Cuộc trở lại ngoạn mục của đồng Yên
Đồng Yên của Nhật Bản đã tăng giá mạnh trong tháng này. Động thái của các ngân hàng trung ương có khả năng sẽ đẩy tỷ giá Yên lên cao hơn...
Trong phần lớn thời gian từ đầu năm đến nay, Yên là đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới. Nếu tính từ đầu năm, Yên đã mất giá gần 5% so với USD và thậm chí còn giảm nhiều hơn so với các đồng Euro, Bảng Anh và Franc Thuỵ Sỹ. Tuy nhiên, trong khoảng nửa tháng trở lại đây, đồng Yên đã đảo chiều ngoạn mục và đã tăng hơn 4% so với đồng USD kể từ đầu tháng 7.
YÊN HỒI PHỤC NHỜ KỲ VỌNG CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ DỊCH CHUYỂN
Theo tờ Wall Street Journal, sự dịch chuyển này của tỷ giá đồng Yên xuất phát chủ yếu từ một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà các nhà giao dịch tiền tệ tự hỏi mỗi ngày: Lãi suất sẽ đi về đâu? Cam kết giữ chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo trong nhiều năm đặt Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào một vị thế đối nghịch với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi Fed thực hiện một chiến dịch tăng lãi suất lịch sử trong 16 tháng qua. Tuy nhiên, giới giao dịch cho rằng hai ngân hàng trung ương này sẽ sớm thay đổi đường đi của chính sách tiền tệ.
Sáng 21/7, tỷ giá Yên so với USD dao động gần mốc 140 đổi 1 USD, sau khi tụt về sát mốc 145 Yên đổi 1 USD vào đầu tháng - theo dữ liệu từ FactSet. Một cuộc khảo sát do FactSet thực hiện với sự tham gia của 43 công ty môi giới cho thấy mức dự báo trung bình của tỷ giá đồng Yên vào cuối năm nay là 132 Yên đổi 1 USD. Các chiến lược gia của Citigroup và Nomura cho rằng 1 USD sẽ đổi 120 Yên vào năm tới.
Một sự thay đổi lớn trong tỷ giá đồng Yên sẽ có ảnh hưởng sâu rộng: tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu Nhật Bản đối với nhà đầu tư nước ngoài; và có thể làm thay đổi quan điểm của các nhà giao dịch và đầu tư đối với nhiều loại tài sản khác nhau. Đồng Yên là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba thế giới, chỉ sau đồng USD và đồng Euro, nên có một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Đồng Yên yếu là một nhân tố giúp ích cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, bao gồm các hãng ô tô như Toyota và Honda, vì khi chuyển doanh thu từ các thị trường nước ngoài về nước, họ sẽ đổi sang được lượng nội tệ lớn hơn. Đồng Yên yếu cũng đã giúp Nhật Bản thu hút nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường chứng khoán nước này trong năm nay, và các nhà đầu tư này đang hưởng lợi từ cả xu hướng tăng của chứng khoán Nhật Bản và sự phục hồi của Yên.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản đã tăng khoảng 26% trong năm nay và đang ở vùng cao nhất trong hơn 3 thập kỷ. Tuy nhiên gần đây, chứng khoán Nhật Bản có dấu hiệu mất đà và nguyên nhân được cho là do Yên tăng giá trở lại.
Các quỹ phòng hộ đã đặt cược lớn vào sự mất giá của Yên trong năm nay, bằng cách bán ra Yên và mua vào những đồng tiền khác như Bảng Anh, Peso Mexico và Real Brazil. Giờ đây, theo nhà quản lý danh mục đa tài sản Wei Li tại BNP Paribas Asset Mamangement, nhiều quỹ phòng hộ đang tiến hành đóng trạng thái bán khống (short) đồng yên và chuyển sang đầu cơ giá lên (long) đồng Yên thông qua các hợp đồng quyền chọn.
Một số nhà đầu tư cũng đang sử dụng các công cụ phái sinh để đạt cược dựa trên sự biến động tỷ giá Yên và thị trường chứng khoán Nhật, ông Li cho biết.
