16:16 21/09/2017

Đặc khu kinh tế: “Lo sợ nhiều quá thì không làm được đâu”

Nguyên Vũ

“Chúng ta nói và bàn về đặc khu 15 năm nay rồi, vẫn cứ loanh quanh lo như thế, thì rất khó”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam.
“Cứ lật qua lật lại, lo sợ nhiều quá thì không làm được đâu”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lên tiếng trước nhiều chiều ý kiến xung quanh dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ông Thiên nói với VnEconomy:

- Tôi cho rằng, nguyên tắc quan trọng nhất là hoạt động của đặc khu phải tuân thủ, không trái với Hiến pháp là được, còn cứ chiếu vào các luật rồi cho rằng nó phải như thế này, thế kia mới đúng quy định thì… chết rồi, làm sao mà còn đặc biệt, đặc thù gì được nữa. 

Nhưng mặt khác, ấn tượng ngôn ngữ rất quan trọng, nên gọi luật này đơn giản là Luật Đặc khu, chứ không nên để cái tên quá dài dòng như trên.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay “Luật Đặc khu” như ông nói, dù chưa trình Quốc hội nhưng đã khơi lên cuộc tranh luận sôi nổi về mô hình tổ chức khác biệt tại đặc khu. Có thể hình dung diện mạo, vị trí đặc biệt của đặc khu thế nào?

Dự thảo luật được xây dựng có những điểm rất khó mà cơ quan soạn thảo đã cố gắng để thể hiện. 

Theo tinh thần chỉ đạo, đặc khu được xác định là cơ quan hành chính thuộc tỉnh, như thế thì thẩm quyền sẽ vướng “trần” là ông chủ tịch UBND tỉnh, nhưng thật ra, yêu cầu của mô hình này, nhiều khi thẩm quyền của đặc khu còn vượt trên cả tỉnh.

Tôi thì thấy ở đây, mọi con đường đều dẫn đến quyền lực trực tiếp với Thủ tướng, vì Thủ tướng là người điều hành, người nắm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức trưởng đặc khu.

Nhiều chuyên gia luật, nhất là chuyên gia trong ngành luật công, luật về tổ chức bộ máy nhà nước tỏ ra băn khoăn nhiều chính ở việc xác định vị trí của đặc khu kinh tế thuộc tỉnh hay thuộc Trung ương. Còn quan điểm của ông thế nào? 

Đừng nên suy nghĩ cứng nhắc theo tư duy tổ chức hành chính thông thường là buộc nó phải thuộc gì, đặc khu là một thứ đặc biệt, có cơ chế quyền lực đặc thù, phù hợp với mục tiêu mà ta muốn nó đạt được. 

Thiết kế thể chế đó, quan trọng nhất xác định mục tiêu, làm ra đặc khu định để giải quyết vấn đề gì, và muốn đạt được mục tiêu đó thì cần thiết chế như thế nào, cần được trao những quyền lực gì để thực hiện…

Cứ lật qua lật lại, lo sợ nhiều quá thì không làm được đâu.

Quyền lực của người đứng đầu đặc khu thực sự rất lớn, như một chủ tịch tỉnh độc lập, một thủ trưởng của toàn khu, như mô hình của Macau, Hồng Kông vậy, Trưởng đặc khu có toàn quyền trong lãnh địa đấy. Phần lãnh địa này chỉ phụ thuộc vào quốc gia ở vấn đề chủ quyền, ngoại giao, an ninh - quốc phòng. Ngoài ra thì nó rất độc lập và khác biệt với các đơn vị hành chính thông thường trong nước.

Đề xuất trao quyền lực vượt trội và kiểm soát quyền lực với người đứng đầu đặc khu cũng là một vấn đề lớn. Với 116 thẩm quyền được trao cho trưởng đặc khu, trong đó tới 77 thẩm quyền thuộc quyền của Thủ tướng, ông nhận xét thế nào?

Phải nhắc lại là ở đây chúng ta đang muốn tạo ra một thiết chế mới, đặc thù, trao quyền lớn và đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực như Hiến pháp quy định, tức có quyền lực thì phải có giám sát quyền lực.

Thẩm quyền đại thể trao cho trưởng đặc khu thì thế nhưng quan trọng nhất là thẩm quyền phải đi liền với trách nhiệm, phải có cơ chế để làm sao người này phải chịu trách nhiệm với những việc làm, quyết định của mình. Thiết kế cơ chế chịu trách nhiệm đó như thế nào, bằng giám sát hay bằng công khai minh bạch… thì đó là vấn đề kỹ thuật, cần phải bàn.

Qua nhiều lần hội thảo, nhiều ý kiến chỉ ra, trong dự thảo luật chưa có một cơ chế giám sát chặt chẽ với trưởng đặc khu. Nhân vật này không phải do hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra thì không thể buộc phải chịu trách nhiệm, phải báo cáo hay giải trình trước nhân dân, chính quyền địa phương được?

