07:00 16/02/2021

Covid khiến kinh tế Nhật có năm giảm mạnh thứ nhì trong lịch sử

An Huy

Giờ đây, triển vọng của kinh tế Nhật tùy thuộc nhiều vào việc tình trạng khẩn cấp ở nước này sẽ kéo dài trong bao lâu

Ảnh minh họa - Ảnh: FT.
Ảnh minh họa - Ảnh: FT.

Nền kinh tế Nhật Bản có thêm một quý tăng trưởng với tốc độ hai con số và hoàn tất năm 2020 trong tình trạng tốt hơn dự báo ban đầu. Đây được xem là dấu hiệu của sự phục hồi chắc chắn hơn, một khi tình trạng khẩn cấp để chống đại dịch Covid-19 ở nước này được dỡ bỏ.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 15/2 cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật tính cả năm (annualized) trong quý 4/2020 tăng 12,7% so với quý 3.

Đây là quý thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, sau khi tăng kỷ lục 22,7% trong quý 3. Ngoài ra, mức tăng này cũng cao hơn dự báo của hầu hết các chuyên gia được Bloomberg khảo sát ý kiến trước khi dữ liệu được công bố, cho thấy kinh tế Nhật đã chống chọi khá tốt với làn sóng Covid nổi lên trong mùa đông.

Tính cả năm 2020, kinh tế Nhật suy giảm 4,8% - một mức giảm thấp hơn dự báo, nhưng là mức giảm mạnh thứ nhì trong lịch sử. Kỷ lục suy giảm của kinh tế Nhật là cú sụt 5,7% vào năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Năm 2020 cũng là năm suy giảm đầu tiên của kinh tế Nhật kể từ 2009.

Thương mại khởi sắc và chi tiêu của các hộ gia đình tăng tiếp tục là những trụ cột giúp kinh tế Nhật hồi phục. Ngoài ra, các công ty của Nhật Bản còn đẩy mạnh đầu tư trong quý 4, thể hiện qua việc chi tiêu của doanh nghiệp tăng mạnh nhất trong hơn 5 năm trở lại đây.

Điều này cho thấy, sau 6 tháng liên tiếp giảm chi tiêu, các công ty ở đất nước mặt trời mọc giờ đây đã nhìn thấy triển vọng tốt hơn một khi Chính phủ chấm dứt tình trạng khẩn cấp để chống dịch Covid-19, dù tình trạng khẩn cấp được cho là sẽ đẩy kinh tế Nhật một lần nữa rơi vào tình trạng suy giảm trong quý 1/2021.

"Có vẻ như doanh nghiệp cuối cùng đã rút tiền ra tiêu vì xuất khẩu hồi phục", chuyên gia kinh tế Hiroaki Muto thuộc Sumitomo Life Insurance nhận xét. "Nền kinh tế sẽ lại giảm trong quý 1, nhưng chúng ta đang ở trong một xu hướng hồi phục".

Covid khiến kinh tế Nhật có năm giảm mạnh thứ nhì trong lịch sử - Ảnh 1.

Dữ liệu vừa được công bố cũng cho thấy ở cấp độ hàng quý, nền kinh tế Nhật Bản kết thúc năm 2020 đã lấy lại được hầu hết phần sản lượng mất mát kể từ tháng 3 - thời điểm Covid-19 gây chấn động thị trường và đóng băng thương mại toàn cầu. Giới chuyên gia nói rằng đây là một sự hồi phục nhanh hơn dự kiến.

Trong phiên giao dịch sáng 15/1, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật có lúc tăng 1,1%, vượt mốc 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 1990. Nhà đầu tư hưng phấn sau báo cáo GDP và sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga xác nhận nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa Covid-19 từ ngày 17/2.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói rằng tốc độ tăng trưởng quý 4 cho thấy khả năng hồi phục của nền kinh tế, cho dù nước này vẫn chưa thoát khỏi những thách thức to lớn mà đại dịch đặt ra. Ông nhấn mạnh việc tiêu dùng của người dân vẫn ở mức thấp hơn trung bình, và xuất khẩu hoàn toàn có thể giảm tốc nếu virus dẫn tới những biện pháp hạn chế ngặt nghèo hơn ở châu Âu và một số thị trường quan trọng khác.

Giờ đây, triển vọng của kinh tế Nhật tùy thuộc nhiều vào việc tình trạng khẩn cấp ở nước này sẽ kéo dài trong bao lâu. Số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này đang có chiều hướng giảm xuống, làm dấy lên những hy vọng rằng các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ ở một số nơi trước ngày 7/3 - thời điểm dự kiến dỡ nhưng do hệ thống bệnh viện vẫn đang căng thẳng vì lượng bệnh nhân Covid-19 điều trị còn lớn, Chính phủ Nhật vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Thủ tướng Suga sáng 15/2 nói những mũi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên ở Nhật trong tuần này sẽ được dành cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Loại vaccine mà Nhật Bản sử dụng là vaccine của hãng Pfizer, với lo hàng đầu tiên được đưa vào nước này cuối tuần trước.

"Số liệu GDP cho thấy nền kinh tế có thể hồi phục nếu virus không gây ra những gián đoạn", chuyên gia kinh tế trưởng Yoshimasa Maruyama của SMBC Nikko Securities nhận định. "Đại dịch đã không gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng hay năng lực sản xuất như một trận động đất và nhiều hộ gia đình vẫn sẵn sàng chi tiêu bởi tỷ lệ thất nghiệp đang thấp".

Chi tiêu của Chính phủ Nhật, hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ), và văn hóa doanh nghiệp Nhật đặt công ăn việc làm lên trên vấn đề tiền lương cao là những nhân tố quan trọng giúp giữ tỷ lệ thất nghiệp ở nước này ở mức 2,9% - con số chỉ bằng một phần tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ và một số nước châu Âu.

Nhưng đổi lại, nhiều công ty Nhật phải giảm lương của người lao động, dẫn tới hạn chế tốc độ phục hồi của tiêu dùng.

"Điều tuyệt vời nhất là tiền lương khởi sắc và tiêu dùng tăng, nhưng chúng ta chưa đạt tới điều đó", ông Muto nói.