Sự thay đổi nhanh chóng về tỷ giá đồng Yên so với đồng USD là một phần trong xu hướng mất giá của đồng USD. Lạm phát của Mỹ suy yếu trong tháng trước, củng cố khả năng rằng Fed sẽ kết thúc chiến dịch tăng lãi suất bằng một đợt tăng cuối cùng trong cuộc họp vào tuần tới.
Nhưng cú giảm giá của USD so với Yên trong tháng này là rõ rệt hơn so với những đồng tiền khác. Đây một phần là do đồng Yên đã mất giá quá nhiều so với USD trong suốt chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Thêm nữa, các nhà giao dịch còn tin rằng BOJ sẽ có động thái để rút ngắn khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ.
NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NHẬT SẮP CÓ ĐỘNG THÁI?
Ông Kazuo Ueda trở thành Thống đốc của Fed vào tháng 4 năm nay và đến hiện tại chưa có động thái chính sách lớn nào. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà phân tích cho rằng ông Ueda sẽ tăng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn mức trần lợi suất đối với một số trái phiếu chính phủ Nhật. Dù vậy, giới quan sát còn đang tranh cãi về thời điểm mà vị Thống đốc có thể đưa ra một động thái như vậy.
“Khoảng cách chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật Bản có thể được thu hẹp nhanh hơn so với dự kiến ban đầu”, nhà kinh tế trưởng Tetsufumi Yamakawa của Barclays nhận định.
Theo một cuộc khảo sát hàng tháng được thực hiện bởi công ty cung cấp dữ liệu Quick, khoảng 3/4 nhà tham gia thị trường được hỏi kỳ vọng BOJ sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tuần tới. Nhưng trong trường hợp BOJ có một động thái nào đó, 45% dự báo đó sẽ là dỡ bỏ hoàn toàn chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).
Hiện nay, BOJ đã có thể tính tới các bước thắt chặt nho nhỏ đối với chính sách tiền tệ, bởi nền kinh tế Nhật Bản cuối cùng đã có những dấu hiệu hồi phục. Quý 1 năm nay, kinh tế Nhật tăng trưởng 2,7%, vượt mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Nhật Bản cũng đã có dấu hiệu của lạm phát sau nhiều thập kỷ giá cả gần như không tăng. Khi lạm phát cao, các ngân hàng trung ương thường dùng đến biện pháp tăng lãi suất để kiểm soát giá cả.
Chiến lược gia Homin Lee của công ty Lombard Odier nói rằng đồng Yên yếu là không nhất quán với các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Nhật Bản hiện nay. Lombard Odier có quan điểm lạc quan về triển vọng tăng giá của Yên, cho rằng Yên sẽ phục hồi lên mức 120 Yên đổi 1 USD trong 12 tháng tới.
Nhưng không phải ai cũng cho rằng Yên sẽ tiếp tục tăng giá so với USD.
“Tôi thực sự hiểu tại sao thị trường đang giao dịch như thế này và cho rằng đồng Yên sẽ tăng giá lên mức 135 Yên/USD trong ngắn hạn, nhưng có vẻ như đợt tăng này đã hơi quá đà”, chiến lược gia trưởng Shusuke Yamada của BofA Global Research nhận định.
Theo ông Yamada, bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách YCC của Nhật Bản sẽ chỉ diễn ra từ từ và cuối cùng, khác biệt lớn về lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn sẽ là nhân tố quan trọng nhất. “Rốt cục, giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) vẫn sẽ thắng thế”, ông Yamada nói.
Còn theo chiến lược gia Naomi Muguruma của công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, các nhà tham gia thị trường thường có xu hướng hoài nghi trước mỗi cuộc họp của BOJ. Nguồn thạo tin tiết lộ rằng BOJ chỉ có thể thay đổi chính sách YCC một cách bất ngờ, vì nếu BOJ đưa ra bất kỳ một tín hiệu trước nào về sự thay đổi, thị trường ngay lập tức sẽ biến động mạnh.
Bà Muguruma dự báo BOJ sẽ thay đổi chính sách bằng cách xoá bỏ chính sách YCC, nhưng cho rằng BOJ sẽ đợi đến quý 4 năm nay mới đưa ra một động thái như vậy.