Thủ tướng có thẩm quyền bổ nhiệm, vậy thì đương nhiên Thủ tướng có thẩm quyền giám sát với ông trưởng đặc khu rồi. Đó là kênh giám sát trực tiếp. 

Còn đòi hỏi giám sát từ phía nhân dân là nói theo nguyên lý về tổ chức, vì chính quyền là người đại diện cho nhân dân ở địa phương đó.

Tôi thấy cơ quan soạn thảo luật cũng thiết kế thiết chế hội đồng đặc khu với cơ cấu đặc biệt, có sự tham gia của chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương, thậm chí nhân dân địa phương… để thực hiện thẩm quyền giám sát. Cái này trả lời cho các câu hỏi như cơ quan này có yêu cầu trưởng đặc khu trả lời chất vấn, yêu cầu giải trình, tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm… được không?

Nhưng, Thủ tướng thì ở mãi trên Trung ương, hội đồng đặc khu thì chỉ hoạt động kiêm nhiệm, dễ có khả năng quan liêu. Một số cảnh báo đã được đưa ra như đặc khu dễ thành miếng mồi ngo của lợi ích nhóm khi việc kiểm soát, giám sát quyền lực không hiệu quả rõ ràng, theo ông có đáng để cân nhắc không?

Tôi muốn có ví dụ cụ thể đi. Nói “miếng mồi” là mồi như thế nào, mồi trong việc gì, hoạt động gì chứ nếu cứ ngồi và tưởng tượng đó là “mồi”, thì khó lắm!

Tôi trao quyền cho ông thì có nghĩa là ông phải chịu trách nhiệm, tôi sẽ người giám sát xem ông làm gì rồi.

Tại sao không nói các đơn vị hành chính khác trong nước không thành “miếng mồi”, là vì cơ chế ở đây, việc ra quyết định tập thể là nhiều hơn, người đứng đầu không chịu trách nhiệm toàn diện? Còn ở đặc khu kinh tế lại là cơ chế chịu trách nhiệm trực tiếp, phải khác chứ.

Chúng ta cần tin vào một hệ thống dân chủ, chứ cứ nghĩ, cứ lo như vậy, thì sao làm được. Ta thiết kế mô hình đặc khu để có một hệ thống giám sát dựa trên nền tảng dân chủ, công khai minh bạch là chính. Ta cũng biết cần thiết phải đánh chuột và đánh chuột không dễ, nhất là trong phòng tối, việc đánh chuột càng khó, thậm chí là tự phang vào chân mình nhiều hơn. Nhưng có thể không cần đánh chuột, chỉ cần bật đèn trong phòng lên là chuột phải chạy rồi. 

Nói thế có nghĩa là công khai minh bạch, để ai cũng nhìn thấy cũng là một cơ chế để giám sát tốt.

Ông từng đề cập đến những ví dụ đã thành công trong tổ chức mô hình đặc khu kinh tế như Thẩm Quyến, như Tiền Hải tại Trung Quốc. Vậy ở đó họ xử lý vấn đề trao quyền lực và kiểm soát quyền lực với đặc khu, người đứng đầu đặc khu như thế nào?

Thực sự là quyền lực hành chính ở đó lớn lắm, cơ chế là tin và giao để người ta làm, nhưng có thể uy hiếp, bắt ngay.

Và cũng có sai phạm ở đó, sai nhiều chứ. Ở Thẩm Quyến sau này, những người trong bộ máy hành chính bị bắt, xử lý gần hết. Tốc độ vận hành kiểu một ngày thêm một tầng nhà, ba ngày thêm một con đường được làm xong thì đương nhiên nghĩa là vốn liếng, tiền bạc rơi ra nhiều, “dầu mỡ, mắm muối” cũng phải rơi rớt ra, dễ… dính dớp. 

Hiện tượng chấm mút cũng nhiều, nhưng ở đó, ban đầu người ta cứ để cho làm, nhưng sau đó thì lần lượt đi tù, phát hiện chấm mút là đi tù.

Chúng ta thì đang lo nhiều quá, lo đủ thứ. Theo tôi thì cứ làm đi đã, vận hành thì rồi mới ra vấn đề mà xử lý. 

Bởi, chúng ta nói và bàn về đặc khu 15 năm nay rồi, vẫn cứ loanh quanh lo như thế, thì rất khó. 

Cá nhân tôi, ở góc độ kinh tế, tôi ủng hộ, thậm chí còn muốn tăng hơn nữa thẩm quyền cho trưởng đặc khu cơ. Tôi quan tâm trước hết đến tinh thần đổi mới, đột phá như thế nào.