG PHÍ TÁI BẢO HIỂM
Nhiều ý kiến cho rằng tốc độ gia tăng chi bồi thường nhanh hơn đáng kể so với doanh thu phí phần nào đang làm tăng áp lực lớn lên các công ty bảo hiểm.
Trao đổi vấn đề này với VnEconomy, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải trích lập dự phòng bồi thường và cũng sử dụng công cụ tái bảo hiểm để san sẻ rủi ro.
Đánh giá về tỷ lệ bồi thường hiện nay, lãnh đạo Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng con số này tuỳ theo nghiệp vụ và thường chỉ nhìn nhận tỷ lệ là cao/thấp ở điều kiện bình thường, còn khi có thảm hoạ thiên nhiên như vừa qua rất khó đánh giá.
"Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép giữ lại mức trách nhiệm bảo hiểm từ 5-10% vốn chủ sở hữu, phần còn lại chia sẻ rủi ro cho các nhà nhận tái bảo hiểm hay đồng bảo hiểm.
Về lâu dài, do các nhà nhận tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm, bị chi bồi thường lớn nên doanh nghiệp bảo hiểm muốn tái bảo hiểm cho năm sau và những năm tiếp theo, phải chấp nhận phí bảo hiểm, phí nhượng tái bảo hiểm lớn hơn".
PGS.TS Đoàn Minh Phụng, Trưởng Khoa Ngân Hàng và Bảo hiểm (Học viện Tài chính), cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm đã có dự phòng bồi thường quy mô khá lớn, cùng đó là các nhà tái bảo hiểm nước ngoài đóng góp bồi thường, có điều lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giảm đi.
Đối với công cụ tái bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, cho biết theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép giữ lại mức trách nhiệm bảo hiểm từ 5-10% vốn chủ sở hữu, phần còn lại chia sẻ rủi ro cho các nhà nhận tái bảo hiểm hay đồng bảo hiểm.
Tái bảo hiểm là nghiệp vụ khi một công ty bảo hiểm chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm với người được bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm khác. Doanh nghiệp bảo hiểm nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, tối đa 90% mức trách nhiệm bảo hiểm.
Hiểu một cách đơn giản, khi công ty bảo hiểm không còn đủ khả năng chi trả thì họ cần một bên khác chia sẻ rủi ro cùng.
Theo đó, chẳng hạn vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng thì mức giữ lại tối đa 50-100 tỷ đồng. Thực tế đa số doanh nghiệp bảo hiểm chỉ giữ lại 400.000-800.000 USD (10-20 tỷ đồng) cho một dịch vụ bảo hiểm hay hợp đồng bảo hiểm.
Đợt bão lụt lần này hầu hết những hợp đồng có giá trị lớn đều được nhà nhận tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm chia sẻ trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, số tiền bồi thường trong mức trách nhiệm của từng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải tăng so với năm bình thường.
Số tiền này được doanh nghiệp bảo hiểm trích ra từ Quỹ dự phòng dao động lớn (bồi thường cho thiên tai thảm hoạ) được trích lập hàng năm của các năm trước. Do vậy, ông Lộc cho rằng tình hình tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm không có biến động lớn.