10:32 10/12/2023

Cung ứng điện năm 2024: “Than và thủy” tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, năng lượng tái tạo huy động theo nhu cầu

Huyền Vy

Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 148,489 tỷ kWh và mùa mưa là 157,769 tỷ kWh…

Năm 2024, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt cơ bản sẽ được đảm bảo.
Năm 2024, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt cơ bản sẽ được đảm bảo.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3110/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024. Theo đó, năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024 tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội.

Trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.

Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024.
Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo
cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024.

Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2024 cơ bản sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện như không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang ở giai đoạn suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.

Tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu; đảm bảo độ sẵn sàng, khả dụng cao của các tổ máy phát điện; lập các kế hoạch cung cấp điện chi tiết, cụ thể cho từng tháng, từng tuần; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện và các dự án có trong kế hoạch được phê duyệt đảm bảo giải toả công suất cho các nguồn điện, giảm tải cho các đường dây, máy biến áp đang phải vận hành đầy và quá tải.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty khí Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí - điện và lợi ích quốc gia.

Ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện năm 2024.
Ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện năm 2024.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Than Đông Bắc lập kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo các điều khoản hợp đồng đã ký để đảm bảo phát điện.

Các đơn vị phát điện chủ động chuẩn bị nguồn nhiện liệu than bao gồm cả phương án sử dụng than trộn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.

Quyết định số 3110/QĐ-BCT nêu rõ, cùng với với việc đảm bảo nguồn cung cho phát điện, việc thực hiện các chương trình về Quản lý nhu cầu điện và Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng là một giải pháp rất quan trọng cho hệ thống điện quốc gia không những trong năm 2024 mà cả các năm tiếp theo.

Trước đó, để đảm bảo cân đối cung - cầu điện năm 2024, EVN đã tính toán cân đối cung - cầu điện với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.

Kịch bản 1: Nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tương ứng tần suất 65%).

Kịch bản 2: Cực đoan (lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023 tương ứng tấn suất khoảng 90%).

Trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.

EVN cho biết theo tính toán cung cầu năng lượng giai đoạn 2024-2030, dự kiến các nhà máy của EVN sẽ được huy động rất cao khoảng 40 - 42 tỷ kWh/năm, tương ứng với khối lượng than là 27,2 - 28 triệu tấn, vượt quá khả năng cấp trong hợp đồng dài hạn. Do đó, cần phải bổ sung thêm than cho vận hành các nhà máy điện than hiện hữu, đáp ứng nhu cầu huy động trong các năm, giai đoạn 2024 - 2030.

Dự kiến kế hoạch năm 2024, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp than cho điện là 56,48 triệu tấn, trong đó TKV cấp hoảng 46,48 triệu tấn và Tổng công ty Đông Bắc khoảng 10 triệu tấn. Đối với các nhà máy EVN, TKV cung cấp 20,35 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 8,35 triệu tấn.

Theo TKV, để có đủ nguồn cung ứng 46,48 triệu tấn than cho sản xuất điện, trong đó có 31 triệu tấn than pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu, TKV dự kiến sẽ cần nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than.

Liên quan đến tình hình cung cấp khí, PVN cho biết đã có kế hoạch sản xuất điện, kế hoạch cung cấp khí trong năm 2024, kế hoạch dự kiến là 27,50 tỷ kWh. Về khả năng cung cấp khí có phát điện dự kiến năm 2024 theo từng lĩnh vực: Khu vực Đông Nam Bộ là 3,06 tỷ Sm3, khu vực Tây Nam Bộ là 1,41 tỷ Sm3.